Tóm tắt lịch sử 75 năm xung đột tại Gaza

Gaza là dải đất ven biển nằm trên các tuyến đường hàng hải và thương mại cổ xưa dọc theo bờ Địa Trung Hải.

Được Đế chế Ottoman nắm giữ cho đến năm 1917, Sau đó, khu vực này được chuyển từ quyền cai trị quân sự của Anh, Ai Cập sang Israel và hiện là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong lịch sử 75 năm qua của khu vực này:

Khói bốc lên từ khu vực cảng của Gaza. Ảnh: Reuters

1948: Chấm dứt sự cai trị của Anh

Khi chế độ thuộc địa của Anh chấm dứt ở Palestine vào cuối những năm 1940, bạo lực đã gia tăng giữa người Do Thái và người Ả Rập, đỉnh điểm là chiến tranh giữa Nhà nước Israel mới thành lập và các nước láng giềng Ả Rập vào tháng 5/1948.

Quân đội Ai Cập đã chiếm được một dải bờ biển hẹp dài 40 km này, chạy từ Sinai đến phía Nam Ashkelon. Sau đó, hàng chục nghìn người Palestine đã đến tị nạn ở Gaza. Dòng người tị nạn khiến dân số Gaza tăng gấp ba lần lên khoảng 200.000 người.

1950- 1960: Sự cai trị của quân đội Ai Cập

Ai Cập nắm giữ Dải Gaza trong hai thập kỷ, cho phép người Palestine làm việc và học tập tại Ai Cập. Trong thời gian này, những người Palestine có vũ trang đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel.

Sau đó, Liên hợp quốc đã thành lập một cơ quan tị nạn có tên UNRWA, hiện đang cung cấp dịch vụ cho 1,6 triệu người tị nạn Palestine ở Gaza, cũng như cho người Palestine ở Jordan, Lebanon, Syria và Bờ Tây.

1967: Chiến tranh và chiếm đóng quân sự của Israel

Israel chiếm được Dải Gaza trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Cuộc điều tra dân số của Israel năm đó cho thấy dân số tại Gaza là 394.000 người, với ít nhất 60% trong số đó là người tị nạn.

Khi người Ai Cập rời đi, nhiều công nhân tại Gaza đã bắt đầu làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ bên trong Israel. Quân đội Israel tiếp tục quản lý lãnh thổ và bảo vệ các khu định cư mà Israel xây dựng trong những thập kỷ tiếp theo. Những điều này đã trở thành nguồn gốc khiến người Palestine ngày càng phẫn nộ.

1987: Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine

20 năm sau cuộc chiến năm 1967, người Palestine phát động cuộc nổi dậy đầu tiên. Vụ việc bắt đầu vào tháng 12/1987 sau một vụ tai nạn giao thông, khi một chiếc xe tải của Israel đâm vào một chiếc xe chở công nhân Palestine ở trại tị nạn Jabalya ở Gaza, khiến 4 người thiệt mạng. Tiếp theo đó là các cuộc biểu tình ném đá, đình công và đóng cửa.

Tổ chức Anh em Hồi giáo có trụ sở tại Ai Cập đã lợi dụng sự tức giận của người dân để thành lập một nhánh vũ trang của người Palestine, chính là nhóm Hamas, với căn cứ quyền lực ở Gaza. Hamas chuyên ủng hộ việc tấn công Israel và khôi phục chế độ cai trị Hồi giáo.

1993: Hiệp định Oslo và quyền bán tự trị của người Palestine

Israel và người Palestine đã ký một hiệp định hòa bình lịch sử vào năm 1993 dẫn đến việc thành lập Chính quyền Palestine. Theo thỏa thuận tạm thời, người Palestine lần đầu tiên được trao quyền kiểm soát hạn chế ở Gaza và Jericho ở Bờ Tây.

Hiệp định Oslo đã mang lại cho Chính quyền Palestine mới thành lập một số quyền tự chủ và dự kiến trở thành nhà nước sau 5 năm. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Israel cáo buộc người Palestine từ bỏ các thỏa thuận an ninh và người Palestine tức giận trước việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư.

Các phong trào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) đã thực hiện các vụ đánh bom nhằm cố gắng làm chệch hướng tiến trình hòa bình, khiến Israel áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc di chuyển của người Palestine ra khỏi Gaza.

2000: Cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine

Năm 2000, quan hệ giữa Israel và Palestine lại xuống mức thấp mới sau khi cuộc nổi dậy thứ 2 của người Palestine bùng phát. Vụ việc đã mở ra một thời kỳ đánh bom liều chết và tấn công bằng súng của người Palestine, cũng như việc Israel tiến hành các cuộc không kích, phá hủy và quản lý nghiêm ngặt khu vực.

Sân bay Quốc tế Gaza, một biểu tượng cho thấy hy vọng độc lập về kinh tế của người Palestine được khai trương vào năm 1998, bị Israel coi là mối đe dọa an ninh và họ đã phá hủy ăng-ten radar cũng như đường băng của sân bay này vài tháng sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ.

Một nạn nhân khác là ngành đánh cá của Gaza, nguồn sống của hàng chục nghìn người. Khu vực đánh cá của Gaza đã bị Israel thu hẹp, một hạn chế mà họ cho là cần thiết để ngăn chặn các tàu buôn lậu vũ khí.

2005: Israel sơ tán các khu định cư ở Gaza

Vào tháng 8/2005, Israel đã sơ tán tất cả quân đội và người dân định cư ra khỏi Gaza, nơi đã được Israel rào chắn cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài vào thời điểm đó.

Người Palestine đã phá bỏ các tòa nhà và cơ sở hạ tầng bỏ hoang để lấy phế liệu. Việc dỡ bỏ các khu định cư đã dẫn đến sự tự do di chuyển lớn hơn trong Gaza và một "nền kinh tế đường hầm" bùng nổ. Các nhóm vũ trang, những kẻ buôn lậu và nhiều doanh nhân đã nhanh chóng đào nhiều đường hầm vào Ai Cập để tiến hành buôn lậu hàng về Gaza.

2006: Bị cô lập dưới thời Hamas

Năm 2006, Hamas giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine và sau đó giành toàn quyền kiểm soát Gaza. Phần lớn cộng đồng quốc tế đã cắt viện trợ cho người Palestine ở các khu vực do Hamas kiểm soát vì họ coi Hamas là một tổ chức khủng bố.

Israel đã ngăn chặn hàng chục nghìn công nhân Palestine nhập cảnh vào nước này, cắt đứt một nguồn thu nhập quan trọng. Các cuộc không kích của Israel đã làm tê liệt nhà máy điện duy nhất của Gaza, gây mất điện trên diện rộng. Viện dẫn những lo ngại về an ninh, Israel và Ai Cập cũng áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc di chuyển của người và hàng hóa qua các cửa khẩu Gaza.

Hamas có kế hoạch tái tập trung nền kinh tế của Gaza về phía biên giới với Ai Cập, tránh xa Israel. Tuy nhiên, do xem Hamas là một mối đe dọa, ông Abdel Fattah al-Sisi, người đắc cử Tổng thống Ai Cập vào năm 2014, đã đóng cửa biên giới với Gaza và cho nổ tung hầu hết các đường hầm. Một lần nữa, nền kinh tế của Gaza bị cô lập.

Chu kỳ xung đột

Nền kinh tế Gaza liên tục bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy xung đột, tấn công và trả thù giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine.

Trước năm 2023, một số cuộc giao tranh tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2014, khi Hamas và các nhóm vũ trang khác phóng tên lửa vào các thành phố trung tâm ở Israel. Israel đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích tàn phá các khu dân cư ở Gaza. Hơn 2.100 người Palestine đã thiệt mạng. Phía Israel có 73 người thiệt mạng.

2023: Cuộc tấn công bất ngờ

Trong khi Israel tin rằng họ đang kiềm chế Hamas một cách hiệu quả, thì các chiến binh của nhóm này đang được huấn luyện trong bí mật.

Vào ngày 7/10, các tay súng Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, tàn phá các thị trấn, nổ súng vào hàng trăm người và bắt cóc hàng chục con tin. Israel đã tiến hành trả đũa, tấn công Gaza bằng các cuộc không kích trong đợt xung đột tồi tệ nhất trong 75 năm qua với khoảng 2.000 người đã thiệt mạng tại cả hai phía.

Quốc Thiên (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tom-tat-lich-su-75-nam-xung-dot-tai-gaza-post268123.html