'Tôi chưa gặp ai nhạy cảm, dễ xúc động như nhạc sĩ Lam Phương'

Trong ký ức của danh ca Họa Mi, nhạc sĩ Lam Phương có một tâm hồn nhạy cảm, giàu tình yêu thương và dễ rung động trước những điều giản dị của cuộc sống.

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi lớn của nền tân nhạc miền Nam trước 1975. Cỏ úa, Thành phố buồn, Chờ người... cũng như hàng trăm bài hát của ông đã ghi dấu ấn riêng với khán giả yêu nhạc. Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa vào ngày 22/12 ở Mỹ đã để lại niềm tiếc thương cho đồng nghiệp, khán giả.

Nhớ Lam Phương, danh ca Họa Mi đã kể những kỷ niệm đáng nhớ về nhạc sĩ với Zing.

"Tôi mang ơn anh"

Khi tôi bắt đầu vào nghiệp cầm ca, nhạc sĩ Lam Phương đã rời Việt Nam sang Pháp sống. Nhưng từ nhỏ, tôi cũng như bao người khác đều thuộc nằm lòng những sáng tác của anh như Trăm nhớ nghìn thương, Phút cuối, Biển tình..

Đến năm 1988, tôi cũng sang Pháp định cư. Lúc ấy, cuộc sống tất bật chăm hai con, lo kinh tế cuốn đi những ước mơ, mục tiêu về ca hát. Bỗng một ngày, có người đàn ông hiền lành, gương mặt phúc hậu tìm gặp tôi. Anh đưa cho tôi một bản thảo bài hát Em đi rồi và nhắn nhủ: "tặng Họa Mi".

Nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào ngày 22/12 ở Mỹ.

Tôi không ngờ, ở nơi xứ người, mình được gặp nhạc sĩ Lam Phương. Không những thế, anh còn tặng ca khúc và tự liên hệ với trung tâm nhạc, dàn dựng, sản xuất ca khúc cho tôi trình diễn.

Tôi nhớ, lần đầu đứng trên sân khấu hát Em đi rồi, tôi khóc rất nhiều. Đó là lần đầu đi hát tôi khóc nhiều đến thế. Xung quanh tôi lúc ấy chủ yếu là quay phim, hậu cần người Pháp. Họ không hiểu lời ca khúc nhưng có lẽ đồng cảm với ca sĩ nên ai cũng xúc động.

Tôi luôn cho rằng anh Lam Phương và ca khúc Em đi rồi là mối duyên đáng nhớ trong đời mình. Anh bất ngờ xuất hiện, bất ngờ tặng tôi bài hát. Và bất ngờ Em đi rồi được khán giả đón nhận. Tôi mang ơn anh. Nhờ bài hát, khán giả Việt trên khắp thế giới yêu mến tôi hơn. Nhờ đó, tôi có bài hát gắn liền với cuộc đời mình.

Nhạc Lam Phương gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội

Người ta vẫn thường gọi anh là ông vua của dòng nhạc bolero với hàng trăm tác phẩm được khán giả yêu thích. Các ca khúc của anh khai thác chân thật những cảm xúc, nỗi buồn, sự cô đơn, sự mất mát trong tình yêu. Tuy vậy, rất nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Nhạc của Lam Phương sang hay sến?

Theo tôi, trong âm nhạc không phân biệt sang hay sến. Nhạc sang thường được dùng trong trường hợp tác phẩm có ngôn từ đậm chất văn học, ý nghĩa sâu sắc.

Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

Ngược lại, nhạc của Lam Phương gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội, xuất hiện trong từng ngõ ngách của đời sống. Ngôn từ trong ca khúc của anh mượt mà, tình cảm, chất chứa yêu thương và dễ thuộc, dễ nhớ.

Từng câu hát vang lên, khán giả có thể hiểu ngay, không cần suy nghĩ, lý giải nhiều. Chẳng hạn: "Em ơi, nếu mộng không thành thì sao?", đó là một câu hỏi bình thường, quen thuộc với các đôi yêu nhau.

Tôi nghĩ tầm vóc của một nhạc sĩ một phần được thể hiện qua sức sống các tác phẩm của họ. Và nhạc sĩ Lam Phương xứng đáng là cây đại thụ bởi gia tài sáng tác đồ sộ cùng hàng trăm ca khúc vượt thời gian.

Tâm hồn dạt dào cảm xúc

Nhờ mối duyên Em đi rồi, tôi được nhiều dịp làm việc, đến thăm nhạc sĩ mỗi khi đến Mỹ. Tiếp xúc với ông, tôi càng trân trọng tâm hồn, nhân cách của một nghệ sĩ lớn. Tôi chưa thấy ai có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động và dạt dào cảm xúc như ông.

Tôi có cảm giác ông chỉ cần tức cảnh cũng có thể thành nhạc. Nếu không có sự nhạy bén, dễ rung động ấy, làm sao chỉ đọc qua một bài báo, chưa hiểu gì về tôi, anh đã viết nên một ca khúc da diết, sâu lắng như Em đi rồi.

Cũng vì giàu cảm xúc, dễ rung động nên anh Lam Phương có thể yêu quý người khác ngay lần đầu gặp. Người yêu nhiều thường dễ bị tình phụ, thường bị đau khổ vì tình. Và chính nỗi đau ấy khiến anh phải giãi bày lòng mình trong âm nhạc.

Mỗi lần có dịp đến thăm anh, điều đọng lại trong tôi là ánh mắt sáng, ánh lên niềm lạc quan. Tôi tin rằng anh không có một người tri kỷ ở bên cạnh lúc cuối đời nhưng anh có được tình yêu của hàng triệu khán giả.

Danh ca Họa Mi cho biết mang ơn nhạc sĩ tài hoa.

Cũng chính vì trân trọng tình cảm của khán giả, trước đây, nhạc sĩ vẫn cố gắng góp mặt trong những đêm nhạc mang tên mình. Lúc đó, dù ngồi trên xe lăn, di chuyển đường xa, anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

Đồng nghiệp đều hiểu nhạc sĩ mệt mỏi, sức khỏe yếu nhưng chưa ai nhìn thấy sự buồn bã xuất hiện trên gương mặt ông. Đối với ông, việc tham gia trong đêm nhạc như một cách đáp đền ân tình khán giả đã dành cho những đứa con tinh thần của mình.

Sau nhiều thăng trầm của đời sống tình cảm, những năm cuối đời, anh Lam Phương sống một mình, được em gái chăm sóc. Giờ đây, anh đã đi xa, về miền cực lạc. Từ nay, anh không còn phải đối diện với cảnh "Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình". Mong anh an nghỉ.

Bích Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chua-gap-ai-nhay-cam-de-xuc-dong-nhu-nhac-si-lam-phuong-post1166552.html