Tối nay, chương trình 'Bản hòa âm đất nước' ở Hà Nội sẽ có sự giao lưu của các nhà thơ Bắc - Trung - Nam và các nhà thơ quốc tế

Chương trình 'Bản hòa âm đất nước' tổ chức vào tối ngày 24/2 tại Hoàng Thành Thăng Long nhằm tôn vinh những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca dân tộc. Trong đêm hội sẽ diễn ra các phần trình diễn hấp dẫn như: màn đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc,Trung, Nam; đặc biệt là có sự tham gia giao lưu của nhà thơ quốc tế.

Theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, đây là năm thứ 2 liên tiếp chương trình Ngày thơ Việt Nam với chủ đề "Bản hòa âm đất nước" được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: "Năm nay chúng tôi tổ chức Ngày thơ Việt Nam với 3 nhà thơ quốc tế, còn sang năm là liên hoan thơ quốc tế với 50 nhà thơ nổi tiếng thế giới, dự kiến diễn ra 1 tuần lễ tại Hoàng thành Thăng Long".

Chương trình Ngày thơ Việt Nam năm 2024 có chủ đề Bản hòa âm đất nước sẽ mang tới công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc. Theo đó, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ:

"Năm nay là năm bản lề, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, Hội Nhà văn Việt Nam muốn tổ chức một cuộc hội ngộ giữa đại diện thi ca các dân tộc Việt Nam. Hội đã mời các tác giả đại diện nhiều dân tộc như Mường, Thái, Tày, Khmer, Êđê, Chăm, Hoa… từ khắp mọi miền đất nước về Hoàng thành Thăng Long để cùng cất lên những “bài ca” về con người, dân tộc và những điều tốt đẹp. Các đại biểu cũng tham gia hội thảo, tọa đàm để bàn về bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo thi ca, giải pháp giữ gìn và đưa văn hóa dân tộc vươn ra thế giới…"

Theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, năm 2023 và 2024 là 2 năm liên tiếp chương trình Ngày thơ Việt Nam với chủ đề "Bản hòa âm đất nước" được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long.

Chương trình “Bản hòa âm đất nước” được diễn ra vào tối ngày 24/2 sẽ mở đầu với màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Đêm thơ gồm 4 phần. Phần 1 là trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; tiếp đó là sự tham gia của nhà thơ quốc tế giao lưu và đọc thơ; phần ba là trình diễn, đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam; phần cuối mang tên "Những dư âm còn mãi".

Di tích Hậu Lâu ẩn mình trong khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long bất ngờ thay áo mới với đường hoa dẫn lối thơ mộng.

Các tác phẩm được trình diễn trong đêm thơ bao gồm các truyện thơ, sử thi: Bách điểu bách hoa của dân tộc Tày; Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường và Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái. Đây là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam

Đoàn kết dân tộc vô cùng quan trọng và Ngày Thơ Việt Nam cũng được tổ chức theo tinh thần đó. Chúng tôi đã tuyển chọn các nhà thơ tiêu biểu phản ánh cảm xúc thi ca đặc sắc, độc đáo của nhiều dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết dân tộc, từ núi rừng phía Bắc tới miền Trung, lên Tây Nguyên, xuống Nam Trung Bộ rồi về cực Nam…, để Ngày Thơ năm nay thực sự là một bản hòa âm đất nước”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Sự kiện sẽ kết hợp hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục, song song việc đọc thơ truyền thống, nhằm mang đến buổi diễn sinh động, giàu bản sắc. Đặc biệt, Ban tổ chức miễn phí vé vào cửa các hoạt động của Ngày thơ./.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/toi-nay-chuong-trinh-ban-hoa-am-dat-nuoc-o-ha-noi-se-co-su-giao-luu-cua-cac-nha-tho-bac-trung-nam-va-cac-nha-tho-quoc-te-172240223100414524.htm