Tọa đàm 'Ký ức Điện Biên' góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

'Nên khúc tự hào' là chương trình nghệ thuật thuộc khuôn khổ chuỗi chương trình giáo dục truyền thống lịch sử 'Tôi kể', nhằm Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng đến Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình đã diễn ra tối 9/5, tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).

Kể chuyện chiến trường bằng lời ca, điệu múa

Chương trình nghệ thuật lịch sử “Nên khúc tự hào” gồm các tiết mục nghệ thuật mang ý nghĩa lịch sử, tri ân, kỷ niệm và vinh danh những anh hùng vệ quốc, tôn vinh chiến công anh dũng của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chương trình còn là sân khấu để vinh danh, trao thưởng cho 5 thí sinh đoạt giải trong cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử “Nên vành hoa đỏ”.

Ngày trước, sinh viên Văn khoa (tiền thân của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) làm cách mạng bằng lời ca, tiếng hát, ngòi bút... tiên phong trong lực lượng sinh viên làm cách mạng, khởi xướng phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” để kêu gọi, lan truyền tình yêu nước, lòng dũng cảm và để đấu tranh với quân thù. Ngày nay, sinh viên trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP. HCM tiếp nối truyền thống khi xưa, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử, tinh thần cách mạng, tình yêu nước qua những hoạt động nghệ thuật.

Qua tổ khúc “Đường ta đi lên”, Đội văn nghệ xung kích CKT đã tái hiện lại những chuyến xe thồ hàng đi lên mặt trận để tiếp tế cho quân ta, công cuộc hành quân gian nguy, kéo pháo vào trận địa, cùng tinh thần chiến đấu anh dũng của quân ta. Tiếp nối dòng chảy thời gian, Đội văn nghệ CKT tiếp tục trình diễn những tiết mục thể hiện tinh thần xung kích, lòng tự hào và trân quý những thiên sử vàng chói lọi của thế hệ thanh niên ngày nay. Chương trình nghệ thuật đã làm nổi bật tinh thần: “Kể quá khứ, kể hiện tại, kể tương lai” của chuỗi chương trình “Tôi kể”.

Kết hợp du lịch và lịch sử

Trong khuôn khổ đêm nghệ thuật, còn có tọa đàm “Ký ức Điện Biên”, diễn giả là ông Trần Kiến Xương - Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng đại diện Văn phòng VKSND Tối cao tại TP. HCM, ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Hai vị diễn giả đã mang lại những câu chuyện chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua góc nhìn của người có mặt, trải qua cuộc chiến.

Ông Trần Kiến Xương khẳng định, câu chuyện lịch sử vô cùng quan trọng, nhưng ông cũng đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ chỉ những ngày lễ, chúng ta mới ôn lại truyền thống lịch sử? Sự băn khoăn đó thôi thúc ông thành lập Bảo tàng và chuỗi tham quan di tích của Biệt động Sài Gòn. Các căn nhà đều là cơ sở của Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật và kể nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn.

Các bạn sinh viên tham dự chương trình.

Ông Xương nhấn mạnh, việc kết hợp giữa du lịch và lịch sử là để ôn lại lịch sử từng ngày, từng giờ. “Chỉ có du lịch mới nhắc đi nhắc lại câu chuyện lịch sử, chứ không khéo chúng ta chỉ chờ những ngày lễ mới ôn lại lịch sử, còn tôi, tôi ôn lịch sử hằng ngày, hằng giờ qua du lịch”.

Ông Trần Kiến Xương (trái), ông Nguyễn Văn Độ (phải) kể về công cuộc thồ hơn 25.000 tấn gạo ra mặt trận.

Cuối tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Độ gửi gắm đến thế hệ thanh niên: “Thế hệ chúng tôi và thế hệ đi trước, lịch sử đặt lên vai chúng tôi sứ mệnh phải cùng toàn quân, toàn dân sẵn sàng chiến đấu hi sinh để đuổi kẻ thù xâm lược, đó cũng là khát vọng của chúng tôi. Mình là thanh niên, đất nước có chiến tranh, phải ra trận. Bây giờ, các bạn trong giai đoạn đất nước hòa bình, lịch sử đặt lên vai các bạn trách nhiệm không hề nhẹ, đó là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi trình độ, kiến thức, các bạn cần học hỏi, phấn đấu”.

Tọa đàm "Ký ức Điện Biên" đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chuỗi tham quan di tích Biệt động Sài Gòn gồm tham quan các quán cà phê mang tên cơm tấm Đỗ Phủ - Đại Hàn và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Các quán cà phê hoạt động theo hình thức của quán cà phê xưa, di chuyển bằng xe cổ, nghe thuyết minh bằng tư liệu sống động. Bên cạnh đó, người tham quan còn được xem tận mắt, sờ tận tay hơn 400 hiện vật của thế kỷ trước, được giữ nguyên hiện trạng cho đến nay, chứng kiến hầm bí mật cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn hiện sở hữu 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng Biệt động: Các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng; đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; Thiết bị thông tin liên lạc…

Lương Mộng Tuyền

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/toa-dam-ky-uc-dien-bien-gop-phan-giao-duc-truyen-thong-cho-the-he-tre-post1636078.tpo