Tòa trả hồ sơ vụ bảo kê xe quá tải qua trạm CSGT Suối Tre để làm rõ 6 vấn đề quan trọng

TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu VKS điều tra bổ sung, làm rõ một số tình tiết quan trọng vụ nhóm 'cò' lấy tiền tỉ bảo kê xe quá tải qua trạm CSGT Suối Tre để giải quyết vụ án một cách toàn diện, đúng quy định pháp luật…

TAND tỉnh Đồng Nai đã trả hồ sơ vụ án nhóm 'cò' lấy tiền tỉ để bảo kê xe quá tải qua trạm CSGT Suối Tre cho VKSND tỉnh Đồng Nai để điều tra bổ sung.

Trước đó, VKSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố các bị can Trương Công Quang, Trần Quang Tân, Nguyễn Đăng Khoa, Đặng Văn Út, Trần Thị Diệu Hoa, Nguyễn Văn Hậu, Ngô Văn Đạm, Lê Bảo Ngọc về tội môi giới hối lộ.

Đồng thời, truy tố các bị can Lê Bảo Ngọc, Hoàng Thị Việt Hà, Hoàng Hiệp, Hoàng Thanh Sỹ, Tạ Thị Thu Trà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là nhóm 'cò' lấy tiền tỉ để bảo kê cho xe quá tải qua trạm cảnh sát giao thông Suối Tre mà báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh qua trong loạt bài phóng sự điều tra.

Yêu cầu đối chất với nguyên Trạm trưởng CSGT Suối tre

Tại quyết định trả hồ sơ, TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu VKS cùng cấp điều tra bổ sung, làm rõ nhiều nội dung.

Thứ nhất, điều tra làm rõ việc nguyên Trạm trưởng CSGT Suối Tre Lê Ánh Dương có dấu hiệu phạm tội “nhận hối lộ” hay không.

Tòa xác định đây là mấu chốt quan trọng để giải quyết vụ án một cách toàn diện, đúng quy định pháp luật và cần xử lý trong cùng một vụ án.

TAND đánh giá trong lời khai của ông Lê Ánh Dương có nhiều điểm thiếu trung thực, mâu thuẫn với lời khai của Trương Công Quang (người lập đường dây thu tiền bảo kê) và Trần Quang Tân (người Quang đưa tiền để đi lo lót với lực lượng CSGT phục vụ đường dây).

Khi gọi cho Quang, xe chở quá tải lưu thông qua trạm CSGT mà không bị xử lý. Ảnh: PLO

Cụ thể, ông Dương khai không quen biết với Trương Công Quang nhưng quá trình điều tra xác định tài sản là bộ bàn ghế, Ipad, Iphone, xe Lexus, nhà của ông Dương đều do Quang chuyển khoản cho người bán.

Trong quá trình xem xét hồ sơ, TAND tỉnh xác định khi thì ông Dương khai bộ bàn ghế mua 200 triệu đồng, bức tượng mua 20 triệu đồng; khi thì mua bộ bàn ghế 180 triệu đồng và mua tượng quan công 30 triệu đồng.

Trong khi Quang lại khai bộ bàn ghế của ông Dương là Quang nhờ Tân mua giúp với giá 110 triệu đồng, còn bức tượng tặng cho ông Dương không lấy tiền. Riêng người bán bộ bàn ghế khai bán cho Quang giá 100 triệu đồng.

Đồng thời Quang cũng khai quen biết với ông Dương khoảng 10 năm và có đi TP.HCM coi xe cùng.

Thứ hai, TAND tỉnh yêu cầu VKS điều tra, đối chất số tiền 400 triệu đồng mà Quang khai Tân còn nợ Quang là Tân nợ hay ông nguyên Trạm trưởng CSGT Suối Tre Lê Ánh Dương nợ. Bởi Tân khai: Ông Dương có quen biết với Quang và ông Dương còn nợ Quang 400 triệu đồng.

TAND tỉnh yêu cầu VKS lấy lời khai, đối chất giữa Dương, Quang và Tân để làm rõ các mẫu thuẫn, hành vi trên.

Cần đối chất với CSGT Tổ tuần tra đặc biệt

Thứ ba, TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu VKS làm rõ số tiền bị can Nguyễn Văn Hậu nhận từ các chủ xe, tài xế khi nhận "bảo kê" xe quá tải là bao nhiêu và thu lợi bất chính là bao nhiêu. Đồng thời làm rõ 1,5 triệu đồng Hậu thu của 2 xe chưa kịp đưa cho Quang, Cơ quan điều tra có thu giữ hay không.

Bởi theo cáo trạng, bị can Hậu nhận từ các đối tượng đưa hối lộ là 42 triệu đồng nhưng theo hồ sơ lời khai bị can thì số tiền trên là được hưởng % từ môi giới của 525 xe với 80 ngàn đồng/xe. Riêng số tiền 1,5 triệu đồng, Hậu khai đã thu từ hai xe nhưng chưa kịp đưa cho Quang. Theo lời khai của Hậu, số tiền trên đã nộp cho cơ quan điều tra.

Thứ tư, đối với bị can Đặng Văn Út, TAND tỉnh yêu cầu điều tra làm rõ Út nhận tiền của các tài xế xe tổng cộng bao nhiêu và thu lợi bất chính bao nhiêu, bởi hồ sơ thể hiện mỗi lần nhận tiền của các tài xế bị can nhận được 80 ngàn đồng tiền công 1 xe nhưng không kể số tiền nhận được của các tài xế là bao nhiêu.

Thứ năm, TAND tỉnh cũng yêu cầu xử lý, kết luận dứt điểm, lấy lời khai đối chất và kết luận các trường hợp Nguyễn Đăng Khoa và Trương Công Quang đưa cho cán bộ CSGT tên là Dũng và Toàn lần lượt là 65 triệu đồng và 70 triệu đồng.

Bởi Khoa khai đưa cho một cán bộ CSGT thuộc “Tổ tuần tra đặc biệt” tên là Dũng 65 triệu đồng, còn Quang khai đưa cho một cán bộ CSGT “Tổ tuần tra đặc biệt” tên là Toàn 70 triệu đồng và cơ quan điều tra đã cho Quang, Khoa nhận dạng được Toàn và Dũng.

Xem xét lại tội danh đã truy tố

Thứ sáu, tòa đề nghị xem xét lại tội danh truy tố đối với một số bị cáo.

Theo cáo trạng trước đó, các bị can Lê Bảo Ngọc, Hoàng Thị Việt Hà, Hoàng Hiệp, Hoàng Thanh Sỹ, Tạ Thị Thu Trà bị VKS truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, TAND Tỉnh Đồng Nai cho rằng các chứng cứ có tại hồ sơ chưa đủ điều kiện, cơ sở pháp lý để xử lý.

Tòa cho rằng các bị can Lê Bảo Ngọc, Hoàng Thị Việt Hà, Hoàng Hiệp, Hoàng Thanh Sỹ và Tạ Thị Thu Hà có dấu hiệu phạm vào tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, trong 52 bị hại thì có đến 34 người Cơ quan điều tra chưa làm việc được với người chuyển tiền, chủ phương tiện hoặc người ký hợp đồng.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra lấy lời khai các chủ xe nhưng 8 trường hợp các chủ xe không thừa nhận có chuyển khoản cho các bị can. Đồng thời một số bị hại chưa được xác định cụ thể là bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền, bị hại là ai.

Riêng các bị can Lê Bảo Ngọc và Hoàng Thị Việt Hà, cáo trạng nêu đã lợi dụng có thời gian làm phóng viên tạp chí Quê hương, Ngọc thành lập công ty TNHH thương mại Bảo Ngọc Transport, thực chất cũng là để bán lô gô “Công ty Bảo Ngọc” cho các nhà xe, tài xế để “làm luật” CSGT như trường hợp của các bị can Hiệp – Sỹ - Trà.

Trong 21 nhà xe có làm việc được thì có 7 nhà xe xác định là liên lạc với Ngọc thì CSGT cho đi mà không phạt; 8 trường hợp không xác định được do lấy lời khai chưa đầy đủ, có 6 trường hợp có đóng tiền nhưng vẫn bị phạt và có 6 nhà xe không làm việc được (ngoài 21 trường hợp).

Tài xế sau khi liên lạc với Quang ("cò" Tuấn) thì được Quang hướng dẫn đưa tiền cho các mắt xích dọc quốc lộ. Ảnh: PLO.

Cáo trạng cũng nêu, bị can Ngọc lợi dụng đã từng là phóng viên, CSGT “nể” nên không phạt các xe vi phạm. 7 trường hợp CSGT cho qua mà không phạt và đặc biệt có trường hợp bị hại Nguyễn Minh Đạt đã 16 lần chuyển tiền cho Ngọc - Hà.

Trong khi đó, Điều 366 Bộ luật hình sự 2015 (Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định cấu thành tội phạm là người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào tại Khoản 1 Điều này để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng, VKS cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án cũng như tội danh mà không thể bổ sung tại phiên tòa được.

Do đó, vụ án thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự 2015.

Tóm lược nội dung vụ án

Theo cáo trạng, trạm CSGT Suối Tre thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A đoạn từ huyện Trảng Bom đến huyện Xuân Lộc (giáp ranh với tỉnh Bình Thuận).

Đây là tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có rất nhiều xe tải chở cát đá đi ngang qua. Do đó Trương Công Quang đã cấu kết với đồng phạm để lập đường dây thu tiền “bảo kê”.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến tháng 9-2022, Trương Công Quang cùng Hậu, Út, Đạm, Diệu Hoa và Ngọc đã thu tiền của các chủ xe, lái xe theo hình thức “bảo kê” không bị CSGT kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi thu tiền hàng tháng, Quang sẽ đưa cho Trần Quang Tân để Tân lo cho lực lượng CSGT. Trong khoảng thời gian trên nhóm này đã nhận tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.

Đến tháng 9-2022, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ khẩn cấp Tân, Quang, Út và Hậu để điều tra.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án công an còn xác định cùng phương thức, thủ đoạn tương tự thì Nguyễn Đăng Khoa đã nhận tiền của nhiều rất nhiều chủ xe và tài xế tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng đưa cho Trần Quang Tân để hối lộ CSGT để bỏ qua, không kiểm tra, xử phạt vi phạm. Ngay sau đó Cơ quan CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Đăng Khoa.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai còn xác định từ tháng 11-2021 đến tháng 11-2022, Lê Bảo Ngọc (giám đốc Công ty TNHH Thương mại Bảo Ngọc Transport) cùng với Hoàng Thị Việt Hà hứa sẽ "bảo kê" xe vi phạm không bị CSGT xử phạt.

Các chủ xe, lái xe phải nộp tiền theo tháng để mua và gắn logo Công ty Bảo Ngọc chiếm đoạt tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.

Từ tháng 12-2021 đến tháng 11-2022, Hoàng Hiệp (giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Bảo Trâm) cùng với Hoàng Thanh Sỹ và Tạ Thị Thu Trà cũng đứng ra "bảo kê", hứa CSGT không xử phạt khi vi phạm. Tài xế, nhà xe phải đóng tiền hàng tháng để được và gắn logo Công ty Bảo Trâm.

Bằng thủ đoạn này nhóm này đã chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 900 triệu đồng của các nhà xe và tài xế.

TỰ SANG - BIÊN HÒA

Nguồn PLO: https://plo.vn/toa-tra-ho-so-vu-bao-ke-xe-qua-tai-qua-tram-csgt-suoi-tre-de-lam-ro-6-van-de-quan-trong-post789499.html