Tổ chức đa dạng sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè

Hè về, các hoạt động càng trở nên sôi động và nhiều màu sắc, nhất là đối với lớp trẻ. Việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi tại địa phương không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, rèn luyện các kỹ năng thực hành xã hội mà còn góp phần cùng gia đình, địa phương quản lý, giáo dục thanh, thiếu nhi, hướng các em đến những hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Cán bộ Đội và thiếu nhi tiêu biểu của thị xã Nghi Sơn báo công, dâng hương tại khu di tích lịch sử thị xã Nghi Sơn - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ thị xã Nghi Sơn.

Huyện miền núi Như Thanh hiện có khoảng hơn 4.000 thiếu nhi, đội viên. Ngay từ đầu tháng 6, các cấp bộ đoàn trong huyện đã phối hợp tổ chức tốt hoạt động tiếp nhận thiếu nhi về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương; huy động đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện và các lực lượng tham gia phụ trách, tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. Cùng với đó, duy trì các hoạt động tổ chức sinh hoạt định kỳ, gắn với chủ đề sinh hoạt theo từng tháng, như: tháng 6 gắn với các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tháng 7 gắn với hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Anh Bùi Văn Lãm, Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh, cho biết: Ngoài hoạt động hội trại hè thiếu nhi được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp huyện thì năm nay, Huyện đoàn Như Thanh đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống, các lớp năng khiếu cho thiếu nhi, nổi bật như: tổ chức lớp dạy bơi để nâng cao kỹ năng, phòng chống đuối nước cho trẻ em; phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em... Ngoài ra, Huyện đoàn Như Thanh còn phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Hội đồng hương sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức các hoạt động tại địa phương như: hoạt động tình nguyện trong xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Thanh Kỳ, Xuân Thái; mở các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Đây là những hoạt động thiết thực, mang lại nhiều ý nghĩa đối với các em thiếu niên, nhi đồng của huyện Như Thanh.

Để tổ chức hoạt động hè rộng khắp, hiệu quả, an toàn, bền vững gắn với nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thực tế của từng địa phương, đơn vị, tạo dấu ấn xã hội tích cực, Ban Thường vụ Thị đoàn Nghi Sơn đã đề ra kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi: tổ chức sinh hoạt hè, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngày hội cho thiếu nhi, “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội”... Phát huy hiệu quả vai trò của các đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ trên địa bàn dân cư thông qua việc triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước cho trẻ em; vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các bể bơi nhân tạo, bể bơi mini, bể bơi thông minh cho trẻ em, tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em; thực hiện tuyên truyền về Luật Trẻ em, các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em; vận động xây dựng, nâng cấp, sửa chữa điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi; xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, nhà khăn quàng đỏ, nhà bán trú, nhà vệ sinh... Bên cạnh đó, Thị đoàn Nghi Sơn cũng tổ chức Chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” từ ngày 1-6 đến ngày 31-8-2023 với các nội dung: tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thăm hỏi, chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, gia đình chiến sĩ, cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo; tổ chức hành trình đến các địa chỉ đỏ, các di tích, địa danh lịch sử tại địa phương; tổ chức các hoạt động tìm hiểu và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc...

Chị Trần Thị Ngọc Ánh, Bí thư Thị đoàn Nghi Sơn, cho biết: Để kế hoạch hoạt động hè thiết thực và đảm bảo thực thi, Ban Chấp hành Thị đoàn Nghi Sơn đã xây dựng phương án, mở chuyên trang tuyên truyền về chiến dịch trên website tuoitrenghison.vn; xây dựng infographic tuyên truyền về các nội dung trọng tâm trong chiến dịch hè; đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương thanh niên tình nguyện, các mô hình tình nguyện tiêu biểu trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè; sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền; hướng dẫn, giám sát các hoạt động tuyên truyền của các đội hình, đoàn viên, thanh niên trong chiến dịch; đảm bảo 100% đoàn cấp huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên website, mạng xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng), “1 + 1” trong triển khai các hoạt động tình nguyện.

Hướng tới mục tiêu hỗ trợ ít nhất 6.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức ít nhất 500 hoạt động tuyên truyền về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em; 200 hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; tổ chức ít nhất 27 trại hè, trại kỹ năng dành cho thiếu nhi; 50 lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi... do các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang nỗ lực triển khai. Trong đó, trọng tâm là vận động các nguồn lực xã hội tổ chức chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; tổ chức chương trình “Thắp sáng thiếu nhi Việt Nam”, tuyên dương thiếu nhi có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách Đội, chỉ huy Đội và thiếu nhi...

Mỗi hoạt động, sân chơi, chương trình dành cho thiếu nhi được tổ chức hiệu quả sẽ góp phần tạo ra sân chơi ý nghĩa, bổ ích, góp phần tạo nên một mùa hè sôi động, ý nghĩa cho thanh, thiếu nhi. Tuy nhiên, để hoạt động hè thực sự đạt hiệu quả vẫn cần thêm những cách làm mới, sáng tạo để thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/to-chuc-da-dang-san-choi-cho-thieu-nhi-trong-dip-he/188286.htm