Tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch 'Hành trình con đường Di sản'

Ngày 27/12, Hiệp Hội du lịch Ninh Bình phối hợp với Công ty Du lịch Dịch vụ Tam Chúc (Hà Nam) và Ban quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn (Hà Nội) tổ chức hội nghị tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch 'Hành trình con đường Di sản'.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Dự tọa đàm có đại diện: Ban chấp hành Hiệp Hội Du lịch 2 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam; Trung tâm Xúc tiến du lịch Ninh Bình, Hà Nam; Ban quản lý khu di tíchdanh thắng Hương Sơn; Công ty Du lịch Dịch vụ Tam Chúc. Tham dự còn có đại diện đến từ các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch các địa phương Ninh Bình, Hà Nam và Hà Nội.

Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch “Hành trình con đường Di sản” - tuyến du lịch có lộ trình từ Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An đi qua Khu du lịch sinh thái Vân Long (Ninh Bình) tiếp đến đi chùa Tam Chúc (Hà Nam) và đi tiếp tới chùa Hương (Hà Nội) trong chặng đường gần dài 35 km.

Nằm ở phía Đông Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, tuyến du lịch “Hành trình con đường Di sản” có nhiều đặc điểm chung về địa chất, địa mạo và cảnh quan, tháp núi đá vôi, với khu cảnh làng quê thanh bình làm nổi bật du lịch đa dang, phong phú về tự nhiên, nhân văn đã và đang là những địa danh thu hút khách du lịch thập phương trong những năm qua.

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao và một phần xã Khả Phong, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Theo quy hoạch, khu du lịch sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha, sẽ phát triển 6 khu chức năng, gồm khu Trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại thị trấn Ba Sao.

Nơi đây là vùng ngập nước núi đá vôi, trong khu vực và lân cận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hiện tại Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đang tiếp tục thi công và hoàn thiện các hạng mục công trình.

Cùng với Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An, khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam, Khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí đặc biệt là gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, kết nối các miền di sản.

Các đại biểu dự tọa đàm tham gia đóng góp, xây dựng, phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh đồng thời tạo điều kiện giao lưu kết nối giữa doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Ninh Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội

Buổi tọa đàm còn là cơ hội để các đơn vị quản lý, cũng như các doanh nghiệp du lịch có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin chính sách, cơ chế hợp tác, liên kết phát triển bền vững.

“Hành trình con đường Di sản” sẽ là một sản phẩm du lịch mới có giá trị cao về tri thức, văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh. Bởi nó gắn kết các di tích để tạo nên chuỗi giá trị văn hóa, lịch sử là một hướng đi mới cho du lịch văn hóa Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa tâm linh nói riêng, phù hợp với định hướng của Nhà nước về phát triển kinh tế dựa trên sự liên kết vùng, miền.

Minh Đường- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/toa-dam-xay-dyng-san-pham-du-lich-hanh-trinh-con-duong-di-san-20191227040949236p2c20.htm