Tôn vinh "người gác đền" ở mảnh đất bài bác các thủ môn

Không phải Neymar, Messi, James Rodriguez... những người chơi ấn tượng nhất ở World Cup 2014 cho đến giờ là những thủ môn, vị trí tưởng như lúc nào cũng khuất bóng sau các cầu thủ tuyến trên. Guilermo Ochoa, Keylor Navas, Tim Howard, Manuel Neuer, Tim Krul... có thể liệt kê ra đây cả một danh sách những thủ thành có khoảng khắc chói sáng tại giải đấu này.

Đến thủ môn dự bị như Tim Krul cũng trở thành người hùng

Tim Howard được chọn vào đội hình tiêu biểu tứ kết World Cup 2014, dù đội tuyển Mỹ của anh thua trận trước người Đức. Guilermo Ochoa được tôn vinh là người hùng dân tộc của Mexico sau những màn cứu thua không tưởng trước các chân sút chủ nhà Brazil. Keylor Navas là một nửa sức mạnh của Costa Rica.

Manuel Neuer được xem là người phát minh ra một phong cách chơi bóng mới cho vị trí thủ môn (băng ra khỏi vòng cấm và phá bóng như một hậu vệ quét). Cá biệt, mới đây nhất, thủ môn dự bị của đội tuyển Hà Lan Tim Krul được ca ngợi chỉ sau 44 giây xuất hiện và cản phá thành công .... quả penalty đưa đội bóng của Van Gaal vào bán kết.

Chưa có giải đấu nào trong lịch sử, các thủ mông đồng loạt tỏa sáng như Brazil 2014, đáng chú ý, quốc gia Nam Mỹ này xưa nay vốn nổi tiếng là ưa chuộng bóng đá tấn công và bài bác vị trí gác đền.

Lật lại lịch sử, Brazil không phải mảnh đất ghi nhận những đóng góp của vị trí thủ môn. Thậm chí, cách mà người Brazil đối xử với các thủ môn là điều gì đó thực sự bất công. Thủ môn đội tuyển Brazil thua Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950, Moacir Barbosa từng bị cả dân tộc lên án vì bàn thua quyết định trong trận đó, dù lỗi không hoàn toàn thuộc về ông, mà trước đó, chính hậu vệ Bigode đã để Alcides Ghiggia vượt qua.

Năm 2000, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Barbosa chia sẻ: “Ở Brazil, hình phạt cao nhất là 30 năm tù giam. Nhưng tôi đã phải trả giá trong suốt 50 năm qua, cho một tội lỗi mà trách nhiệm không hoàn toàn chỉ do mình tôi gánh chịu.” Hoàn cảnh của Barbosa chắc cũng không khác câu: “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” trong tục ngữ Việt Nam.

Nên nhớ, Barbosa được đánh giá là một trong những thủ môn hay nhất thế giới trong thập niên 1940 và 1950. Ông cũng là người từ chối đeo găng tay vì “muốn cảm nhận trái bóng một cách thật nhất có thể”.

Ở Brazil, các tiền đạo mới là những anh hùng dân tộc. Quốc gia đó là thiên đường của những cầu thủ tấn công. Nếu anh là hậu vệ, anh buộc phải biết cách dâng lên tấn công, đi bóng, chuyền bóng, sút bóng, thậm chí ghi bàn như những tiền đạo anh mới có được sự thừa nhận của số đông.

Chưa ai quên pha nã đại bác tung lưới Dino Zoff của Carlos Alberto, hậu vệ số 2 mang băng đội trưởng đội tuyển Brazil ở World Cup 1970. Brazil cũng là mảnh đất sở hữu những hậu vệ cánh tấn công số 1 lịch sử như Roberto Carlos, Marcos Cafu, Leonardo, Dani Alves, Marcelo. Ngày nay, đến cả một trung vệ như David Luiz cũng có thể ghi bàn từ sút xa, sút gần, đánh đầu và cả... sút phạt trực tiếp. Chẳng có một quốc gia nào mà một thủ môn lại có tên trong danh sách ghi bàn thắng kỷ lục như Rogerio Ceni (117 bàn cả sự nghiệp).

Thủ môn Moacir Barbosa từng bị cả dân tộc lên án sau trận Brazil thua Uruguay ở chung kết World Cup 1950.

Nhưng có phải các thủ môn sỉnh ra để ghi bàn? Hoàn toàn không. Nhiệm vụ của họ là ngăn cản bàn thắng. Bất cứ một năng lực nào khác là do hoàn cảnh xô đẩy chứ không phải chức năng nhiệm vụ của các thủ môn.

Ấy thế mà mùa Hè năm nay, trên chính cái mảnh đất bài bác các cầu thủ phòng ngự, một loạt thủ môn đang nổi lên bởi chính công việc mà họ được đào tạo ra: cản phá bóng. Có lẽ cũng chưa bao giờ truyền thông ca ngợi vị trí gác đền như tại World Cup lần này.

Điểm qua số liệu chuyên môn, có đến 11 lần các thủ môn được chọn là những người chơi hay nhất trận tại World Cup lần này. Phải chăng, đó là một chiến dịch truyền thông có chủ đích của ban tổ chức để khẳng định vai trò và tầm quan trọng của vị trí thủ môn? Nếu điều đó là thực, âu cũng hợp lý và công bằng cho những người gác đền, vốn lâu nay vẫn được nhiều nền bóng đá công nhận là một nửa sức mạnh đội bóng.

Trong quá khứ, World Cup 2006 tại Đức ghi nhận Quả bóng Vàng đầu tiên trong giải đấu thuộc về một hậu vệ Fabio Cannavaro, thủ quân nhà vô địch Italy. World Cup 2010, dù người nâng cúp là Iker Casillas - một thủ môn, nhưng đó là giải đấu tôn vinh những tiền vệ trong xu thế thời thượng của lối đá tiki-taka (Xavi, Iniesta, Sneijder, Xabi Alonso, Ozil).

World Cup 2014 phải chăng sẽ là thời điểm tôn vinh các thủ môn? Có thể lắm chứ!

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/ton-vinh-nguoi-gac-den-o-manh-dat-bai-bac-cac-thu-mon/269702.vnp