Tình trạng nhiều đầu mối, 'Bộ trong Bộ' chưa được khắc phục

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân

Chiều 20-10, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 06 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến vào các dự luật: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ…

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại cuộc họp báo

Đáng quan tâm, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nên công tác điều hành, quản lý nhà nước từng bước được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước nhưng vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, chưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là đối với các công việc khó, nhạy cảm, có liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến con người cụ thể.

Hệ thống thể chế về tổ chức bộ máy vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất, chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

“Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các Bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu”, ông Lê Bộ Lĩnh cho biết.

Điểm mới quan trọng tại kỳ họp này theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh là sẽ giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian để đại biểu thảo luận, tập trung vào các nội trọng tâm, tránh dàn trải.

Đồng thời, sẽ có 11 ngày làm việc được truyền hình trực tiếp. Trong đó, có một số nội dung lần đầu tiên sẽ được truyền hình trực tiếp như bàn về ngân sách nhà nước, thảo luận về các báo cáo công tác tư pháp, bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… để cử tri theo dõi và giám sát.

Trả lời câu hỏi về việc bà Phan Thị Mỹ Thanh (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) vừa qua bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật cảnh cáo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, ông có nghe tin một số cử tri của tỉnh Đồng Nai có ý kiến, nhưng để bãi miễn đại biểu Quốc hội phải có quy trình. Hiện, các cơ quan chức năng về quản lý cán bộ đang xem xét, thực hiện các quy trình cụ thể, rồi báo cáo Quốc hội xem xét.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tinh-trang-nhieu-dau-moi-bo-trong-bo-chua-duoc-khac-phuc-105875.html