Tốn 5.000 tỉ mà không đạt mục tiêu, đề án ngoại ngữ có chung số phận với 5 dự án nghìn tỉ đắp chiếu?

Sáng 16.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó nổi bật lên là tình trạng thất nghiệp của học sinh, hình thức thi cử, dạy thêm học thêm, đề án ngoại ngữ…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Mục tiêu đề án ngoại ngữ không đạt

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), đề án dạy học ngoại ngữ đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp. Nhưng đến nay sau gần 8 năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỉ đồng, nhưng mục tiêu chưa đạt được như mong muốn. Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Đại biểu này cũng nhấn mạnh rằng, liệu số phận của đề án này có giống như 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn: “Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không”.

Theo bộ trưởng, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều đối tượng và có tính chất lâu dài, do đó để thành thạo được như mục tiêu của đề án cần có thời gian, tiền bạc, nguồn lực lớn.

“Khi xây dựng đề án thì chúng tôi đặt quyết tâm cao, nhưng khi thực hiện thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó có việc triển khai, rồi kinh phí. Gần đây chúng tôi rà soát, trước hết là về mặt cách tiếp cận, sau đó rồi mới đến mục tiêu” – Bộ trưởng nói.

Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng xin nhận trách nhiệm về vấn đề này và sẽ có giải pháp để điều chỉnh vì đây là dự án lớn chứ không phải đến 2020 thì cả nước sẽ nói được tiếng Anh.

“Với Singapore, Malaysia, khi giải phóng họ đã có được nền tảng tiếng Anh tốt nhưng cũng phải mất 38 năm để đạt trình độ trung bình cả nước có thể giao tiếp tiếng Anh. Muốn dạy học sinh tốt, có trình độ tốt, thì phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao, đó là nguyên tắc", Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua chúng ta chưa xem trọng đúng mức công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ. Bộ trưởng cho rằng cần phải có lộ trình cho nhóm thầy cô phát triển ngoại ngữ. Đối với nhóm thầy cô còn phát triển được thì cần có lộ trình đào tạo, nâng cao chứ không phải áp dụng ngay, sẽ không hiệu quả và đẫn đến mua bán chứng chỉ. Còn những thầy cô không có khả năng phát triển ngoại ngữ thì cũng không ép.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chứ không phải là soạn sách căn cứ vào trình độ của thầy, tăng cường phương thức đào tạo từ xa, học tập suốt đời chứ không chỉ là dạy cho sinh viên.

Liên quan đến số tiền 9.000 tỉ, Bộ trưởng Nhạ cho biết, nói là đề án hơn 9.000 tỉ nhưng đến nay mới có hơn 3.000 tỉ thôi, các địa phương chi khoảng 1.600 tỉ. Sắp tới đây Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng sử dụng ít tiền hơn, nâng cao chất lượng thì phải đầu tư đội ngũ giáo viên, chương trình chứ không phải là nhiều tiền.

Nhận trách nhiệm với 191 nghìn sinh viên thất nghiệp

Về các câu hỏi liên quan đến tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết ông rất trăn trở về tình trạng này và thẳng thắn nhìn nhận, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Bộ trưởng thông tin, theo con số báo cáo của các trường đại học thì có khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Tuy nhiên, trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp.

“Số sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp rơi vào nhóm trường trên, có chất lượng đào tạo tốt còn tỷ lệ thất nghiệp cao chủ yếu là ở các trường nhóm dưới, trường mới thành lập, đây là thực tế. Sắp tới đây chúng tôi sẽ điều chỉnh vấn đề này” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp để đào tạo lại, bổ sung. Ví dụ như có 70.000 giáo viên thất nghiệp thì sẽ được rà soát và đào tạo lại. Cùng với đó, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ siết chặt quá trình đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, nguyên nhân thất nghiệp không chỉ riêng ở vấn đề đào tạo, còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động. Còn việc sinh viên ra trường không làm được việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại thì Bộ Giáo dục nhận trách nhiệm.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng việc đào tạo không gắn với nhu cầu, thích là đào tạo. Bộ Giáo dục cần phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định, hiện nay cứ học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều và có tình trạng thầy quá nhiều và thợ quá ít. Đành rằng việc thất nghiệp có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nguyên nhân đến từ việc đào tạo cũng khá quan trọng, Bộ trưởng cần phải có giải pháp đối với tình trạng này.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cho dù chất lượng còn liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố nhưng chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì".

“Đau đầu” chuyện cấm dạy thêm, học thêm, thi trắc nghiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng, không thể nói cấm hay không cấm việc học thêm, dạy thêm vì đây là quyền của học sinh và thầy cô giáo. Theo đại biểu này, chỉ nên cấm việc dạy thêm “biến tướng” bởi vì hiện nay có nhều thầy cô giáo không dạy hết chương trình mà để về nhà dạy, hoặc các bài kiểm tra trên lớp đều ra vào nội dung đã được dạy ở nhà. Tình trạng này học sinh và phụ huynh phản ánh rất nhiều.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy thêm, học thêm là vấn đề gây bức xúc. Đây trước hết là nhu cầu tự thân và cái cần chấn chính là dạy thêm, học thêm tràn lan. Bộ GD&ĐT đã ra thông tư 17 để chấn chỉnh vấn đề này, hiện nay việc dạy thêm học thêm đã được chấn chỉnh từng bước.

“Nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, gây biến tướng trong dạy thêm, học thêm. Giải pháp chúng tôi đang thực hiện là phối hợp với địa phương tăng cường giám sát. Nhưng giải pháp gốc vẫn là nội dung chương trình. Hiện chúng tôi đang định hướng rà soát chương trình, làm sao để lược bỏ bớt chương trình không cần thiết để chương trình học nhẹ hơn, phù hợp hơn” - ông Nhạ nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng để giải quyết được điều này thì cần chính quyền địa phương các cấp vào cuộc, chứ Bộ cũng không đi đến từng giáo viên để giám sát được.

Liên quan đến hình thức thi trắc nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm không phải đi ngược lại với tính linh hoạt. Đây chỉ là hình thức thi nên có thể chọn hình thức tự luận hay trắc nghiệm. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng thi và thi trắc nghiệm thì cũng nhiều câu hỏi cần phải suy luận.

Khi tổ chức thi trắc nghiệm nhiều học sinh rất phấn khởi, vì ngoài phải nhớ kiến thức, còn phải suy luận, phải có kiến thức tổng hợp. Như vậy học sinh phải linh hoạt, năng động, có kiến thức.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) nói: "Bộ trưởng cho thi trắc nghiệm là có ưu điểm, nhưng tôi thấy ngược lại như vậy. Đối với các môn thực hành đã tốn rất nhiều tiền để chi phí cho cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng rốt cuộc là việc thực hành không làm gì cả vì không có trong chương trình thi trắc nghiệm. Với môn ngoại ngữ thì chúng ta khẳng định là kỹ năng nghe và nói của cả thầy và trò rất yếu, cần rèn luyện thêm. Khi thi trắc nghiệm thì không rèn luyện được kỹ năng này".

Liên quan đến vụ việc các nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị điều đi làm lễ tân trong một số sự kiện của địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi nhận được thông tin đã trao đổi với Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh và có công văn yêu cầu thị xã Hồng Lĩnh báo cáo về vụ việc này. Trong thực tế có nhiều nơi, cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ nhưng nhiều khi ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Việc này cần phải rút kinh nghiệm.

“Linh hoạt phải trong chừng mực chứ để xã hội nóng lên là không được. Là người đầu ngành tôi xin nhận trách niệm. Từ nay sẽ chủ động nắm bắt sự việc chứ không phải đợi đến khi báo chí vào cuộc mới giải quyết” – Bộ trưởng nói.

Tranh luận với bộ trưởng, một số nữ đại biểu cho biết họ thực sự đau lòng trước sự việc. Các đại biểu mong muốn, với đặc thù của ngành giáo dục, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bộ trưởng sẽ có giải pháp tiếp theo để bảo vệ tôn nghiêm của ngành giáo, của giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nhấn mạnh: "Vụ việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các giáo viên và ngành giáo. Trong khi đó, hôm qua bộ trưởng trả lời trên báo chí lại nói giáo viên cần xem lại mình trước. Tôi nghĩ các giáo viên nghe được lời nói này của bộ trưởng họ sẽ rất đau lòng".

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ton-5000-ti-ma-khong-dat-muc-tieu-de-an-ngoai-ngu-co-chung-so-phan-voi-5-du-an-nghin-ti-dap-chieu-47808.html