Tới bảo tàng ở Hà Nội, gặp hình ảnh khơi gợi phim 'Đào, phở và piano'

Nhiều hiện vật quý trong đó có cây bom ba càng duy nhất còn sót lại được trang bị cho các chiến sĩ Thủ đô chiến đấu trong 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội mùa đông 1946.

Nằm tại một góc nhỏ trên tầng 2 của khu nhà chính trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội) là không gian trưng bày về nội dung "Bảo vệ nền độc lập và tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945-1947". Tại đây đang trưng bày hàng trăm hiện vật giới thiệu 1 phần quang cảnh của Hà Nội mùa đông năm 1946 - tái hiện lại khung cảnh 60 ngày đêm quân và dân thủ đô bảo vệ Hà Nội.

Chính giữa không gian trưng bày là tác phẩm điêu khắc Chiến sĩ cảm tử quân khi anh ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch khi chúng tấn công Bộ Tổng tham mưu của ta trên đường Bà Triệu. Tác phẩm được nhà điêu khắc Trần Đình Hòe sáng tác năm 1960.

Bom ba càng, vũ khí được đội cảm tử quân dùng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép. Loại vũ khí này được thu lại từ Phát xít Nhật khi chúng rời khỏi Đông Dương. Bom ba càng được coi là biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn liền với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp tháng 12/1946.

Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, Hà Nội hình thành thế trận mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, khắp nơi bàn ghế, bao cát, hòm xiểng, thậm chí cả những đồ thờ cúng trang nghiêm như hoành phi, câu đối cũng được đem ra để làm vật cản bước tiến quân thù, tường nhà nọ đục thông sang nhà kia.

Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, Trung đoàn Thủ đô đã được thành lập vào đầu năm 1947, với quân số gần 2.000 người. Trong trận Toàn quốc kháng chiến, ở Hà Nội mùa đông 1946, có 10 đội Cảm tử quân được thành lập với khoảng 100 đội viên, các chiến sĩ phải chứng tỏ sự dũng cảm, sẵn sàng hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Huy hiệu "Trung đoàn Thủ đô" được các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong lễ thành lập "Đội quyết tử" tại rạp hát Chuông Vàng ở Hà Nội ngày 7/1/1947.

Bài thơ "Toàn dân kháng chiến" được ông Trịnh Đình Báu (cán bộ Đoàn thanh niên Liên khu I sáng tác khi tham gia chiến đấu ở Trung đoàn Thủ đô.

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hầu như không có nguồn cung súng đạn nào ngoại trừ tịch thu từ chính những đội quân nước ngoài đã trú đóng trên lãnh thổ như súng trường của Pháp, tiểu liên Thompson của Mỹ, mẫu tiểu liên Sten còn được xưởng quân giới Nam Định sản xuất và được Trung đoàn Thủ đô sử dụng chiến đấu tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Các đơn vị dân quân tự vệ cũng trong tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, chủ yếu phải dùng vũ khí thô sơ như giáo mác, cung tên, mã tấu.

Một số bức ảnh tư liệu quý giá ghi lại những khoảnh khắc lịch sử tại Hà Nội trong năm 1946.

Mỗi ngày đều có rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan khu trưng bày.

Tại khu vực vườn hoa Vạn Xuân (phố Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm) có một tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh được xây dựng năm 2004. Nơi đây từng là chiến địa chiến địa bảo vệ Thủ đô chống thực dân Pháp xâm lược trong mùa đông năm 1946..

Việt Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/toi-bao-tang-o-ha-noi-gap-hinh-anh-khoi-goi-phim-dao-pho-va-piano-post1462535.html