Tôi học vẽ

Ở tuổi ngoài 40, tôi sắm sửa họa cụ để học vẽ. Người đồng cảm thì động viên khi thấy tôi up một vài bức tranh lên mạng xã hội. Và hẳn là sẽ có người chép miệng mà rằng già rồi còn bày đặt vẽ vời.

Còn với tôi, sự học chẳng bao giờ là muộn, không phân biệt tuổi tác. Câu nói bất hủ của Lênin “Học, học nữa, học mãi” hay câu “Học là một vấn đề không bao giờ cạn. Còn sống ngày nào thì chúng ta còn phải học thêm ngày ấy” của Beaugrand đủ để minh chứng cho sự học suốt đời của con người.

Thỉnh thoảng, tôi lại thấy thông tin đâu đó ở Việt Nam và trên thế giới có trường hợp cụ ông, cụ bà vừa hoàn thành một chương trình đào tạo mà thời trẻ đã bỏ lỡ. Lúc ấy, lòng tôi trào dâng cảm xúc mến phục.

Điều này cũng đã thôi thúc tôi hãy làm những điều mình muốn mà không cần phải để ý nhiều đến lời nói hay thái độ của người xung quanh. Miễn sao những mong muốn ấy không trái với lẽ phải, không vi phạm đạo đức hoặc ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến bất kỳ ai.

Ảnh minh họa: Đ.V.T

Ảnh minh họa: Đ.V.T

Lại nói đến chuyện học vẽ của tôi. Từ bé, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể vẽ được. Điểm môn Mỹ thuật của tôi lúc nào cũng lẹt đẹt ở mức trung bình. Cho nên, mỗi lần được cô giáo chấm điểm khá, tôi đều hớn hở chạy về khoe với mẹ.

Gần đây, với mong muốn một ngày nào đó có thể tự minh họa cho quyển sách của mình, tôi quyết định làm quen với cây cọ. Tôi học từ cách cầm cọ, cầm bút, hòa màu, đi nét, đến bố cục, hình khối... phần nào cũng đưa tôi đi từ ngạc nhiên đến thích thú.

Khi bức tranh đầu tiên hoàn thiện, chẳng thể miêu tả cảm xúc của tôi lúc ấy. Vừa vui vẻ, hạnh phúc vừa cảm thấy mình đã vượt qua chính mình, kiểu như các vận động viên leo núi vừa chinh phục đỉnh núi cao vậy.

Tôi cầm tranh về khoe với con. Các con trầm trồ khen khiến tôi hân hoan vô cùng. Tôi nói với con, tuổi của mẹ còn có thể học vẽ thì con có thể học được bất cứ môn nghệ thuật nào, miễn là con thấy thích. Tôi thầm cảm ơn lớp học vẽ dành cho người lớn của họa sĩ trẻ đã giúp cho tôi cùng các bạn học đủ lứa tuổi có thêm cơ hội để khám phá chính mình.

Kho tàng tri thức là vô tận. Mỗi người sẽ có một cách để biến tri thức của nhân loại thành nền tảng kiến thức của riêng mình. Vì vậy, việc học hỏi cũng không bao giờ là đủ. Chúng ta nên chọn cho mình những hướng đi, những môn học phù hợp với khả năng để có thể phát huy được sở trường, năng khiếu.

Tuy nhiên, việc mở rộng biên độ để khám phá chính bản thân mình cũng là một điều nên khuyến khích. Vì nếu không thử, không hành động thì mãi mãi chúng ta không thể biết khả năng của mình đến đâu. Giới hạn để chúng ta biết đủ, biết bằng lòng với những gì mình có. Nhưng nếu mở lòng, chúng ta sẽ được trải nghiệm cảm giác chinh phục và chiến thắng chính mình. Điều này cũng đồng nghĩa với câu hãy ước mơ và hành động để ước mơ có thể thành sự thật.

Tôi đã vẽ được. Và bạn, chắc chắn bạn sẽ làm được những điều còn ấp ủ trong lòng.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/toi-hoc-ve-post277606.html