Tọa đàm 'Cà Mau làm gì để không bị ngập chìm trong nước' trên VOV1

“Cà Mau làm gì để không bị ngập chìm trong nước” là nội dung chính của cuộc tọa đàm trực tiếp diễn ra sáng nay (28/8) tại Cà Mau.

Trong những năm gần đây với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sạt lở đê biển Đông, đê biển Tây và nhiều nơi trên đất liền ở Cà Mau đang diễn ra rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng chục ngàn hộ dân.

Vậy giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh là như thế nào? Đây là nội dung chính của cuộc tọa đàm trực tiếp diễn ra sáng nay (28/8) tại Cà Mau. Cuộc tọa đàm do Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài TNVN tại khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, nơi được coi là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở ĐBSCL khi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là nơi có địa hình thấp so với mặt nước biển và là tỉnh duy nhất của Việt Nam chịu tác động của cả 2 chế độ thủy triều: nhật triều và bán nhật triều không đều (biển phía Tây và biển Đông), có bờ biển dài hơn 254 km.

Theo kịch bản của biến đổi khí hậu, khoảng vào năm 2040, khi nước biển dâng lên 25cm, ở Cà Mau sẽ có hơn 4.693km bị ngập từ 1- 1,2m trở lên, chiếm 85% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Khi đó gần như Cà Mau sẽ bị nhấn chìm trong biển nước.

Đây là chính là những mối lo thường trực của tỉnh khi mà hiện nay, tình trạng sạt lở đê biển, đê sông, sụt lún và nước biển xâm thực đang diễn ra liên tục, mạnh mẽ trên hầu khắp các địa bàn trong tỉnh.

Các vị khách mời đã trao đổi các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó có xây dựng các đê biển kiến cố, phát động việc trồng rừng đước, rừng mắm ven biển để giữ đất; đặc biệt, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu - nước biển dâng để tất cả cộng đồng dân cư và các cấp chính quyền ý thức được tầm quan trọng và cùng nỗ lực hợp tác, đóng góp chung nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.

Đồng thời, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm phòng chống biến đổi khí hậu, trong đó tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu là một ưu tiên; để từ đó mới mong phát triển bền vững.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm: "Trước tiên, phải ưu tiên triển khai thi công các công trình, ứng phó với phòng chống sạt lở ven biển để bảo vệ tính mạng, sản xuất, tài sản nhân dân. Triển khai các khu tái định cư ven biển, để di dời các hộ gia đình sinh sống ở các vùng đặc biệt nguy hiểm vào nơi an toàn để sinh sống; triển khai đầu tư, quy hoạch cho sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, đặc biệt là khôi phục phát triển khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ"./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/toa-dam-ca-mau-lam-gi-de-khong-bi-ngap-chim-trong-nuoc-tren-vov1-544837.vov