Tổ chức lại không gian phát triển để khơi dậy tiềm năng

Ngày 30/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Quy hoạch còn “chạy” theo dự án

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho biết: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập, có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó, 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh, thành phố.

Một số bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, cho nên đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bốn quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) và nhiều đại biểu cơ bản tán thành báo cáo của Đoàn giám sát, nhưng nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức, tính khả thi không cao, thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao, việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn.

Vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trong khi đó, Luật Quy hoạch chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực, nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, công tác chỉ đạo thi hành Luật Quy hoạch của một số bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt, nhiều lúc chưa phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, phân công trách nhiệm chưa cụ thể, thiếu chủ động trong công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai còn mang tính chủ quan, cho nên thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi và không bảo đảm tiến độ. Hơn nữa, công tác tham mưu, phát hiện bất cập, khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, phương án xử lý còn hạn chế, thiếu kịp thời.

Cùng với đó, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn gặp nhiều khó khăn; số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao... cho nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch; một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập.

Một số đại biểu nêu rõ: Tiến độ lập quy hoạch rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch đòi hỏi phải đổi mới toàn diện theo phương pháp tích hợp. Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên một phạm vi lãnh thổ nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, trong khi chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện cũng còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Bám sát thực tiễn khi lập quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và một số đại biểu nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng và phải đi trước một bước nhằm tổ chức lại không gian phát triển để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của đất nước. Quá trình lập quy hoạch cần bám sát thực tiễn, đánh giá được cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời, cần đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu. Việc xây dựng quy hoạch phải vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không cục bộ, manh mún; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về tiến độ để bảo đảm quy hoạch được lập với chất lượng tốt; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể để việc lập quy hoạch tích hợp đa ngành, tháo gỡ những khó khăn trong lựa chọn tư vấn quy hoạch, bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng nông thôn và quy hoạch chi tiết điểm khu dân cư nông thôn.

Nhiều ý kiến đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trong khi lập quy hoạch phải chú trọng chất lượng quy hoạch, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch. Về lâu dài, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và pháp luật liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thật sự được coi trọng. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Vì vậy, cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa)

Để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực có quy hoạch, kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về nhà, về đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đời sống và quyền lợi hợp pháp của người dân.

Đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh)

Quy hoạch treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố và sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Luật Đất đai hiện hành không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đã gây bức xúc trong nhân dân, nhất là người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Thực trạng này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, vừa làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, tôi kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm, nếu không thực hiện thì các quy hoạch, dự án sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/to-chuc-lai-khong-gian-phat-trien-de-khoi-day-tiem-nang-699401/