Tôn vinh cây lúa, tìm thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam

Ngày 28/11/2009, Festival đầu tiên về lúa gạo Việt Nam được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang. Tôn vinh cây lúa, tìm thương hiệu cho hạt gạo, đó là cách người Việt Nam chúng ta thể hiện sự trân trọng với nguồn lương thực nuôi sống dân tộc Việt ngàn đời nay, cũng là sự tri ân với nền văn minh lúa nước.

Từ ngàn xưa, người Việt chúng ta đã quý báu và trân trọng hạt lúa, hạt gạo. Hạt gạo được đề cập trong truyện cổ tích Bánh chưng, bánh dầy thời Hùng Vương. Cho đến nay, hàng năm vào ngày hội đều cúng các Vua Hùng bằng xôi nhiều màu có ý nghĩa tượng trưng cho nhiều giống lúa khác nhau. Thời phong kiến hàng năm đều có lễ Tịch điền. Ngày lễ các Vua, chúa đích thân xuống ruộng cày bừa, cầu nguyện cho đất nước có mùa lúa tốt. Với nhiều chính sách khuyến nông của Đảng và Nhà nước ta, với sự tiến bộ của khoa học nông nghiệp và với sự cần cù, chịu khó của nhà nông, cây lúa Việt Nam từng bước khẳng định vị thế của mình trên đồng ruộng. Hạt gạo Việt Nam vươn tới thị trường năm châu. Năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta có thể sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Hiện nay, gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh ngang bằng với gạo Thái Lan và thực tế Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm gắn bó với cây lúa. Đến nay, nước ta vẫn là nước nông nghiệp, sản xuất chủ yếu vẫn là lúa gạo. Mặc dù quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, diện tích sản xuất lúa gạo ngày càng bị thu hẹp, nhưng năng suất sản lượng lương thực mỗi năm đều tăng trên 1 triệu tấn, năm 2008 đạt trên 38 triệu tấn. Về xuất khẩu gạo, cũng tương tự mỗi năm đều tăng trên 1 triệu tấn, năm 2008 xuất khẩu 5 triệu tấn, năm 2009 có khả năng xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo. Việt Nam có dân số đông xếp hạng thứ 13, diện tích sản xuất lúa xếp hạng 5 và xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, điệp khúc “Được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục diễn ra, gạo xuất khẩu giá còn thấp, thị trường không ổn định, làm cho đời sống và thu nhập người sản xuất lúa gạo ngày còn nhiều khó khăn. Nước ta xuất khẩu số lượng lúa gạo nhiều nhưng lợi nhuận thấp. Việc giới thiệu tiềm năng thế mạnh về sản xuất lúa gạo Việt Nam ra thế giới chưa nhiều. Việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam chưa cân xứng với yêu cầu xuất khẩu. Trước thực trạng đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong việc hoạch định và tìm hướng đi cho cây lúa, hạt gạo. Làm thế nào để người nông dân một nắng hai sương có thể có nguồn lợi nhuận tối đa trên cánh đồng của mình, làm thế nào để các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo có thể có thêm nhiều giá trị gia tăng từ hạt gạo; các phân khúc thị trường quốc tế mà hạt lúa, hạt gạo Việt Nam có thể chiếm lĩnh? Những câu hỏi đó đã và đang đặt ra cho những nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân đi tìm câu giải đáp. Chúng ta có xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam hay không, hay đơn thuần chỉ hướng đến việc nâng cao chỉ số xuất khẩu lúa gạo ? Chúng ta đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu, thực tế là Đảng và Nhà nước đã có chính sách liên kết ba nhà: Nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp…Đảng cũng có nghị quyết chuyên đề về vấn đề tam nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn…Với những chính sách, đường lối đó, việc làm cụ thể thế nào hiện nằm trong tay người nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Người nông dân cần cải tiến kỹ thuật canh tác, nhà khoa học cần đưa ra những giống lúa mới và nhà doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu ra cho hạt lúa Việt Nam. Chúng ta đã nhìn ra vấn đề của mình, câu trả lời hiện chỉ là cách làm mà thôi. Để làm được điều đó, cần có nhiều hoạt động để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, thúc đẩy sản xuất, chế biến, mua bán lúa gạo tiến tới hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh. Festival lúa gạo đầu tiên được tổ chức ở Hậu Giang sẽ là một hình thức tổ chức phối hợp, là điểm đến, là cầu nối cho những suy nghĩ, những sáng kiến, những ước mơ về lúa gạo Việt Nam góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu lúa gạo Việt Nam, làm cho hạt gạo Việt Nam có tính cạnh tranh ngày càng cao. Tôn vinh cây lúa, tìm thương hiệu cho hạt gạo, đó là cách người Việt Nam chúng ta thể hiện sự trân trọng với nguồn lương thực nuôi sống dân tộc Việt ngàn đời nay, cũng là sự tri ân với nền văn minh lúa nước./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=374320&co_id=30066