Tốc độ hạ cánh cao là nguyên nhân khiến MiG-29K bị rơi

Dù nguyên nhân chiếc MiG-29K rơi trên Địa Trung Hải chưa thực sự rõ ràng nhưng rất có thể tốc độ hạ cánh cao được coi là thủ phạm chính.

Nguyên nhân bị rơi

Nói về nguyên nhân của chiếc MiG-29K bị rơi hôm 14/11 khi chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, trang quốc phòng bmpd (Nga) cho rằng, rất có thể do tốc độ hạ cánh cao của máy bay này là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn.

Theo nhận định này, ngay từ khi ra đời, Liên Xô đã không lựa chọn MiG-29K mà đặt mua tiêm kích Su-33 để trang bị cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, dù loại máy bay này có tính năng thua kém so với MiG-29K. Lý do chính được cho là Su-33 có tốc độ cất hạ cánh thấp, bảo đảm an toàn cho hoạt động trên tàu sân bay, đồng thời tầm bay cũng vượt trội hơn MiG-29K.

Tiêm kích hạm MiG-29K.

Ngoài nhược điểm là được thiết kế với tốc độ hạ cánh cao, MiG-29K còn bị Ấn Độ phát hiện ra vô số lỗi trong quá trình vận hành tiêm kích này. Tờ Indiaexpress dẫn nguồn tin không quân Ấn Độ cho biết, cuối tháng 8/2016, đã xảy ra sự cố bất ngờ với máy bay trên hạm MiG-29K. Trong khi đang hạ cánh xuống căn cứ ở Visakhapatnam, thùng nhiên liệu phụ của chiếc MiG-29K đã bị rơi khỏi máy bay.

Dù được coi là sự cố hi hữu nhưng đây không phải là lần đầu tiên chiến đấu cơ trên hạm MiG-29K gặp sự cố. Vừa qua, các kiểm soát viên thuộc Cơ quan Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã chỉ trích lực lượng hải quân nước này khi đã nhắm mắt đồng ý đưa vào trang bị 45 tiêm kích hạm MiG-29K mua từ Nga từ năm 2004 trở đi.

Đặc biệt, trong một loạt các báo cáo CAG trình lên Quốc hội Ấn Độ hôm 26/7 cho rằng, phần khung của những chiếc MiG-29K/KUB có quá nhiều điểm thiếu sót để có thể hoạt động. Cùng với đó là hiệu suất hoạt động của mẫu động cơ phản lực RD MK-33 trên MiG-29K và cuối cùng là hệ thống kiểm soát bay của số máy bay này.

Cũng theo báo cáo này, điều này khiến thời gian bảo trì đối với MiG-29K tăng lên từ 15,93% đến 37,63, trong khi đó con số này đối với MiG-29KUB (phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi) là 21.20% và 47,14%.

Với những lỗi kỹ thuật này có thể sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ hoạt động của những chiếc MiG-29K/KUB vốn có tiêu chuẩn là 6.000 giờ hoặc 25 năm, ngoài ra nó cũng không thể đáp ứng các yêu cầu của Hải quân Ấn Độ đối với dòng chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay.

Thiết kế đỉnh cao

Trái với những gì được Ấn Độ công khai, Nga từng nhiều lần khẳng định, MiG-29K là thiết kế đỉnh cao và máy bay này sẽ phát huy thế mạnh của mình khi hoạt động trên hạm. MiG-29K sẽ đảm nhiệm vai trò tấn công ngày/đêm với vũ khí dẫn đường chính xác cao; tác chiến phòng không; hộ tống; hỗ trợ mặt đất; chế áp hệ thống phòng không đối không; tấn công trên biển; trinh sát.

Đặc biệt, MiG-29K/KUB còn là tiêm kích hạm đầu tiên của Nga trang bị hệ thống tiếp tiếp nhiên liệu UPAZ cho phép nó thực hiện vai trò tiếp nhiên liệu trên không (cho máy bay bạn) khi cần. Đáp ứng yêu cầu hoạt động trên tàu sân bay, khung thân máy bay và bộ phận hạ cánh MiG-29K đã được gia cố, cánh máy bay có thể gấp gọn.

Theo nhà thiết kế, MiG-29K trang bị vật liệu hấp thụ sóng radar cho phép nó có khả năng tàng hình nhẹ nhằm tăng khả năng sống sót khi tác chiến. Lớp phủ đặc biệt trên thân máy bay được đánh giá giúp giảm tín hiệu phản xạ sóng radar từ 4-5 lần nhờ hấp thụ 98,99% sóng radar so với MiG-29 đời đầu.

Để có được những tính năng trên, MiG-29K được trang bị hệ thống radar Zhuk-ME có thể phát hiện mục tiêu diên tích phản hồi radar (RCS) 5m2 ở cách 120km, bắt bám cùng lúc 10 mục tiêu và dẫn tên lửa diệt 4 trong số đó đồng thời. Trong chế độ không đối hải, radar có thể phát hiện tàu khu trục cách xa tới 300km.

Ngoài radar, MiG-29K còn có hệ thống trinh sát quang điện tử để tìm và bám mục tiêu bằng tia hồng ngoại. Buồng lái MiG-29K thiết kế hiện đại với 3 màn hình màu hiển thị đa năng (hoặc 7 màn hình với biến thể huấn luyện MiG-29KUB). Phi công cũng được trang bị mũ bay tích hợp hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính mũ.

Về trang bị vũ khí, MiG-29K thiết kế với pháo 30mm (cơ số 100 viên đạn) trong thân và 8 giá treo trên cánh và thân mang tới 5,5 tấn vũ khí tấn công đối không, đối đất và đối hải. MiG-29K mang hầu hết các loại vũ khí đối không, đối đất, đối hải có trong trang bị của Quân đội Nga hiện nay.

Clip tiêm kích MiG-29K khoe khả năng hạ cánh trên hạm

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/toc-do-ha-canh-cao-la-nguyen-nhan-khien-mig-29k-bi-roi-3323182/