Tồn kho tăng sức ép lên sản xuất công nghiệp

SGTT.VN - Với mức 7,29%, công nghiệp là lĩnh vực có tăng trưởng giá trị gia tăng cao nhất trong các nhóm ngành đóng góp vào GDP chín tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, tồn kho ở mức cao và đang tăng.

Nếu so với con số 4,48% của cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp, chiếm gần 41% tổng sản phẩm cả nước, đã được cải thiện hơn rất nhiều. Sản xuất công nghiệp đang chịu tác động từ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh minh họa. Ảnh: TL SGTT Đặt trong tương quan so sánh với tháng trước, mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 của bình quân các tháng quý 2 đạt mức 3,1%, nhưng đến quý 3, con số này chỉ còn tăng 2,2%, mất đi gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng bình quân mỗi tháng. Báo cáo của tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện tháng 8.2010 đã không đạt được mức tăng 1,6% theo dự kiến mà chỉ tăng khoảng 1% so với tháng trước đó. Đây cũng là mức tăng thấp nhất so với các tháng từ tháng 3 trở lại đây, mặc dù chỉ tiêu này được dự báo có thể tăng khoảng 2,3% trong tháng 9. Để xác định đúng hơn về xu thế tăng trưởng ngành công nghiệp, các tham chiếu khác cũng cho thấy xu hướng giảm tốc rõ rệt. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP sau khi tăng liên tục ở các tháng quý 2 thì sang đến quý 3 lại “đổ dốc”. Được xây dựng dựa trên giá trị tăng thêm của từng ngành sản xuất, chỉ số IIP xuất hiện trong số liệu của tổng cục Thống kê từ năm 2010 và được định hướng thay thế chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp. Đường cong tăng trưởng đi xuống với chỉ số IIP khi lần lượt xác lập mức thấp dần. Đỉnh quý 2 thể hiện ở tháng 6 với mức tăng 5,3%; tháng 7 còn tăng 4,1%; tháng 8 tăng 2,4% và tháng 9 chỉ còn giữ được mức tăng 1,3%, trong các so sánh với tháng trước đó. Dù lực cầu ngoại vẫn duy trì độ ổn định khi xác lập tháng thứ 5 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD, nhập khẩu trên 7 tỉ USD, tính đến tháng 9.2010. Tuy nhiên, tiêu thụ dường như khó khăn hơn với thị trường nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân các tháng quý 2, trong so sánh với tháng trước đó, tăng xấp xỉ 2,9% đã thay bằng 1,7% của ba tháng quý 3. Với tháng 9, chỉ tiêu này chỉ còn tăng 1,3% so với tháng 8, ghi nhận ở mức rất thấp so với các tháng trước. Trong khi đó, tháng 9 lại là tháng có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao đột biến, ở mức 1,31% so với tháng 8. Nếu so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ đã có bốn tháng liên tiếp giảm tốc độ tăng trưởng, từ mức tăng 26,9% của năm tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ thì sau chín tháng mức tăng còn 25,4%. Câu hỏi đặt ra là có chăng sự thế chỗ của hàng ngoại, hay việc tiết giảm tiêu dùng có thể là phản ứng trước việc giá cả tăng lên, hoặc thúc đẩy đầu tư nhà nước có đủ hỗ trợ sản xuất công nghiệp? Khoanh vùng lại ở chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, vào tháng 8, chỉ tiêu này chỉ còn giữ được mức tăng 10,7% so với cùng kỳ, thấp hơn chỉ số phát triển sản xuất của ngành này đạt được trong cùng tháng, mức 12,2%. Trước đó, các so sánh tương ứng của tháng 7 đã phần nào được cải thiện nhưng khoảng dãn cách “khủng” gần 10% của chỉ số phát triển sản xuất và tiêu thụ tháng 6 vẫn còn ảnh hưởng. Kết quả là tồn kho tăng cao so với cùng kỳ liên tục trong ba tháng gần đây. Ở mức tăng 38,6% vào ngày 1.7 trong so sánh với thời điểm một năm trước đó, tổng cục Thống kê nhìn nhận sản xuất công nghiệp đang chịu tác động từ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Con số này tiếp tục duy trì mức cao trong kết quả hai lần điều tra tiếp sau, tăng 37,3% và 37,5% vào các ngày 1.8 và 1.9. Như vậy, tồn kho có thể kéo dài thêm sức ép đối với sản xuất trong tháng tới. Đáng lưu ý là khoảng cách giữa giá trị sản xuất và giá trị gia tăng tiếp tục rộng ra trong chín tháng đầu năm nay, một biểu hiện được cho là phản ánh hiệu quả sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế. Vào thời điểm này của năm ngoái, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ cần đạt 6,5% đã có đóng góp gần 4,5% vào GDP, năm nay, con số này là 13,8%, gấp gần hai lần. Hiểu một cách đơn giản, để tăng trưởng công nghiệp đạt thêm 1%, các nguồn lực đầu vào sản xuất như vốn, đầu tư công nghệ, chi phí lao động… phải có mức tăng gấp gần hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/130504/ton-kho-tang-suc-ep-len-san-xuat-cong-nghiep.html