'Tĩnh không' của Nguyễn Tuấn - một tiếng đàn không dây

Mỗi bức tranh được treo tại 'Tĩnh không' là mỗi góc nhìn tinh tế nhờ trải nghiệm độc đáo, đầy cảm hứng của tác giả khi tiếp xúc và trực họa với nhiều nghệ nhân danh tiếng.

Sáng 9.9, triển lãm cá nhân mang chủ đề Tĩnh không của họa sĩ Nguyễn Tuấn đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với gần 30 tác phẩm sơn dầu và giấy dó vẽ người chơi nhạc cụ dân tộc. Các tác phẩm như đưa người xem lạc vào thế giới văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Mỗi bức tranh được treo tại Tĩnh không là mỗi góc nhìn tinh tế nhờ trải nghiệm độc đáo, đầy cảm hứng của tác giả khi tiếp xúc và trực họa với nhiều nghệ nhân danh tiếng.

Các bạn trẻ đến với triển lãm “Tĩnh không” của họa sĩ Nguyễn Tuấn. Ảnh: Quốc Ngọc

“Là không gian mà ở đó ta để cho cảm xúc dắt lối. Khi chúng ta làm công việc gì đạt được cảm hứng tột cùng thì chính là phiêu du trong một cõi riêng, tôi gọi nó là tĩnh không, hay có thể hiểu không gian của tâm trí ở một chiều khác. Người nghệ sĩ đắm chìm trong tác phẩm mà họ tạo ra, không còn bị ảnh hưởng bởi thế giới quan, lúc đó họ chỉ còn cái tôi mà thôi. Điều đó giống như ta thiền vậy, tạo ra một mạch chảy liên tục xóa nhòa thực thể xung quanh”, Nguyễn Tuấn trải lòng trong lần triển lãm cá nhân thứ hai của mình.

Trong quá trình tìm tòi sáng tạo vẽ về nghệ thuật dân gian, anh đã học và tiếp cận những nghệ nhân, nghệ sỹ danh tiếng để cùng hòa mình cảm nhận được thần thái và sự thăng hoa trong lúc chơi đàn của họ. Càng tìm đến, họa sĩ càng cảm hứng bất tận, càng đi sâu vào để rồi anh khám phá ra nhiều triết lý, bài học cuộc sống ẩn giấu trong những nền tảng văn hóa.

“Nguyễn Tuấn đã bắt được cái thần của nghệ nhân chơi nhạc cổ truyền, khiến khách tri âm không chỉ lắng tai mà còn phải lắng lòng mới thấu cảm được tâm tư của người đàn. Điều khác biệt là với nghệ sĩ chơi đàn cổ điển Tây phương phải mở mắt ra để nhìn nốt nhạc theo tinh thần tác phẩm của tác giả thì người chơi nhạc cổ truyền thường nhắm mắt lại để diễn tấu lên nỗi lòng của chính mình. Họa sĩ đúng là rất tinh tế với những bức họa tiếng đàn của người xưa”, danh cầm Vĩnh Tuấn-Duyệt Thị Trang nhận xét.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn dành tặng bức Nguyệt trong bộ tranh Tĩnh không cho chương trình “Nụ cười đêm trăng” nhằm gây quỹ tổ chức đêm Trung thu cho trẻ mồ côi tại TP.HCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Sự độc đáo trong các bức họa người chơi đàn của Nguyễn Tuấn là đôi bàn tay lướt trên những cung phím không dây. Qua ánh sáng hội họa, những tiếng đàn không dây đó lại có thể đưa cái thinh lặng thành cái có thể tiếp nhận được. Triển lãm Tĩnh không đánh dấu bước ngoặt đầy táo bạo của họa sĩ Nguyễn Tuấn quá trình phát triển hội họa hiện đại. Đây là một hành trình tinh thần cho phép người thưởng lãm dạo chơi với từng chi tiết trong các tác phẩm một cách tự nhiên nơi một không gian nghệ thuật được bài trí không theo khuôn khổ.

Sự đa dạng, sống động trong từng nét vẽ, mảng màu khiến người xem có cảm giác vừa lạ vừa quen với những danh cầm, nghệ nhân đang đắm mình trong âm nhạc. Chủ đề độc đáo cùng khả năng sáng tạo với chất liệu, triển lãm thu hút sự chú ý từ cộng đồng nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn vừa vẽ vừa kéo đàn để hoàn thành một trong các bức tranh được treo tại triển lãm Tĩnh không. Ảnh: Quốc Ngọc

“Xem tranh của Tuấn tôi không bị hút vào thiền ngay từ lúc đầu mà nó ngấm dần, ngấm dần theo trí tưởng tượng. Tuấn quá giỏi trong việc đánh lừa cảm xúc. Những mảng màu, những nhân vật, những tư thế cầm đàn, kéo nhị… được anh thể hiện quá sinh động và chân thật hút người ta vào lớp ngoài của bức vẽ. Người xem cứ thế trôi theo những tư thế của khuôn mặt, ánh mắt, bàn tay và cố tưởng tượng những sợi dây đàn bị anh cố tình sót thiếu”, nhà báo Đỗ Hồng Cường chia sẻ.

Bộ tranh Tĩnh không là kết quả của năm năm lao động nghệ thuật đầy tâm huyết của họa sĩ Nguyễn Tuấn góp phần gìn giữ văn hóa dân gian.

Triển lãm được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày 9.9 và kéo dài đến 15.9.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tinh-khong-cua-nguyen-tuan-mot-tieng-dan-khong-day-40908.html