Tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Israel trước các lựa chọn đáp trả Iran

Giới quan sát cho rằng, Israel phải cân bằng áp lực quốc tế để thể hiện sự kiềm chế, trong khi vẫn cần đưa ra phản ứng thích hợp trước cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có của Iran.

Các lựa chọn của Israel để đáp trả Iran

Israel vẫn chưa thống nhất được cách phản ứng với cuộc tấn công của Iran vào cuối tuần qua, với hơn 300 vật thể bay, gồm 120 tên lửa đất đối đất, 30 tên lửa hành trình và 170 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào lãnh thổ Israel.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiện phải cân nhắc lời kêu gọi của đảng cực hữu về một phản ứng mạnh mẽ trước cuộc tấn công của Iran, nhưng cũng cần xem xét nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu mở rộng cuộc xung đột mà không có sự hỗ trợ của các nước khác.

Một cuộc họp nội các chiến tranh của Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu triệu tập hôm 14/4. Ảnh: AFP

Chính phủ Israel đã trao toàn quyền cho nội các chiến tranh chọn phương án đáp trả phù hợp. Nội các chiến tranh Israel gồm Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng thủ lĩnh đối lập Benny Gantz. Bất chấp áp lực từ các đồng minh lưu ý rằng không leo thang căng thẳng, nội các chiến tranh Israel đang thảo luận về thời điểm và phạm vi phản ứng, hai quan chức Israel am hiểu các cuộc thảo luận nói với CNN.

Theo các nhà phân tích, Israel có ít lựa chọn đáp trả cuộc tấn công của Iran và mỗi lựa chọn đều sẽ phải trả giá, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang ở trong cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza.

Một cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào Iran sẽ tạo ra một tiền lệ khác. Mặc dù Israel được cho là đã tiến hành các hoạt động bí mật ở Iran trong nhiều năm qua, thường nhắm vào các cá nhân hoặc cơ sở được coi là mối đe dọa đối với an ninh của nước này, nhưng chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran.

“Chúng ta đang ở một giai đoạn mới và một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Iran đã cố gắng thay đổi luật chơi với Israel. Có thể sẽ xảy ra nhiều đợt tấn công trực tiếp hơn trong tương lai”, Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho biết.

Theo ông Zimmt, dù kịch bản Israel không đáp trả Iran rất khó xảy ra nhưng Tel Aviv sẽ không tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện ngay lập tức nhằm vào các mục tiêu bên trong Iran, vì Tehran đã tuyên bố sẽ đáp trả bằng một phản ứng lớn hơn cuộc tấn công vào cuối tuần qua.

“Ưu tiên của Israel là tập trung vào việc đạt được các mục tiêu chính ở Gaza chứ không phải mở ra các mặt trận mới”, ông Zimmt cho hay.

Alon Pinkas, cựu nhà ngoại giao Israel, cho biết khó có khả năng Israel sẽ trả đũa bằng cách tấn công trực tiếp vào Iran. “Nhưng nếu điều đó xảy ra, hậu quả sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu bị nhắm đến. Các mục tiêu có thể bao gồm tài sản quân sự hoặc chương trình hạt nhân của Iran. Mỗi mục tiêu đều đại diện cho một mức độ leo thang khác nhau”.

CNN dẫn lời một quan chức Israel ngày 15/4 cho biết, một trong số các lựa chọn quân sự đang được xem xét là tấn công vào một cơ sở của Iran nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Tehran nhưng tránh gây ra thương vong. Quan chức này cho biết thêm, giới chức Israel nhận ra rằng việc lựa chọn đáp trả sẽ rất khó để cân bằng giữa các bên.

Sự ràng buộc của các đồng minh

Tamir Hayman, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Israel, cho rằng, phản ứng của Israel có thể bị hạn chế bởi trên thực tế việc ngăn chặn đòn tập kích của Iran ngày 13/4 vào lãnh thổ Israel có sự tham gia của các đồng minh.

Các cuộc tấn công đã bị ngăn chặn với sự hỗ trợ của các đồng minh bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Jordan.

“Sự hỗ trợ của các đồng minh có hiệu quả và rất quan trọng, nhưng điều này sẽ hạn chế quyền tự do hành động để đáp trả Iran của Israel”, ông Hayman cho biết.

Một chiến đấu cơ Israel chuẩn bị xuất kích từ căn cứ để đánh chặn đòn tập kích của Iran. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel

Các đồng minh phương Tây của Israel đã ngăn cản nước này đáp trả cuộc tấn công của Iran.

Theo các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh quốc gia nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống lại Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tìm cách coi việc Israel đánh chặn thành công cuộc tấn công của Iran là một chiến thắng lớn, với gợi ý rằng phản ứng tiếp theo của Israel là không cần thiết.

Cân nhắc chính trị trong nước

Theo CNN, Israel cũng có thể sẽ tính đến những cân nhắc chính trị trong nước. Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cánh hữu nhất trong lịch sử đất nước, và việc giữ cho chính phủ đó không sụp đổ sẽ cần đến sự ôn hòa của những người theo đường lối cứng rắn.

Thủ tướng Netanyahu đã vấp phải nhiều chỉ trích trong nước vì không thể ngăn chặn cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 và việc nhà lãnh đạo Israel không thể đảm bảo việc thả hơn 100 con tin vẫn còn ở Gaza.

Theo ông Pinkas, bất kỳ quyết định trả đũa nào của Israel sẽ bị ảnh hưởng bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu. Ông nói thêm rằng, dư luận ở Israel không muốn mở thêm một mặt trận nào khác trong bối cảnh quân đội nước này vẫn đang chiến đấu ở Gaza.

“Mọi người vẫn sốc về những gì đã xảy ra trong cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10. Vì vậy, tôi nghĩ công chúng không mong muốn leo thang căng thẳng và mở ra một cuộc xung đột trực tiếp với Iran”, ông Pinkas nói.

Tận dụng sự ủng hộ của quốc tế

Trước cuộc tấn công của Iran vào tuần trước, Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế do chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, nơi hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng. Tuy nhiên, sau đòn tập kích của Iran, các đồng minh đang tập trung vào Israel và quyền tự vệ của họ.

Một số chính trị gia Israel đã kêu gọi nhà nước tận dụng sự ủng hộ đó để thực hiện tấn công đáp trả Iran. Một số người khác kêu gọi Israel tận dụng “sự ủng hộ của đồng minh” để tấn công Tehran hoặc tấn công thành phố Rafah ở Gaza, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn và nơi Israel cho là thành trì cuối cùng của Hamas. Kế hoạch tấn công Rafah của Israel đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối trên toàn cầu.

Chính phủ Israel nhận thức được sự hỗ trợ và thiện chí quốc tế từ các đồng minh và không muốn lãng phí điều đó. Đồng thời, Israel thừa nhận rằng họ không cho phép Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên vào lãnh thổ Israel mà không bị đáp trả.

Hai quan chức Israel nói với CNN rằng, Benny Gantz, thành viên chủ chốt của nội các chiến tranh, đã thúc đẩy phản ứng nhanh chóng hơn trước cuộc tấn công của Iran. Các nguồn tin cho biết, ông Gantz tin rằng Israel càng trì hoãn phản ứng trước cuộc tấn công của Iran thì càng khó thu hút được sự ủng hộ của quốc tế dành cho nước này.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng hành động trả đũa từ Israel khiến căng thẳng leo thang, sẽ chỉ khiến nước này bị cô lập hơn nữa, đặc biệt là với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh mà Israel đang tìm cách bình thường hóa quan hệ.

Rủi ro trong mối quan hệ với các nước Ả Rập

Các quốc gia Ả Rập, bao gồm cả những quốc gia thân thiện với Israel, đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang cuộc tấn công của Iran, nhưng chưa lên án mạnh mẽ hành động này. Israel cho biết hầu hết máy bay không người lái được bắn từ Iran đều bị chặn bên ngoài không phận của nước này. Jordan đã bắn hạ một số UAV và tên lửa của Iran nhắm đến Israel. Jordan giải thích rằng điều này được thực hiện để bảo vệ công dân của mình và đáp lại những hành vi vi phạm không phận của họ.

Tuy nhiên, bất chấp vai trò của mình trong việc bảo vệ Israel, Jordan vẫn không né tránh việc trừng phạt chính phủ Israel. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi dường như ủng hộ quan điểm của Iran cho rằng cuộc tấn công của Tehran là để trả đũa việc Israel tấn công cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus của Syria.

“Tôi nghĩ rằng áp lực đang đè lên Israel là không leo thang và hướng tới mục tiêu mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, đó là giảm leo thang xung đột”, ông Safadi nói, đồng thời cảnh báo rằng Thủ tướng Netanyahu đang tìm cách leo thang căng thẳng với Iran để chuyển trọng tâm ra khỏi cuộc xung đột của Israel ở Gaza.

Israel cũng đang thực hiện sứ mệnh hàn gắn quan hệ với các quốc gia Ả Rập, một số quốc gia nằm đối diện Vịnh Ba Tư với Iran, là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ. Những quốc gia này đã thực hiện một hành động cân bằng giữa mối quan hệ với Iran và với Israel, đồng thời cảnh giác với tác động của một cuộc xung đột toàn diện Iran-Israel đối với sự ổn định và xuất khẩu dầu của chính họ.

“Một cuộc xung đột leo thang có thể làm tăng giá dầu và chặn eo biển Hormuz là điều các quốc gia vùng Vịnh không mong muốn nhất lúc này”, ông Pinkas nói, cho biết thêm rằng mối quan hệ với các quốc gia này có thể bị ảnh hưởng nếu Israel bị coi là nguyên nhân dẫn tới sự leo thang này.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tinh-the-tien-thoai-luong-nan-cua-israel-truoc-cac-lua-chon-dap-tra-iran-post1089450.vov