Tới 'thiên đường' không phép, phát hiện 'địa ngục' loài khỉ quý hiếm

Chưa được cấp phép, những công trình phục vụ du lịch vẫn đua nhau mọc lên. Nơi này còn giam giữ nhiều cá thể khỉ quý hiếm. Sự việc đang diễn ra tại xã Hương Phong, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Mới đây, báo điện tử Người Đưa Tin nhận được phản ánh của bạn đọc về sự tồn tại của một khu du dịch không phép, trên địa bàn xã Hương Phong, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Theo sự hướng dẫn của người dân, men theo con đường bằng bê tông bằng phẳng, chúng tôi tìm được tới khu rừng S8, thuộc Tiểu khu 316 (xã Hương Phong), cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng 2 km. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là tấm biển chỉ dẫn "đường vào Khu du lịch suối Cân Te".

Tấm bảng chỉ dẫn vào khu du lịch suối Cân Te.

Không mất nhiều thời gian, chúng tôi nhanh chóng đặt chân tới "khu du lịch", ước chừng rộng khoảng 3 – 4ha. Thay thế vẻ đẹp hoang sơ, nơi này đang trong quá trình xây dựng, với nhiều hạng mục dang dở, nham nhở; nhiều cây rừng tự nhiên lâu năm đã bị đốn hạ…Vào sâu hơn, chúng tôi nhìn rõ con suối Cân Te. Có lẽ, chính con suối này là điểm nhấn, có sức thu hút nhất của khu du lịch. Đồng thời, con suối cũng lại chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều gia đình thuộc dân tộc thiểu số ở xã Hương Phong.

Con suối mát lành này là nơi cung cấp nước cho nhiều hộ dân.

Tiếp tục quan sát, chúng tôi phát hiện một khu đất, xung quanh được bao bọc bởi một con mương được đào cách đây chưa lâu với cái tên “đảo khỉ”. Thời điểm chúng tôi có mặt, tại “đảo Khỉ” có 4 cá thể khỉ đang bị nhốt trong lồng nuôi.

Tiến lại gần, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những chú khỉ đều đang bị xiềng xích, nhốt trong góc chuồng. Trên khuôn mặt đỏ tía hiếm thấy của một cá thể khỉ (nghi là khỉ mặt đỏ), cặp mắt hiện rõ nét buồn rười rượi, như cầu xin sự cứu cánh, trông đến tội nghiệp.

Ánh mắt cầu cứu đến thương cảm của cá thể khỉ mặt đỏ.

Liên quan khu đất kể trên, đại diện lãnh đạo UBND xã Hương Phong cho biết: Đây là các khu đất nằm trong khu vực đất rừng tái sinh và đất trống D2 (có một số cây sống lâu năm nằm rải rác và cần được bảo vệ - PV).

Khi được hỏi về các công trình xây dựng nhà chòi trên khu đất ấy, lãnh đạo xã Hương Phong xác nhận, nó thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Nam Sinh, Phó trưởng Công an huyện A Lưới. Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Nam Sinh phát triển du lịch tại khu vực đất trống D2 và suối Cân Te, theo lãnh đạo UBND xã Hương Phong, “đây mới chỉ là chủ trương của xã chứ chưa có quy hoạch và quyết định của thể”.

Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Nam Sinh. Ông Sinh thừa nhận, phần đất trên là của mình. Nhưng vị Phó Trưởng Công an huyện A Lưới phủ nhận việc đang xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên khu đất thuộc đất rừng tái sinh và đất trồng D2.

Ông Nam khẳng định, hiện đang đợi cơ quan chức năng cấp phép và chờ quyết định triển khai làm khu du lịch. Khi được hỏi tiếp về vấn đề nuôi nhốt các cá thể khỉ quý hiếm, ông Sinh nói "Đã bàn giao số khỉ trên cho Hạt Kiểm lâm A Lưới từ tháng 8/2016"(!?).

Điều này hoàn toàn toàn trái ngược với hình ảnh mà PV ghi lại dưới đây:

Con đường dẫn vào khu rừng tái sinh

Con suối Cân Te đã khơi, kè...

...để trở thành điểm nhấn của khu rừng này.

Những biển chỉ dẫn cho du khách tới thăm

Một trong số những chòi nhà đã được dựng lên

Bảng niêm yết giá dịch vụ được dán khắp nơi

Những cá thể khỉ quý hiếm đang bị nhốt trong khu du lịch được mệnh danh là "thiên đường".

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Công Thành

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/toi-thien-duong-khong-phep-phat-hien-dia-nguc-loai-khi-quy-hiem-a301153.html