Tọa đàm Giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy phát triển giao thông bền vững

Việt Nam phải thực hiện quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ và phải đào tạo ra cả một thế hệ kỹ sư mới để đáp ứng, giải quyết bài toán giao thông thông minh.

Các chuyên gia tại Tọa đàm Giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững

Các chuyên gia tại Tọa đàm Giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững

Ngày 15/5, tại TP. HCM, Trường Đại học Việt Đức tổ chức Tọa đàm về Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững.

Tọa đàm nhằm nhận diện triển vọng phát triển giao thông thông minh ở Việt Nam từ góc nhìn nhu cầu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, ở nhiều quốc gia đang phát triển, hạ tầng giao thông công cộng phát triển không kịp, gây khó khăn và bắt đầu ùn tắc giao thông, tai nạn, ô nhiễm môi trường..., đây là vấn đề quan tâm toàn cầu, có tính xu thế.

"Hiện chúng ta đang đứng trước những thách thức và cơ hội to lớn trong cuộc cách mạng 4.0, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc trong mọi ngõ ngách ở cuộc sống. Đây là cơ hội để chúng ta cần nắm bắt và giải quyết bài toán này. Vì vậy, giao thông thông minh là công cụ để kết nối đa phương thức, các giải pháp công nghệ thông minh, phát triển giao thông bền vững. Từ đó, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải đào tạo ra cả một thế hệ kỹ sư mới để đáp ứng, giải quyết bài toán giao thông thông minh", TS. Viên nhận định.

Theo TS. Viên, để giải quyết căn cơ các thách thức, song song với tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện giao thông công cộng, các thành phố đang đứng trước một cơ hội rất lớn trong cách tiếp cận, giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.

TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức phát biểu tại buổi tọa đàm

TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Richard Liu, Giám đốc Partner Ecosystem Development & MKT chia sẻ, hiện thực hóa công nghệ sạc nhanh, 10 xu hướng mạng lưới trạm sạc thông minh trên thế giới trong năm 2024, như là bước tiến để biến ước mơ công nghệ sạc nhanh trở thành hiện thực ở các đô thị và trên toàn quốc. Trong đó, hạ tầng trạm sạc phát triển là điều kiện nền tảng thúc đẩy sở hữu và sử dụng phương tiện điện hướng tới mục tiêu đến 2040 toàn bộ phương tiện cơ giới ở Việt Nam là phương tiện điện. Mạng lưới hạ tầng trạm sạc thông minh cũng là cơ sở nền móng cho phát triển giao thông thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (VGTRC) đưa ra dự báo, từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 30% lượng xe điện được bán ra và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các phương tiện sử dụng điện sẽ bảo vệ môi trường, giảm phát thải ra môi trường. Phương tiện điện sẽ kết nối với hạ tầng như đèn tín hiệu trên đường, phương tiện kết nối với phương tiện, kết nối với người đi bộ... Từ đó, tối ưu hóa trong sử dụng năng lượng và mỗi xe ô tô sẽ là trung tâm dữ liệu nhỏ để cung cấp thông tin, giúp giảm ùn tắc, người đi đường cũng thoải mái hơn, tiến tới một thành phố thông minh.

PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm

PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm

PGS. TS. Tuấn cho biết, hiện một số tập đoàn như Vingroup đang phát triển hệ sinh thái giao thông điện và dự kiến sẽ tuyển dụng 100.000 kỹ sư công nghệ liên ngành trong 10 năm tới. Thêm vào đó, Viettel, FPT và nhiều tập đoàn nước ngoài thành lập các công ty high-tech để nghiên cứu phát triển các giải pháp giao thông thông minh với kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn kỹ sư công nghệ và giao thông thông minh thời gian tới.

PGS. TS. Tuấn nhấn mạnh, giao thông thông minh là một cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững, đảm bảo sự kết nối liền mạch các phương thức vận tải cho con người. Lúc này, con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh. Tuy nhiên, khi xuất hiện một giải pháp, hệ thống mới cần được ứng dụng rộng rãi, được xã hội chấp nhận với các khung pháp lý, quy hoạch đô thị phù hợp và hỗ trợ giải pháp giao thông thông minh.

Lúc này, giao thông thông minh sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững và thông minh. Điều này đòi hỏi các công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng liên quan phải có sự thay đổi để tạo nền tảng phát triển giao thông thông minh.

Văn Quyết

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/toa-dam-giao-thong-thong-minh-cach-tiep-can-thuc-day-phat-trien-giao-thong-ben-vung-183240515164210262.htm