Tờ giấy ăn vo viên có giá 20.000 USD của Picasso

Picasso có thói quen ngồi trong quán café, vẽ nguệch ngoạc lên cái khăn giấy đã dùng.

Khi đã lớn tuổi, Pablo Picasso thường ngồi trong quán café ở Tây Ban Nha, vẽ nguệch ngoạc lên một cái khăn giấy đã dùng. Ông khá thờ ơ với mọi sự, chỉ vẽ ra những gì làm cho ông thích thú tại thời điểm đó - giống như kiểu mấy thằng nhóc tuổi ô mai mơ hay vẽ hình bậy bạ trong buồng vệ sinh vậy - ngoại trừ việc đây là Picasso, nên cái hình bậy bạ của ông trong buồng vệ sinh trở thành một kiệt tác hội họa theo trường phái lập thể ấn tượng nằm trên vệt cà phê loang.

Dù sao thì, có một người phụ nữ ngồi gần ông đã kinh ngạc khi nhìn thấy bức vẽ. Sau một lúc, Picasso uống xong tách cà phê và vo tròn tờ giấy ăn lại để vứt đi trước khi ông rời quán.

Người phụ nữ ngăn ông lại. “Khoan đã”, bà gọi. “Tôi có thể lấy tờ giấy ăn ông vừa vẽ lên không ạ? Tôi sẽ trả ông tiền”.

“Được chứ”, Picasso trả lời. “20.000 đôla”.

Người phụ nữ choáng váng như thể vừa bị ông táng cho cả cục gạch vào đầu. “Cái gì cơ? Ông chỉ mất có hai phút để vẽ nó thôi cơ mà”.

“Không đâu, thưa bà!” Picasso nói. “Tôi phải mất tới sáu mươi năm mới vẽ được nó đấy!” Ông nhét tờ giấy ăn vào túi và rời khỏi đó.

Sự tiến bộ trong bất kỳ lĩnh vực gì là thứ được tạo ra dựa trên hàng nghìn sai lầm nhỏ và sự vĩ đại của thành công mà bạn có được là dựa trên số lần bạn thất bại. Nếu có người nào vượt trội hơn so với bạn ở một điểm nào đó, thì đó là bởi vì người đó đã thất bại nhiều lần hơn so với bạn. Nếu ai đó kém cỏi hơn bạn, là vì anh ta chưa trải qua đủ những bài học đau đớn mà bạn từng đón nhận.

Nếu bạn nghĩ về một đứa trẻ đang tập đi, thì đứa trẻ ấy sẽ phải vấp ngã và bị đau đến hàng trăm lần. Nhưng chẳng bao giờ nó dừng lại và nghĩ rằng, “Ối, mình nghĩ bước đi không phải là việc dành cho mình. Mình đâu có rành cái vụ này!"

Lảng tránh thất bại là điều mà chúng ta học được ở một thời điểm về sau trong đời. Tôi cá là phần nhiều đến từ hệ thống giáo dục của chúng ta, thứ luôn đánh giá khắt khe chúng ta dựa trên thành tích học tập và trừng phạt những ai không có được thành tích tốt. Một phần không nhỏ khác đến từ các bậc phụ huynh độc đoán hoặc thích chỉ trích - những người không cho phép con cái họ tự mình làm rộn lên theo một mức độ bình thường, thay vì vậy họ lại trừng phạt chúng vì việc thử nghiệm những cái mới hay vì không tuân theo con đường đã được định trước.

Và rồi chúng ta còn có cả một hệ thống truyền thông lúc nào cũng ra rả vào tai ta hết tấm gương thành công này đến tấm gương thành công khác, trong khi lại lờ tịt đi hàng nghìn giờ rèn luyện buồn tẻ và chán ngắt mà họ cần thực hiện trước khi đạt tới thành công.

Ở một thời điểm nào đó, hầu hết chúng ta đều đạt tới một vị trí mà ta thấy sợ hãi nếu thất bại, nơi mà ta lảng tránh thất bại một cách đầy bản năng và chỉ bám víu lấy thứ ở ngay trước mắt ta, hay những gì mà ta có thể làm tốt.

Điều này giam hãm và kìm chế chúng ta. Ta chỉ có thể thật sự thành công ở thứ mà ta sẵn lòng thất bại trước nó. Nếu như ta chưa sẵn lòng thất bại thì ta cũng chưa sẵn sàng để thành công.

Rất nhiều sự sợ hãi trước thất bại xuất phát từ việc lựa chọn các giá trị tệ hại. Giả như, nếu tôi đánh giá bản thân mình dựa trên tiêu chí “Khiến mọi người mà tôi gặp gỡ đều yêu thích mình”, thì tôi sẽ hoang mang lắm, bởi vì thất bại là chắc chắn 100 phần trăm luôn ấy, vì nó lệ thuộc vào hành vi của những người khác mà không nằm ở bản thân tôi. Tôi không thể kiểm soát được điều đó, do vậy giá trị bản thân tôi lại phó mặc cho sự phán xét của những người khác.

Trong khi nếu tôi lựa chọn thước đo “Cải thiện đời sống xã hội của mình”, thì tôi có thể sống theo giá trị của “mối quan hệ tốt đẹp với người khác” dù cho người ta có đối xử với tôi ra sao. Giá trị bản thân của tôi được dựa trên thái độ và hạnh phúc của chính tôi.

Các giá trị tệ hại, như chúng ta đã thấy, liên quan tới những mục tiêu rõ ràng là nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Việc theo đuổi những mục tiêu như vậy sẽ dẫn tới sự bất an. Và ngay cả khi ta có thể đạt được điều đó thì chúng cũng khiến ta cảm thấy trống rỗng và vô vị, bởi vì một khi đã đạt được những mục tiêu này thì chẳng còn vấn đề gì để mà giải quyết nữa.

"Giá trị bản thân của tôi được dựa trên thái độ và hạnh phúc của chính tôi". Ảnh: Paramount Pictures.

Những giá trị tốt đẹp hơn, như ta đã thấy, là quá trình hướng vào bản thể. Những thứ kiểu như “bày tỏ bản thân một cách trung thực trước những người khác”, một thước đo cho cái giá trị “chân thành”, không bao giờ có thể hoàn tất; Đó là một vấn đề yêu cầu ta phải liên tục bận tâm tới. Mỗi cuộc trò chuyện mới, mỗi mối quan hệ mới, đều mang tới những thách thức và cơ hội mới cho việc bày tỏ sự chân thành. Cái giá trị này là một quá trình liên tục, kéo dài suốt đời và khó có thể hoàn tất.

Nếu thước đo của bạn cho giá trị “thành công theo chuẩn mực của thế gian” là “mua một ngôi nhà và một chiếc xế xịn” và bạn bỏ ra những hai mươi năm chổng mông lên mà làm việc nhằm đạt được điều đó, một khi đã đạt được thì thước đo ấy không thể mang lại điều gì cho bạn nữa. Rồi sau đó bạn hãy mở lời chào với cơn khủng hoảng tuổi trung niên, bởi vì vấn đề đã lèo lái bạn trong suốt quãng đời trưởng thành của mình vừa mới bị tước mất khỏi tay bạn. Không còn nữa những cơ hội để tiếp tục phát triển và tiến bộ hơn, và chỉ có sự phát triển mới mang lại hạnh phúc chứ không phải là một danh sách dài cứng nhắc về những thành tích nào đó.

Theo nghĩa này, các mục tiêu, như chúng vẫn thường được đặt ra - tốt nghiệp đại học, mua một ngôi nhà bên hồ, giảm được mười cân - đều bị giới hạn trong một mức độ hạnh phúc nhất định mà chúng có thể mang lại cho cuộc đời ta. Chúng có thể hữu ích khi mà ta theo đuổi những lợi ích ngắn hạn, trong chóng vánh, nhưng nếu ta xem chúng như là định hướng cho toàn bộ bước đường đời thì chúng thật quá tệ.

Danh họa Picasso cần mẫn sáng tác trong suốt cuộc đời mình. Ông sống tới hơn chín mươi tuổi và vẫn tiếp tục sáng tác cho tới những năm cuối đời. Nếu có những thước đo kiểu như là “Trở nên nổi tiếng” hay “Kiếm được hàng mớ tiền trong thế giới nghệ thuật” hay “Vẽ 10.000 bức tranh”, thì ông đã giậm chân tại chỗ vào một thời điểm nào đó rồi. Ông sẽ không vượt qua được cảm giác bất an hay sự nghi ngờ bản thân. Ông sẽ chẳng thể nào tiến bộ và sáng tạo ra các tác phẩm của mình trong suốt nhiều năm trời như vậy.

Lý do dẫn đến thành công của Picasso cũng chính là lý do dù đã rất già rồi, ông vẫn vui vẻ ngồi một mình vẽ ngệch ngoạc lên tờ giấy ăn trong một tiệm cà phê. Đó là nhờ vào cái giá trị “bày tỏ chân thật” và chính điều này mới khiến cho tờ giấy ăn ấy trở nên giá trị đến thế.

Mark Manson / Nhà xuất bản

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/to-giay-an-vo-vien-co-gia-20000-usd-cua-picasso-post1344723.html