Toan tính của Iran

Xu hướng tăng cường mối quan hệ với khu vực Mỹ Latinh của Iran bắt nguồn từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi 2005 - 2013.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA (Iran), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bắt đầu có chuyến công du Mỹ Latinh từ ngày 11/6 nhằm cải thiện quan hệ với các quốc gia “thân thiện và có cùng chí hướng” trong khu vực này.

Phái đoàn bao gồm các bộ trưởng ngoại giao, dầu mỏ và y tế. Trong chuyến công du, ông Raisi dự kiến sẽ ký nhiều thỏa thuận về hợp tác chính trị, thương mại, công nghiệp và khoa học với Venezuela, Nicaragua và Cuba.

Xu hướng tăng cường mối quan hệ với khu vực Mỹ Latinh của Iran bắt nguồn từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi 2005 - 2013. Khi đó, Tổng thống Ahmadinejad đã không ngừng theo đuổi quan hệ đối tác với các quốc gia Mỹ Latinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực này và hạn chế ảnh hưởng của Mỹ cùng phương Tây. Trong những năm gần đây, một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và ba quốc gia Mỹ Latinh đã tạo điểm chung để phát triển mối quan hệ hợp tác.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Iran và Venezuela đã ký thỏa thuận hợp tác kéo dài 20 năm khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đến thăm thủ đô Tehran. Trong chuyến thăm này, hai quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ đã đạt được nhiều thỏa thuận năng lượng, trong đó Iran cam kết phát triển các nhà máy lọc dầu cho Venezuela.

Tại Cuba, ngoài thương mại song phương, hai nước dự kiến ký kết các thỏa thuận lớn về khoa học y tế và chăm sóc sức khỏe. Sự hợp tác bắt đầu tăng lên kể từ dịch Covid-19. Viện Pasteur, trung tâm nghiên cứu hàng đầu Iran, đã liên kết với Viện Finaly, Cuba, để sản xuất vắc-xin Covid-19 gọi là PastoCovac.

Trong những năm gần đây, Iran cũng “hâm nóng” mối quan hệ với Nicaragua. Hồi tháng 2, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã công khai bảo vệ nguyện vọng hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trong buổi tiếp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại thủ đô Managua.

Iran đang tích cực tăng cường mối quan hệ về kinh tế, văn hóa và y tế trong khu vực Mỹ Latinh. Trong đó, Iran tập trung hợp tác ở nhiều khía cạnh quan trọng trong kinh tế và thương mại như năng lượng, dầu mỏ; góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho Iran và các nước.

Không chỉ thúc đẩy kinh tế, việc mở rộng quan hệ sang Mỹ Latinh là chiến lược của Iran nhằm tránh các lệnh trừng phạt và thoát khỏi vòng cô lập của Mỹ và phương Tây.

Nếu Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông, Iran cũng sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với khu vực Mỹ Latinh nhằm cân bằng đối trọng. Nước này cũng muốn huy động sự ủng hộ ngoại giao cho chương trình hạt nhân của mình.

Từ lâu, Iran đã muốn nâng cao vị thế chính trị ở cấp độ khu vực và quốc tế bằng cách triển khai chương trình hạt nhân, nhưng kế hoạch đã vấp phải phản đối của quốc tế.

Mới đây, Anh, Pháp và Đức đã cảnh báo khả năng sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Tehran nếu nước này làm giàu uranium đến mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Sự ủng hộ của Venezuela hay Nicaragua trước kế hoạch hạt nhân của Iran là bằng chứng của việc nước này đã phá vỡ thế bị cô lập chính trị.

Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn đặt Iran vào thế khó. Hiện nay, Iran vẫn chưa tiếp tục ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ do Liên minh châu Âu làm trung gian, đã đình trệ từ năm 2015.

Giới chức Mỹ từng nhiều lần tuyên bố hạt nhân Iran không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Nhưng nếu Iran tiến gần hơn đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân, nước này sẽ phải đối mặt với sức ép lớn gấp nhiều lần hiện nay từ phương Tây.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/toan-tinh-cua-iran-post642858.html