Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa

Hòa giải, đối thoại đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án…

Hòa giải viên Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái hòa giải, đối thoại tại Tòa vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Chị Đ và anh T kết hôn năm 2010, đã có hai con gái. Thời gian đầu chung sống, anh T chăm chỉ làm ăn, yêu vợ, thương con. Song, thời gian gần đây, do công việc làm ăn khó khăn nên anh T sinh ra chán nản, chơi bời, rượu chè và chửi bới vợ con. Đỉnh điểm có lần anh T còn đánh chị Đ khiến chị cảm thấy bị xúc phạm, cuộc sống bế tắc nên chị Đ đã nộp đơn ra Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn với anh T. Vụ án được Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục hòa giải đối thoại tại Tòa án.

Sau khi thụ lý vụ án, hòa giải viên Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái đã mời từng bên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mỗi người, phân tích ai đúng ai sai, nguồn gốc của việc không có tiếng nói chung là ở đâu. Cùng với đó, hòa giải viên cũng lấy những dẫn chứng từ thực tế cuộc sống, công việc mà bản thân khi còn công tác đã tận mắt chứng kiến để thuyết phục cặp vợ chồng nghĩ lại. Những phân tích bám sát thực tế và chia sẻ chân tình của hòa giải viên đã tác động đến hai vợ chồng, nhất là chị Đ. Đến cuối buổi hòa giải, chị Đ cho biết sẽ ghi nhận những chia sẻ của hòa giải viên và đề nghị có thời gian một tuần để suy nghĩ lại. Sau đó, chị Đ đã chủ động đến Tòa án rút đơn ly hôn để vợ chồng về đoàn tụ.

Đó là một trong những vụ hòa giải thành trong giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình của TAND thành phố thời gian qua.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản cũng là một dạng tranh chấp rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Các tranh chấp vay tài sản phần lớn là vay tiền mặt có lãi suất nhưng bên vay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi theo thỏa thuận nên bị bên cho vay khởi kiện ra Tòa án. Ngày 29/2/2024, anh Nguyễn Đăng T khởi kiện đến TAND trình bày do có mối quan hệ quen biết nên năm 2022, anh Dương Duy C đã vay của anh T số tiền là 200 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng, không xác định thời hạn vay.

Tuy nhiên, sau đó, anh C không thanh toán tiền nợ gốc, lãi cho anh T dù anh T đã nhiều lần đến gặp làm việc với anh C. Do đó, anh T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh C phải thanh toán cho anh T toàn bộ số nợ gốc và lãi là 351 triệu đồng (trong đó, nợ gốc là 200 triệu đồng, tiền lãi là 51 triệu đồng, phạt vi phạm là 100 triệu đồng).

Vụ án được TAND thành phố Yên Bái thụ lý, giải quyết theo thủ tục hòa giải đối thoại tại Tòa án. Quá trình giải quyết vụ việc, hòa giải viên đã giải thích, viện dẫn các văn bản pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho các bên trình bày, thỏa thuận; đồng thời, giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của các bên đương sự, phân tích lợi ích khi vụ việc được hòa giải thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở phân tích của Tòa án, anh T và anh C đã thỏa thuận được việc thanh toán nợ. Ngày 29/3/2024, TAND thành phố Yên Bái đã ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án.

Chánh án TAND thành phố Yên Bái Lê Thị Hoàng Hải khẳng định: "Trung bình mỗi năm, đơn vị thụ lý, giải quyết từ 20 - 25 vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Nhiều vụ có tính chất phức tạp, số tài sản, tiền mà các bên đem ra giao dịch lớn. Để giải quyết loại tranh chấp này nhanh chóng, không phải xét xử, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của Nhà nước, người dân và xã hội thì lựa chọn hòa giải theo thủ tục hòa giải đối thoại tại Tòa án là một phương thức hữu hiệu. 3 tháng đầu năm 2024, TAND thành phố đã thụ lý 24 vụ việc hôn nhân và gia đình theo thủ tục hòa giải đối thoại tại Tòa án, tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Trong đó, hòa giải đoàn tụ thành 14 vụ việc”.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chính sách quan trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông. Trên thực tế, hòa giải, đối thoại không chỉ là những quy định của pháp luật mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn giúp các bên thấu hiểu lẫn nhau, giữ gìn uy tín, danh dự của nhau, chấm dứt tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn hoặc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, nâng cao ý thức pháp luật người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai...

Mai Linh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/322031/toa-an-nhan-dan-thanh-pho-yen-bai-tang-cuong-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa.aspx