Tính hai mặt của vay ngoại tệ

(TBKTSG) - Trong những tháng đầu năm 2010, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao trong khi tín dụng nội tệ lại tăng thấp. Cụ thể, cho vay bằng ngoại tệ tháng 5-2010 tăng 3,16% so với tháng trước và tăng trên 20% so với cuối năm 2009. Trong khi đó cùng thời gian này, tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng chỉ có 1,53% so với tháng trước, mặc dù đây là mức tăng cao nhất trong năm tháng qua.

Văn Thanh Với lãi suất cho vay đô la Mỹ tại các ngân hàng phổ biến ở mức 5,5-7%/năm, thậm chí một số ngân hàng đưa ra lãi suất ưu đãi 3,5-4,5%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp thân quen, cộng với mức trượt giá khoảng 4-6%/năm, thì việc vay đô la Mỹ ở thời điểm này hoàn toàn có lợi, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào. Lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn lãi suất cho vay tiền đồng và việc mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ theo Thông tư số 25 ngày 15-12-2009 của Ngân hàng Nhà nước đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một nguyên nhân khác là do hoạt động vay vốn ngoại tệ rồi chuyển hóa thành tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất (carry trade), diễn ra chủ yếu giữa các ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu vì những doanh nghiệp này có nguồn thu bằng ngoại tệ (còn các doanh nghiệp nhập khẩu tỏ ra rất thận trọng khi vay ngoại tệ vì lo ngại rủi ro tỷ giá và khả năng ngân hàng không có nguồn ngoại tệ để bán cho họ khi phải trả nợ). Bên cạnh đó, hiện dòng vốn chảy vào Việt Nam có xu hướng tăng do kinh tế thế giới hồi phục, qua đó cũng góp phần làm tăng lượng cung ngoại tệ trong nước. Mặt khác các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang dư thừa ngoại tệ. Hơn nữa, tỷ giá đô la Mỹ trong năm nay sẽ không có nhiều biến động do kinh tế Mỹ phục hồi yếu ớt với mức thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức cao và Ngân hàng Trung ương Mỹ cam kết tiếp tục duy trì mức lãi suất chuẩn trong giới hạn 0-0,25%. Tuy nhiên, biến động xấu về tỷ giá ở thị trường trong nước vẫn có thể xảy ra do mất cân đối cung cầu ngoại tệ và khả năng trượt giá của đồng đô la Mỹ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp vay đô la Mỹ rồi đổi sang tiền đồng để sản xuất kinh doanh phải rất thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Mặt bằng lãi suất tiền đồng đang có xu hướng giảm theo chỉ đạo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng đang tăng dần. Nếu lãi suất tiền đồng giảm sâu và đột ngột, thì hiệu quả của carry trade cũng biến mất. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ đua nhau mua đô la để trả nợ vay, làm quan hệ cung cầu căng thẳng và giá ngoại tệ tăng cao. Nếu thị trường chứng khoán ảm đạm và các yếu tố hỗ trợ cho sự đào thoát vốn tăng lên, thì rủi ro này sẽ gia tăng do doanh nghiệp không thể vay được đủ lượng ngoại tệ cần thiết để hoàn trả nợ vay, khi đó rủi ro của doanh nghiệp chuyển thành nguy cơ rủi ro đối với ngân hàng. Đối với nền kinh tế, khi tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn thì đó là một thị trường không lành mạnh, phản ánh nền kinh tế bị đô la hóa ở mức cao và khó kiểm soát. Mặc dù, lượng ngoại tệ tại các NHTM và dòng vốn vào Việt Nam hiện nay được coi là tạm đủ để trang trải cho các nhu cầu thanh toán, nhưng giá trị nhập siêu tiếp tục cao là yếu tố tác động tiêu cực lên cân đối tài khoản vãng lai. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm tháng đầu năm đạt trên 4,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng phần nhiều là hàng hóa và trang thiết bị sản xuất kinh doanh. Đây là những yếu tố mà các cơ quan quản lý cần theo dõi và có những động thái phù hợp để tránh lặp lại tình trạng như đầu năm 2008. Khi đó, nguồn ngoại tệ tăng đột biến, các NHTM miễn cưỡng, và đôi lúc từ chối mua vào, khiến đồng Việt Nam tăng giá.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/taichinh/tiente/36525/