Tinh thần thép của cựu chiến binh nuôi mẹ già và 2 đứa cháu bất hạnh

Dù đã gần đến cái tuổi “cổ lai hy” nhưng ngày nào ông Lê Chí Khăng (SN 1950, ngụ tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng đi làm công việc bảo vệ tại một cơ quan từ rất sớm. Phía sau khuôn mặt khắc khổ của người lính già đó có biết bao chuyện đau lòng đã xảy ra, nhưng dù khó khăn đến mấy thì cũng không làm ông chùn bước, bởi ông còn có mẹ già phải báo hiếu và 2 đứa cháu bất hạnh cần bàn tay ông che chở...

Ông Khăng vẫn tận hiếu phụng dưỡng mẹ già

Tận trung đầu chiến tuyến...

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa, chưa đầy 18 tuổi, ông Khăng đã tình nguyện nhập ngũ để được ra chiến trường giết giặc lập công, góp phần giữ gìn bờ cõi tổ quốc. Ngày đó, ông Khăng cùng những bạn bè đồng trang lứa được phân công nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên.

Đến năm 1969, ông Khăng được chuyển về công tác tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 559, đặt tại phía Tây tỉnh Quảng Bình. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tiếp tân. Chàng trai mới hơn 20 tuổi đó bằng sự tận tụy và trung thành của mình đã nhanh chóng được các vị lãnh đạo tin tưởng.

Nhớ lại thời gian trên, ông kể: “Có đợt, đơn vị tiếp đoàn khách bao gồm 4 vị lãnh đạo cấp cao, tôi được giao nhiệm vụ làm nước chanh phục vụ đoàn. Khi tôi vừa bưng nước lên thì nghe đồng chí Võ Chí Công nói với bác Võ Nguyên Giáp: “Nước này anh uống được đấy”.

Qua đó, tôi hiểu bản thân mình đã được tin tưởng nhiều như thế nào. Vì vậy, tôi đã cảm thấy rất vui sướng và tự hào, từ đó tôi tự dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Đầu năm 1971, cục diện chiến tranh có nhiều biến chuyển, ông Khăng được điều về chiến đấu tại một đơn vị pháo binh bảo vệ đường 9 - Nam Lào. Cũng trong đợt tiến quân vào giải phóng thị xã Saravan (Lào), ông đã bị thương bởi những mảnh pháo văng vào đầu, mí mắt và xương sườn.

May mắn thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng cũng từ đó người chiến sĩ trẻ đã phải mang thương tật vĩnh viễn. Dù vậy, bằng tinh thần quật cường và ý chí của tuổi trẻ, ông vẫn xin ở lại để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội của mình.

Sau 3 năm, ông Khăng được chuyển về Sư đoàn 968, đóng trên địa phận huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Tại đơn vị mới, ông làm nhiệm vụ nghi binh hỗ trợ các đơn vị hỏa lực bao vây để giải phóng Buôn Ma Thuột, tạo bàn đạp tiến quân xuống tỉnh Bình Định, giải phóng sân bay Phù Cát...

Kế hoạch trên thành công, ông Khăng lại cùng đơn vị tiến vào giải phóng sân bay Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), rồi hành quân lên Phú Yên giải phóng sân bay Đông Tác (hiện là sân bay Tuy Hòa). Đầu năm 1975, ông Khăng cùng đồng đội hành quân vào chiến trường Ninh Thuận, Bình thuận đánh trận cuối cùng, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ông Khăng xót xa ôm người cháu tật nguyền vào lòng

Sau ngày thống nhất đất nước, người lính cụ Hồ ấy lại nhận nhiệm vụ mới, hành quân về Đắk Lắk để đóng quân ở làng Hà Lan (thuộc thị xã Buôn Hồ hiện nay). Đến tháng 12/1976, tình hình biên giới trở nên phức tạp, đơn vị ông Khăng được lệnh rời về xã Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) làm nhiệm vụ. Đóng quân tại đó đến tháng 03/1978, ông Khăng chính thức ra quân phục viên, trở về quê nhà tại huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa).

Kết thúc chặng đường hơn 10 năm trải qua khắp các chiến tuyến lửa đạn, ông Khăng không nhớ nổi mình đã trải qua bao phen nguy nan. Mỗi lần bị thương, nhẹ thì để cho vết thương tự lành, nặng thì chữa trị vài ngày. Khi vết thương chưa kịp lành hẳn, ông đã vội đứng lên ra chiến trường hỗ trợ đồng đội chiến đấu với kẻ thù.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Khăng tâm sự: “Hồi đó, trên chiến trường khốc liệt, mấy anh em dù mỗi người một quê nhưng rất đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Anh em chiếc quần mặc chung, chia nhau viên thuốc chữa đau, nhường nhau hầm trú ngụ lúc bom rơi đạn lạc. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường ngồi tâm sự về gia đình, chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Tin tưởng vào cách mạng, vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng tôi cống hiến tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho tổ quốc là cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện rồi, nào ai có ý nghĩ sau này sẽ được hưởng chế độ tri ân hay bất cứ lợi lộc gì. Anh em đồng chí chỉ biết động viên nhau, sống được ngày nào sẽ chiến đấu đến ngày đó, hứa hẹn ngày hòa bình sẽ tới thăm nhau mà thôi...”.

...Tận lực giữa thời bình

Trong một lần được cấp trên cho nghỉ phép về quê, ông Khăng được gia đình tổ chức đám cưới với cô gái trong làng. Sau 20 năm chung sống, vợ chồng ông có được với nhau 3 người con thì không may bà qua đời vì căn bệnh ung thư máu. Buồn bã trước những mất mát ập xuống bất ngờ, ông Khăng vẫn phải gạt nước mắt, bôn ba khắp nơi để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Đến năm 1992, ông mua được một mảnh đất ở Nha Trang, dựng tạm căn nhà nho nhỏ đón các con vào ở cùng để tiện chăm sóc. Sau ngày vợ qua đời, vì quá bộn bề với cảnh “gà trống nuôi con” mà ông Khăng cũng chẳng tính đến chuyện đi bước nữa, ông tự ti sẽ chẳng có ai có thể đem lòng gá duyên với một người thương binh, lại một nách nuôi 3 đứa con như ông cả.

Trong một chuyến đi trở lại chiến trường xưa ở tỉnh Đắk Lắk, qua bạn bè giới thiệu ông Khăng đã quen biết và có tình cảm với một nữ chuyên viên làm việc trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trước đây, đối mặt với hiểm nguy, bom đạn ông vẫn dũng cảm coi như không, vậy mà khi đối mặt với người phụ nữ đó thì ông lại hơi chùn bước vì mặc cảm tự ti.

Những huân chương và bằng khen của vợ chồng ông Khăng

Thế nhưng, khi nhận ra tình cảm của ông dành cho mình, người phụ nữ đó đã nói một câu hết sức chân thành: “Các bà mẹ Việt Nam còn có thể hy sinh con cái để chiến đấu với quân xâm lược, cớ gì em là một người lính cách mạng lại đi ghét bỏ các cháu, huống hồ đấy lại là con anh?”.

Trước tấm chân tình đó, ông Khăng đã quyết định bán hết đất đai ở Nha Trang, dành tiền xây dựng một tổ ấm nho nhỏ ở thành phố Buôn Ma Thuột, phần còn lại ông mua một mảnh rẫy cà phê để cải thiện cuộc sống. Những tưởng từ đây, ông sẽ có được những tháng ngày yên ấm nhưng rồi tai họa vẫn tiếp tục tìm tới không chịu buông tha cho người lính già.

Năm 2010, cô con gái thứ 2 của ông Khăng qua đời vì căn bệnh ung thư máu. Nỗi đau mất con một lần nữa khiến ông bị suy sụp tinh thần đi nhiều. Thương cháu ngoại mồ côi mẹ, ông Khăng đón cháu về ở cùng để nuôi dưỡng cho đến nay. Ngoài ra ông Khăng còn đang phụng dưỡng mẹ già 92 tuổi, giữa lúc bộn bề đó, đứa cháu nội của ông lại bất ngờ bị biến chứng ngay sau khi sinh, phải sống cảnh thực vật từ lúc chào đời đến nay.

Nghe ông kể lại những thăng trầm của cuộc đời mình bằng một chất giọng trầm trầm, bình ổn, dường như chúng tôi cảm thấy có một chút gì đó nghèn nghẹn trong lòng. Người đàn ông đó đã cống hiến xương máu của mình cho đất nước trong chiến tranh, giờ đây ông lại tiếp tục gồng mình gánh lấy trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già và những đứa cháu bất hạnh... vậy nhưng ông không hề oán trách, ông coi đó như bổn phận và trách nhiệm của bản thân.

Dù tuổi đã ngoài lục tuần, sức khỏe đã không còn tốt như thời trai trẻ nhưng ông Khăng vẫn xin làm bảo vệ cho một cơ quan hành chính nhà nước để kiếm thêm tiền mua sữa cho cháu và phụng dưỡng mẹ già. Được biết, công việc của ông chia theo ca nên những lúc không đi làm ông có thể xoay xở để chăm lo cho gia đình gồm 4 thế hệ của mình.

Bản thân là thương binh hạng 4/4, dù muốn bù đắp thật nhiều cho các con, các cháu nhưng tuổi đã cao, sức cũng đã yếu, ông Khăng chỉ biết tận lực, tận tâm với con cháu, tận hiếu với người mẹ già.

Nói về người cháu nội phải sống đời sống thực vật 7 năm nay, ông cho biết cũng bấy nhiêu đó thời gian trong lòng ông cảm thấy như lửa đốt, đến giấc ngủ cũng bị ám ảnh.

Là một người cha, ông thấu hiểu cảm giác của con trai ông khi phải chứng kiến con mình phải sống cảnh thực vật như vậy, đến một tiếng gọi mẹ, gọi cha cũng chưa bao giờ cất lên nổi. Những lúc này, ông chỉ biết nguyện cầu cho đứa cháu nội bất hạnh: “Giá như có một phép mầu...”.

Tố Uyên – Tự Lập

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/tinh-than-thep-cua-cuu-chien-binh-nuoi-me-gia-va-2-dua-chau-bat-hanh-299010.html