Tình thế khó khăn của Saudi Arabia ở Trung Đông

Sau gần 10 năm tham chiến ở Yemen, Saudi Arabia đang muốn làm giảm căng thẳng trong cuộc xung đột này. Tuy nhiên, những cuộc tấn công mới đây của Mỹ và Anh nhắm vào phiến quân Houthi đã đẩy Saudi Arabia vào tình thế khó khăn.

Tàu chở hàng Galaxy Leader về tới cảng ở tỉnh Hodeida, Yemen, ngoài khơi Biển Đỏ sau khi bị lực lượng Houthi bắt giữ. Ảnh: AFP

Nhìn lại nét chính về cuộc xung đột ở Yemen, năm 2014, lực lượng nổi dậy Houthi đánh chiếm phần lớn đất nước. Năm 2015, Saudi Arabia dẫn đầu liên quân các nước Arab tham chiến bảo vệ Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận chống lại Houthi. Sau đó, Houthi bị đẩy lùi và cát cứ phần lớn miền Bắc đất nước. Đến nay, nội chiến Yemen dai dẳng và gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Những tháng gần đây, trong bối cảnh an ninh Trung Đông leo thang căng thẳng, Houthi đã “châm ngòi” hàng chục cuộc tấn công nhắm vào các tàu vận tải hàng hải trên Biển Đỏ. Trước sự uy hiếp nghiêm trọng của Houthi, ngày 11/1, Mỹ và Anh đã khai hỏa đáp trả, sử dụng hơn 100 tên lửa dẫn đường tấn công vào 28 địa điểm và 60 mục tiêu Houthi ở Yemen. Vụ tập kích này được nhận định là lần đầu tiên Mỹ tấn công Houthi tại Yemen kể từ năm 2016.

Trong một tuyên bố chung, liên minh Mỹ, Anh, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc nhấn mạnh, mục đích tấn công Houthi là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ. Đồng thời khẳng định sẵn sàng hành động để đảm bảo dòng chảy thương mại tự do tại Biển Đỏ vốn là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Ở chiều đối địch, Houthi tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ và Anh sau vụ tấn công ngày 11/1.

Được xem là “anh cả” của liên quân Arab trong cuộc chiến chống Houthi ở Yemen, Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành động của Mỹ và Anh. Đồng thời kêu gọi các bên tự kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng.

Nhiều nhận định từ giới chuyên gia cùng chỉ ra rằng, những diễn biến vừa qua đang đẩy Saudi Arabia vào tình thế khó khăn. Bà Anna Jacobs - nhà phân tích cấp cao vùng Vịnh của tổ chức nghiên cứu nhóm khủng hoảng quốc tế cho rằng, lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Saudi Arabia đang gặp trắc trở.

Những bất ổn an ninh ở Trung Đông từ tháng 10/2023 đến nay còn chưa định hình được hướng giải quyết hữu hiệu thì đã nảy sinh thêm những diễn biến phức tạp giữa Houthi và các cường quốc. Trong khi hy vọng xây dựng một nền hòa bình bền vững ở khu vực được xem là yếu tố cốt lõi trong chương trình nghị sự Tầm nhìn 2030 về cải cách kinh tế và xã hội của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Trong Tầm nhìn này, Biển Đỏ là điểm "mấu chốt" để đổ nguồn lực đầu tư mạnh mẽ phát triển du lịch, đưa Saudi Arabia đột phá thành một điểm đến hàng đầu thế giới.

Thực tế thời gian gần đây, tham vọng này đã thúc đẩy Saudi Arabia tiến hành các chính sách đối ngoại trọng tâm hướng tới việc chấm dứt hoạt động quân sự ở Yemen. Các nỗ lực của Saudi Arabia đã từng đạt được những thành tựu, đáng chú ý nhất phải kể đến là Saudi Arabia và Iran đạt được thỏa thuận bất ngờ về việc nối lại quan hệ vào tháng 3/2023. Một thành tựu quan trọng hàng đầu ở Yemen là các lệnh ngừng bắn lần đầu tiên có hiệu lực vào tháng 4/2022 và hầu như được duy trì đến nay dù đã hết hiệu lực từ tháng 10/2022.

Bối cảnh nhiều triển vọng đó dường như đã bị Houthi "giáng đòn" mạnh, tạo ra bài toán nan giải cho Saudi Arabia. Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Saudi Arabia. Trong tháng trước, Mỹ đã công bố sáng kiến an ninh hàng hải có tên gọi Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng nhằm bảo vệ Biển Đỏ với sự ủng hộ của hơn 20 quốc gia. Dù là đồng minh quan trọng, song Saudi Arabia đã không ký kết tham gia chiến dịch này.

Có thể nhận định, Saudi Arabia đang rất khó xử, khi chưa thể đưa ra lựa chọn. Một mặt, Saudi Arabia rất lo ngại về vấn đề an ninh của tuyến hàng hải ở Biển Đỏ. Mặt khác, Saudi Arabia ở "thế kẹt" vì các cuộc hòa đàm Yemen trong lộ trình khai mở tham vọng hòa bình bền vững của mình. Tình thế ngặt nghèo này được xem là nguyên nhân quan trọng khiến Saudi Arabia đang phải đứng ngoài các hoạt động của liên minh do Mỹ đứng đầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-the-kho-khan-cua-saudi-arabia-o-trung-dong-post471619.html