Tọa đàm 'Nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai'

Nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam là một trong những mục tiêu chiến lược được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên thực hiện trong những năm qua.

Theo tôi được biết, Nhật Bản từ năm 1954 đã có Luật bữa ăn học đường. Theo đó, tùy vào từng điều kiện mà các nhà trường phải lựa chọn chương trình các bữa ăn như thế nào. Đến năm 2005, Nhật lại bổ sung thêm một luật nữa, đó là Luật Cơ bản về giáo dục dinh dưỡng. Như vậy hành lang pháp lý của họ rất mạnh. Dù rằng trong quá trình triển khai luật không hoàn toàn thuận lợi do nền kinh tế gặp khó khăn, thậm chí có nhiều phản ứng xã hội đề xuất không nên có luật này. Đó là một thách thức rất lớn nhưng Nhật đã vượt qua và kết quả đạt được là người Nhật có một chiều cao rất lý tưởng.

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng, có lẽ có được một dự án luật cho dinh dưỡng học đường là mục tiêu lý tưởng chúng ta hướng tới, và nên là mục tiêu gần. Bởi, quay trở lại câu chuyện mà anh Đàm Quốc Chính có đề cập đến là rất nhiều thông tư khi triển khai thực hiện Đề án 641, kể cả những cảnh báo khi đề cập tới, nhưng tại sao sau 10 năm thực hiện nhưng hiệu quả của đề án vẫn rất khiêm tốn, thậm chí xã hội còn rất ít biến đến. Vì sao lại như thế? Bởi đề án cũng chỉ là đề án mà thôi, muốn thực hiện đề án phải có nguồn lực, nếu không có nguồn lực thì đề án chỉ nằm trên giấy. Và 10 năm đã trôi qua, không biết đến nay đã có đánh giá sơ kết việc thực hiện đề án hay chưa? Khi Chính phủ ban hành đề án với lộ trình 20 năm, cực kỳ nhân văn và khoa học, đây là một hành trình theo suốt chặng đường trưởng thành của con người. Gần 20 năm nhưng nay qua mất tuổi bản lề, qua mất giai đoạn vàng, sức tác động của đề án quá bé, vậy nếu như bây giờ khuấn động lên, đề án được đầu tư nhiều hơn thì tôi không hiểu là 10 năm sau chúng ta tác động cho thế nào?

Quay trở lại, đúng là chúng ta đang dựa vào đề án, nhưng đề án là chính sách, nếu thực hiện tốt thì có thể khen hoặc không, nhưng nếu không thực hiện thì cũng không có chế tài để xử lý. Có rất nhiều lý do để thanh minh, giải thích, ở địa phương có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khác, còn vấn đề từng ly sữa hàng ngày để cho chiều cao trẻ em sau bao nhiêu năm cao được bao nhiêu cm thì chưa hẳn các nhà lãnh đạo địa phương đã quan tâm, đây đang là vấn đề đang rất xa và mờ; thay vào đó họ chỉ quan tâm đến kinh tế địa phương phát triển như thế nào, tác động ra sao.

Chính vì thiếu chế tài nên tôi ủng hộ việc có luật. Tất nhiên xây dựng luật không phải dễ, bởi vì phải thuyết phục cho được sự cần thiết. Do đó, tôi rất mong, việc sơ kết giữa kỳ của đề án, một trong những khuyến nghị đưa ra để đóng góp cho Chính phủ là nên có luật này và dự án luật này phải hình thành trên đánh giá của đề án. Một trong những điều kiện để xây dựng luật là phải có đề xuất chính sách và phải có đánh giá tác động chính sách. Trong đó phải quy định được quy mô, phạm vi đối tượng như cơ quan quản lý nhà nước, sự phân cấp, trách nhiệm của gia đình, của cộng đồng xã hội, của các doanh nghiệp. Đồng thời, dự án luật phải đặt ra được quy chuẩn, quy định chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt nói chung hay quy định chuẩn mực dinh dưỡng học đường. Bởi trên thực tế, chúng ta chưa quan tâm về vấn đề này, trước kia là ăn no, nay là ăn ngon, nhưng người Nhật đã bỏ xa giai đoạn ấy mà họ muốn ăn đúng. Để khả thi, luật cũng phải có những quy định về mặt nguyên tắc để chế độ dinh dưỡng chuẩn từ khẩu phần, môi trường, an toàn thực phẩm, bếp ăn, thậm chí nhân sự thực hiện…

Như vậy, theo tôi, chúng ta cần thiết phải có luật, nếu có một dự án luật về dinh dưỡng học đường thì sẽ có những quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý, địa phương, gia đình đến đâu, đặc biệt là nguồn lực. Ngoài ra, vấn đề xã hội hóa để có được vấn đề dinh dưỡng học đường. Đây là vấn đề rất quan trọng, chứ không thể nhìn mãi vào ngân sách nhà nước. Do đó, các quy định, chế độ chính sách để xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ cho chương trình dinh dưỡng học đường rất cần đưa vào dự án luật. Đó cũng là sự ghi nhận sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp.

(11/12/2020 17:38)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Có thể khẳng định rằng, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực là con đường duy nhất để cải thiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ đó góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và cải tạo nòi giống Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, cần vận động, huy động hơn nữa sự tham gia của các đoàn thể, doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện các đề án, dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Nếu cải thiện chế độ ăn, cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của thế hệ trẻ người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực. Đây không phải chỉ là việc riêng của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế hay là việc cá nhân của những gia đình Việt hay là mong mỏi đóng góp của riêng doanh nghiệp nào. Để nâng cao tầm vóc của con em chúng ta, cần sự vào cuộc đồng bộ, cần những quy định, khung pháp lý cụ thể hơn, rõ ràng hơn để dinh dưỡng học đường được quan tâm một cách xứng đáng hơn, đúng mức với tầm quan trọng của nó.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND - Ảnh: Duy Thông

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dang-dien-ra-toa-dam-%E2%80%9Cnang-cao-the-luc-tam-voc-cho-the-he-tuong-lai%E2%80%9D