Tinh thần tương thân, tương ái của Công an nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ quốc tế cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Công an Việt Nam đã phát hiện và phối hợp các lực lượng quốc tế giải cứu thành công nạn nhân 14 tuổi trong đống đổ nát.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đang triển khai nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đang triển khai nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

Kết quả đầu tiên trong nỗ lực cứu nạn, cứu hộ

Sáng sớm 11-2 (theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ), Đội cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đã tiếp cận hiện trường là tòa nhà bị đổ sập ở đường 531, Adiyaman Merkez tại thành phố Adiyaman, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông báo của Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, có 15 người bị mắc kẹt trong đống nát của tòa nhà. Adiyaman là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa động đất hôm 6-2. Đây là thành phố mà Đội cứu nạn, cứu hộ công an Việt Nam được Ban tổ chức phân công tìm kiếm cứu nạn người dân trong khu vực sập đổ.

Với việc sử dụng thiết bị chuyên dụng của Việt Nam và sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của nước bạn như máy xúc, máy đào, Đội cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đã tiến hành công việc dọn dẹp sạch hiện trường, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm và gây sập thứ cấp. Sau khi sử dụng camera dò tìm phát hiện bằng hình ảnh, âm thanh, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã phát hiện dấu hiệu của sự sống trong khu vực sập đổ.

Đến tối cùng ngày, cùng với lực lượng quân đội của Pakistan cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường, lực lượng cứu nạn, cứu hộ công an Việt Nam đã đưa được 1 nạn nhân 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát trong cảm xúc vỡ òa của người thân nạn nhân và của các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.

Đây là kết quả đầu tiên trong nỗ lực của lực lượng cứu nạn, cứu hộ công an Việt Nam, thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao và tình tương thân, tương ái với người dân Thổ Nhĩ Kỳ gặp nạn. Để đến được hiện trường, lực lượng công an Việt Nam đã phải rất vất vả. Do đi lại khó khăn và phải vận chuyển 15 tấn thiết bị chuyên môn nên Đội cứu nạn, cứu hộ đã phải chia thành hai nhóm để di chuyển. Sáng sớm 10-2, ngay sau khi tới sân bay Istanbul, Đội phải bay tiếp đến thành phố Adana. Tiếp đó, do thời tiết có tuyết rơi và đường trơn trượt, Đội phải mất thêm 10 tiếng nữa mới tới được thành phố Adiyaman, cách sân bay Adana 300km, để thực hiện nhiệm vụ theo sự sắp xếp của Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình thực địa tại Adiyaman vô cùng khó khăn vì nhiệt độ giảm sâu đến âm 6 độ C, thêm vào đó các tòa nhà bị sập vẫn tiếp tục đổ xuống. Nếu như không có kế hoạch tỉ mỉ thì chính lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ gặp nguy hiểm. Nhận định nếu không lên phương án cụ thể sẽ rất dễ gặp tai nạn bởi tại nơi này, những tòa nhà có nền móng và kết cấu rất yếu, sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào, Đội cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành trinh sát rất tỉ mỉ, lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Tinh thần của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an Việt Nam là cố gắng tìm kiếm những người còn sống sót bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ngoài việc chính là cứu nạn, cứu hộ, các thành viên của đoàn công tác sẽ thực hiện các nhiệm vụ y tế khác theo sự điều phối của Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Thách thức trong nỗ lực chăm sóc nạn nhân trận động đất

Tính đến ngày 12-2, chiến dịch của các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn quốc tế tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của trận động đất đã bước sang ngày thứ 6. Theo các quan chức và nhân viên y tế, trận động đất đã làm 24.617 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.574 người thiệt mạng ở Syria. Tổng số người thiệt mạng đã được xác nhận đến ngày 12-2 là 28.191 người. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths, số người thiệt mạng có thể “tăng gấp đôi hoặc hơn”, so với con số hơn 28 nghìn người ở thời điểm hiện tại.

Hiện vẫn có hàng chục nghìn người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tích cực đào bới các đống đổ nát trong thời tiết lạnh giá tìm kiếm người mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo cơ quan ứng phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 32 nghìn người từ các tổ chức ở nước này đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Công tác cứu nạn, cứu hộ còn có sự tham gia của gần 8.300 nhân viên cứu hộ quốc tế. Mặc dù hy vọng tìm kiếm người sống sót ngày càng mong manh nhưng vẫn có những trường hợp sống sót thần kỳ, thắp lên tia hy vọng cứu thêm được người mắc kẹt dưới những đống đổ nát.

Trong một thông báo trên trang mạng Twitter, ông Martin Griffiths cho biết, công tác tìm kiếm và cứu hộ sẽ sớm kết thúc để tập trung cho nỗ lực chăm sóc số lượng lớn nạn nhân bị ảnh hưởng của động đất trong những tháng tới. Liên hợp quốc cho hay, ít nhất 870 nghìn người trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang rất cần thức ăn nóng để giữ ấm. Trong khi đó, riêng ở Syria, 5,3 triệu người có thể đã bị mất nhà cửa. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, gần 26 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất, với 15 triệu người bị ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 11 triệu người ở Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá. Trong đó, hơn 5 triệu người được coi là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, bao gồm gần 350.000 người cao tuổi và hơn 1,4 triệu trẻ em.

WHO ước tính rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 4.000 tòa nhà bị sập trong trận động đất, 15 bệnh viện thiệt hại một phần hoặc thiệt hại nặng nề. Còn ở Syria, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bị tàn phá sau 12 năm nội chiến, ít nhất 20 cơ sở y tế trên khắp vùng Tây Bắc nước này bị ảnh hưởng lớn, trong đó có 4 bệnh viện đã hư hại nặng. WHO cảnh báo điều này khiến cho việc giúp đỡ hàng chục nghìn người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các cơ sở cứu chữa khẩn cấp quá tải bệnh nhân chấn thương, các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng. WHO cũng nhấn mạnh tới sự cấp thiết của việc chăm sóc những người bị chấn thương, chăm sóc phục hồi sau chấn thương, cung cấp các loại thuốc thiết yếu, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thì cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Liên hợp quốc cho biết, gần 900 nghìn người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần thực phẩm. Trước những khó khăn mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt, WHO đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo, phía Bắc của Syia, trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất. Người đứng đầu WHO cũng ủng hộ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria trong 180 ngày để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai. Truyền thông Syria đưa tin chính phủ nước này đã cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực ảnh hưởng hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xúc tiến mở thêm 2 tuyến đường cứu trợ mới đến các địa phương này của Syria.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tinh-than-tuong-than-tuong-ai-cua-cong-an-nhan-dan-viet-nam-tai-tho-nhi-ky-post530833.antd