Tình trạng hoãn, hủy chuyến bay: Thiệt hại của hành khách, ai chịu trách nhiệm?

Càng gần đến những ngày cuối năm, nhiều hành khách (HK) có công việc đi lại giữa các tỉnh, thành hoặc đặt vé máy bay về quê ăn Tết phải ngậm ngùi khi các hãng bay liên tục hoãn chuyến, thậm chí là 'hủy ngang'. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các 'thượng đế' khi đã sắp xếp lịch bay. Họ ôm 'cục tức' vì thiệt hại nặng nề nhưng không có ai đứng ra đền bù thiệt hại.

Từ hoãn bay đến hủy ngang

Đầu tiên là chuyến bay QH1037 của hãng Bamboo Airways, ngày 03/12 vừa qua từ Hà Nội đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước ngày bay, hãng này đã một lần thay đổi giờ bay lên 12 giờ 55 ngày 03/12, nhưng sau đó đột ngột nhắn tin... hủy luôn chuyến.

Anh Nguyễn Duy Thành (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) đặt ba cặp vé khứ hồi cho gia đình vợ từ Hà Nội đi Côn Đảo bức xúc: "Tôi bỏ ra 18 triệu đồng, đặt vé cho cả nhà vợ trước cả chục ngày. Không ai có thể ngờ, hãng này hủy "ngang xương" như vậy. Đọc báo thấy hãng này tái cấu trúc nhưng không thể chấp nhận chuyện đột ngột hủy như vậy". Theo thông báo của hãng, anh Thành khốn khổ gọi lên tổng đài, đại lý nhưng chỉ biết ngậm ngùi đợi chờ ba tháng mới được... hoàn tiền vé.

Hãng Bamboo Airways báo hủy bay Tết ngày 07/02/2024

Chuyến bay của một hãng khác ngày 01/12 từ TPHCM đi Đà Lạt cũng hai lần thay đổi giờ bay, làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch của các "thượng đế”. Đầu tiên, chuyến bay này có lịch bay lúc 11 giờ 5 phút từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) tới sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Trước ngày bay 3 ngày, hãng gửi tin nhắn thông báo đổi sang 15 giờ chiều 01/12. Tuy nhiên, trước ngày khởi hành 24 giờ, hãng này đổi sang giờ mới là 18 giờ tối 01/12. Riêng hành trình này, VNE đã làm thất thoát gần sáu tiếng "vàng ngọc" của HK.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) lên tiếng: "Để chuẩn bị cho chuyến bay này, tôi đã có hẹn làm việc với khách hàng lúc 16 - 17 giờ chiều 01/12. Tôi tranh thủ mua vé sớm vào ba ngày cuối tuần trong dịp đầu tháng 12 này, giá vé lên tới 3,2 - 3,5 triệu đồng/cặp. Thế nhưng, thay đổi xoành xoạch giờ bay, nếu 18 giờ tối bay từ TPHCM thì phải đến 20 giờ mới lên tới TP.Đà Lạt lúc đó còn ai làm việc hành chính nữa? Thiệt hại của tôi thì hãng đền bù sao đây, trong khi ai chậm vài phút tại sân bay vì kẹt xe là bị hủy vé, đóng quầy, không được lên máy bay. Thử hỏi như vậy có công bằng không?". Đổi vé sang ngày khác, nữ HK này phải mất tiền phí đổi và phí chênh lệch cả hai chiều, mất thêm hơn một triệu đồng. Tính cả tiền mua vé và phí đổi sang ngày bay mới, chị Thảo mất hơn năm triệu đồng cho hành trình khứ hồi này. Giữa thời buổi khó khăn, số tiền trên là quá lớn dù chuyến bay không phải vào dịp cao điểm Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán.

Chuyến bay QH1037 của hãng Bamboo Airways ngày 03/12 báo hủy

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024, sợ hết vé và giá đắt, nhiều người đã đặt vé sớm cho rẻ. Song mới đây, họ phải "té ngửa" vì hãng bay Vietravel Airlines (VU). Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ Q3) đặt vé từ TPHCM - Bình Định vào trưa 29/12/2023 trước cả tháng để kịp dự đám cưới đứa cháu ở quê vào chiều cùng ngày. Thế nhưng cách đây vài ngày, hãng VU nhắn tin thông báo sẽ đổi lịch bay sang... trưa ngày hôm sau (30/12/2023). Như vậy, số tiền hơn một triệu đồng đặt vé hãng VU kể như mất toi vì anh Bình buộc phải mua vé của hãng bay khác để kịp về tham dự ngày trọng đại của đứa cháu trong gia đình.

"Đau đớn" nhất là nhiều người lo xa, sợ hết vé dịp Tết Nguyên đán nên đã đặt vé của hãng Bamboo Airways từ đầu tháng 11/2023. Đơn cử, anh Nguyễn Trung Dũng (44 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) đặt vé Tết chuyến TPHCM - Bình Định vào ngày 07/02/2024 (28 Âm lịch) cho gia đình 3 người với giá khoảng 7,5 triệu đồng cho một chiều đi. Cách đây vài ngày, hãng này nhắn tin thông báo chuyến bay QH1122 đã bị... hủy. "Tá hỏa" khi công việc cuối năm quá nhiều, anh Dũng loay hoay gọi tổng đài thì được biết, tiền vé sau ba tháng sẽ được hoàn. Việc bây giờ là hành khách này phải tốn thêm một khoản tiền để mua vé của hãng khác.

Cần có chế tài xử phạt hãng bay

Hiện nhiều hãng bay liên tục thông báo lỗ do nhiên liệu tăng giá. Sau đó, họ nhồi nhét khách bằng cách dồn chuyến, hủy chuyến. Việc chậm trễ bay vì lí do bất khả kháng thì "thượng đế” có thể cảm thông, song chuyện đổi giờ bay tới 6 tiếng, 24 tiếng, thậm chí là hủy ngang thì ai phải chịu trách nhiệm?

Dẫn chiếu các quy định của pháp luật về chế tài với các hãng bay, ngày 30/6/2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGTVT sửa đổi các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không, trong đó sửa quy định về nghĩa vụ của hãng hàng không khi chuyến bay bị chậm. Tuy nhiên, thông tư này và các thông tư trước đó dường như "quên lãng" trách nhiệm của hãng bay đối với việc hoãn và hủy chuyến. Các văn bản này quy định việc các hãng bay chỉ cần nhắn tin, thông báo cho HK nhưng chưa đề cập đến trách nhiệm bồi hoàn. Điều này liên tục tạo ra "kẽ hở" khi các hãng bay gom khách, đổi giờ bay (nếu ít khách) chỉ cần thông báo mà không hề bị chế tài xử phạt với chủ sở hữu của hãng bay.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét đưa vào các quy định về mức chế tài đối với việc hoãn/hủy chuyến. Không thể xem nhẹ việc này khi chỉ quy định (nhắn tin) mà không có chế tài, chẳng hạn như quy định đổi vé sang ngày khác không mất phí đối với trường hợp hãng bay hoãn bay, cắt số lượng chuyến bay cố định, thông báo công khai các hãng bay thường hay dời, hủy chuyến để "làm gương", đem lại niềm tin cho "thượng đế”.

An Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/thiet-hai-cua-hanh-khach-ai-chiu-trach-nhiem_156279.html