Toàn cảnh vụ gần 500 người ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai

Hàng trăm người tại Đồng Nai đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại cơ sở bánh mì Băng (tại phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh). Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai

Gần 500 người bị ngộ độc đều ăn bánh mì tại cơ sở không có chứng nhận an toàn thực phẩm

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 1/5/2024, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện với những triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Sau đó Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh đã tiến hành điều tra về nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên cho bệnh nhân.

Các trường hợp nhập viện đều có ăn bánh mì thịt (của cơ sở bánh mì Băng tại 148/18 Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) trong thời gian từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 30/4/2024.

Sau khi ăn khoảng 4-8 giờ thì xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài (một số trường hợp bị sốt). Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà sau đó nhập viện vào sáng ngày 1/5/2024. Sau khi nhập viện, các bệnh nhân được theo dõi sức khỏe với chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột.

Kết quả xác minh cho thấy, cơ sở bánh mì Băng bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà.

Tránh ngộ độc thực phẩm bằng tuân thủ 5 chìa khóa an toànĐỌC NGAY

Hàng bánh mì có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cơ sở có 4 lao động trực tiếp, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe; không có hợp đồng mua nguyên liệu thực phẩm.

Khu vực sơ chế biến thực phẩm khoảng 40m2, không gần nguồn ô nhiễm; có trang bị thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm. Đa số các nguyên liệu được lấy ở các cửa hàng có địa chỉ tại thành phố Long Khánh.

Tính đến 12 giờ ngày 3/5, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc đã lên đến hơn 480 ca, trong đó có 19 ca đã được xuất viện, 2 ca tiến triển nặng, số bệnh nhân còn lại sức khỏe đang dần hồi phục, giảm bớt những triệu chứng nghi ngộ độc.

Khẩn trương xác định nguyên nhân, đình chỉ hoạt động cơ sở bánh mì nghi gây ngộ độc thực phẩm

Ngày 3/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an thành phố Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an thành phố Long Khánh tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định nhằm xác định nguyên nhân vụ việc.

Đồng thời cơ quan Công an cũng tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 2/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Đồng thời tăng cường kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ làm nhiều người ngộ độc và phải nhập viện điều trị. Tiêu biểu, tháng 3/2024, hơn 360 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh (thành phố Nha Trang). Các loại vi khuẩn gây ngộ độc chính trong vụ việc là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.

Thông tin từ Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 650 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Bên cạnh đó, không tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

Ngọc Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/toan-canh-vu-gan-500-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-tai-dong-nai-179240503150938279.htm