'Tinh gọn bộ máy: Nếu không chung nhận thức sẽ dễ dẫn tới bất ổn'

'Từ trước tới nay, Nhà nước ta tổ chức theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp, nghĩa là Nhà nước làm tất cả. Chẳng hạn Nhà nước sản xuất, làm văn hóa nghệ thuật, làm khoa học, giáo dục, chữa bệnh… nên bộ máy phình to là điều dễ hiểu', GS-TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia HCM) nói khi trao đổi với Dân Việt.

GS -TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia HCM. (Ảnh: Lương Kết)

Phải cương quyết, nhưng thận trọng

Mới đây Hội Ban chấp hành T.Ư lần thứ 6 khóa XII đã thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. GS đánh giá thế nào về quyết tâm của Đảng trong việc cải cách bộ máy?

- Cải cách bộ máy là vấn đề chúng ta đã đề cập từ lâu. So với quốc gia có đến hơn 300 triệu dân như Hoa Kỳ hay hơn 165 triệu dân như Nhật Bản hoặc một số quốc gia khác, có thể thấy bộ máy hành chính của ta rất cồng kềnh.

Cách tổ chức “bộ máy hành chính” của chúng ta không thuần túy là bộ máy hành chính nhà nước. Gồm có bộ máy của Đảng, bộ máy Nhà nước, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội… Chúng ta nói đến cải cách hành chính, tinh giản bộ máy từ rất lâu, Chương trình tổng thể về cải cách hành chính (2011 - 2020) đang được thực hiện. Tuy nhiên có thể thấy qua nhiều năm thực hiện cải cách hành chính nhưng bộ máy vẫn không được tinh giản, thậm chí tăng lên.

Đây là vấn đề có nguyên nhân lịch sử, chứ không chỉ đơn giản vì ai đó muốn bộ máy to hay nhỏ. Có hai nguyên nhân về nhận thức có tính lịch sử. Một là: Trước đây chúng ta tổ chức ra bộ máy để làm cách mạng giải phóng dân tộc rồi cách mạng XHCN. Nên biên chế, tổ chức bộ máy từ trong cách mạng giải phóng dân tộc, như thế nào khi chuyển sang cách mạng XHCN vẫn giữ như vậy, gồm bộ máy của Đảng, bộ máy Nhà nước, bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…

Thứ hai, trong tư duy của mô hình nhà nước tập trung - quan liêu - bao cấp, nhà nước đều phải làm tất cả, bao cấp tất cả, chịu trách nhiệm tất cả, từ sản xuất, kinh doanh, đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ giáo dục đến nghiên cứu khoa học, chữa bệnh; từ việc sinh đến việc tử… Bộ máy do vậy lớn là đương nhiên.

Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý điều hành và phục vụ người dân tốt hơn. (Ảnh minh họa)

GS có nói yếu tố lịch sử trong việc tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, đến nay cần phải có sự thay đổi về nhận thức?

- Trước hết phải đổi mới nhận thức về bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là bộ máy của cơ quan công quyền. Tức là nó duy trì trật tự chung, điều hành hoạt động chung, bảo vệ đất nước khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Nói cách khác, nhà nước chỉ làm chức năng quản lý xã hội nói chung, chứ không làm và không thể làm thay thị trường và xã hội. Như vậy, nhà nước chỉ kiến tạo, quản lý chứ không đi kinh doanh kiếm lời, không đi sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, không di dạy học, không đi chữa bệnh…

Cũng phải nói thêm rằng, để giúp vào việc kiến tạo và quản lý có hiệu quả, nhà nước có thể tổ chức ra một số doanh nghiệp “quốc doanh”, một số đơn vị sự nghiệp ta gọi là “công lập”…

Như vậy, nhà nước chỉ kiến tạo, quản lý chứ không đi kinh doanh kiếm lời, không đi sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, không di dạy học, không đi phát minh, không đi chữa bệnh…

Những doanh nghiệp, những đơn vị này chỉ vừa đủ, tôi nhắc lại, chỉ vừa đủ, để giải quyết ba việc: Một là, chúng thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt cần thiết cho việc thực hiện chức năng công quyền mà thị trường và xã hội không thể đáp ứng tốt.

Ngoài ra, phải giúp hoàn thiện, lấp đầy chỗ trống, kết nối các mắt xích của hệ thống cung cấp dịch vụ công của nhà nước cho người dân. Ba là, chúng làm những việc không thể không làm, nhưng thị trường và xã hội không làm hoặc làm kém.

Như vậy về nguyên tắc, tổ chức nào, doanh nghiệp nào, đơn vị nào không thuộc dạng trên thì phải “tinh giản”. Tinh giản bằng cách: Cắt bỏ nếu nó không thuộc chức năng; sát nhập nếu trùng chức năng; cổ phần hóa và xã hội hóa để chuyển từ nhà nước trực tiếp làm sang cho doanh nghiệp làm, xã hội làm. Nhà nước chỉ quản lý bằng pháp luật và chính sách.

Tuy nhiên để làm được như vậy, để thay đổi là rất khó, thậm chí nếu làm không khéo dẫn đến sự đảo lộn xã hội, thậm chí dẫn tới bất ổn định chính trị - xã hội. Chính vì thế phải cương quyết, nhưng như Tổng Bí thư nhiều lần nói làm gì cũng phải thận trọng, có bước đi phù hợp, có bài bản.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn. (Ảnh: Lương Kết)

Đừng cài lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong cải cách để kiếm chác

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn sẽ có sự tác động tới đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước, theo GS làm sao để những người trong cuộc này ủng hộ?

- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn biên chế khi triển khai sẽ động chạm đến lợi ích của cá nhân cũng như tổ chức.

Trước hết nói về bộ máy Đảng. Đảng ta là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này chế định trong Hiến pháp. Để thực hiện chức năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải đề ra cương lĩnh, chủ trương, đường lối; cử đảng viên tham gia vào bộ máy Nhà nước để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; bằng sự gương mẫu, tiên phong của đảng viên.

Như vậy vai trò lãnh đạo của Đảng quan trọng ở hai yếu tố: Đường lối chủ trương đúng đắn và sự tiền phong gương mẫu của đảng viên. Bộ máy của Đảng tập trung giải quyết hai vấn đề đó. Một bộ máy tham mưu, nghiên cứu tinh gọn, chất lượng để nghiên cứu đề xuất được đường lối tốt; một bộ máy tổ chức nhân sự tinh thông giúp tìm ra những đảng viên xứng đáng để cử tham gia bộ máy Nhà nước. Còn lại Đảng sẽ “hóa thân” vào bộ máy Nhà nước. Có thể sát nhập, các cơ quan trùng chức năng, có thể nhất thể hóa một số vị trí lãnh đạo, kể cả từ trung ương xuống cơ sở…

Trong lịch sử, cải cách của Hồ Quý Ly xét về mặt lý thuyết là đúng, nhưng dân không ủng hộ, nhiều tầng lớp xã hội không ủng hộ. Không ủng hộ vì sao? Vì họ chưa nhận thức được, nó lại đụng chạm đến quyền lợi, nên nhiều người chống lại Hồ Quý Ly và ông đã thất bại.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội hiện đang làm việc hưởng lương từ ngân sách, có trụ sở, nếu đặt vấn đề họ không còn hưởng quy chế hiện nay nữa thì sao? Ví du như, Nhà nước chỉ ký hợp đồng với họ theo dạng làm việc gì hưởng việc đó, như thế có thể gây tâm tư.

Bởi những người đang trong biên chế Nhà nước thuộc các cơ quan đó, khi có sự thay đổi sẽ thế nào? Nếu thay đổi theo kiểu gạt họ ra thì họ không có công ăn việc làm, không có chỗ dựa về mặt vật chất, thậm chí về mặt tinh thần?

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, mới đây Bộ GDĐT có nêu ra vấn đề đưa giáo viên ra khỏi biên chế Nhà nước thay vào đó là hợp đồng lao động, dư luận xã hội đã ầm ầm phản đối. Từ đó có thể thấy, việc gì chưa được chuẩn bị về mặt nhận thức, chưa theo lộ trình mà áp dụng cái mới ngay, không ai có chuẩn bị gì thì xã hội không thể ứng phó được, và nó sẽ gây ra sự bất ổn xã hội.

Vấn đề quan trọng khi Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương phải làm sao cho toàn xã hội nhận thức đúng, đã đúng rồi phải quyết tâm làm, nhưng làm phải có lộ trình. Vấn đề như Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 6 khóa XII đưa ra là nhất thể hóa một số cơ quan có chức năng trùng nhau, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng và chính quyền đó mới chỉ là sự bắt đầu.

Chính vì sự nhạy cảm, phức tạp nên trong diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 6 khóa XII, Tổng Bí thư đã lưu ý ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao. Những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn, thưa GS?

- Qua theo dõi tôi thấy, bất cứ lĩnh vực nào Tổng Bí thư cũng đều tỏ ra bình tĩnh, thận trọng. Vấn đề sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy có liên quan đến rất nhiều người, nên cẩn trọng là đúng, phải thống nhất về mặt tư tưởng mới làm được. Bài học kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy khi toàn dân đã đoàn kết, thống nhất về mặt tư tưởng, thì dù có hy sinh cả của cải, tính mệnh người dân vẫn sẵn sàng...

Khi không có chung nhận thức mà vẫn làm thì dẫn đến bất ổn xã hội. Vì vậy, những lưu ý của Tổng Bí thư là rất cần thiết. Một ví dụ trong lịch sử, cải cách của ông Hồ Quý Ly, xét về mặt lý thuyết là đúng, nhưng dân không ủng hộ, nhiều tầng lớp xã hội không ủng hộ. Không ủng hộ vì sao? Vì họ chưa nhận thức được, nó lại đụng chạm đến quyền lợi, nên nhiều người chống lại Hồ Quý Ly và ông đã thất bại.

Từ bài học đó quay lại vấn đề hiện nay, không phải cứ ý tưởng đúng là được, đúng nhưng phải được dân đồng tình, nếu dân chưa hiểu và chưa ủng hộ thì không thể làm được, vì làm gì cũng phải dựa vào dân.

Bên cạnh đó trong bộ phận lãnh đạo, quản lý không được chần chừ, cải cách phải được làm một cách công tâm, đừng cài những lợi ích cá nhân, của “nhóm” trong cải cách để kiếm chác, có như vậy người dân mới ủng hô.

Xin cảm ơn GS (!)

"Vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có tư duy đúng, dám nghĩ, dám làm, cần được cụ thể hóa để thay đổi nhận thức của toàn xã hội, làm sao cho toàn xã hội có quyết tâm. Để khi làm, ai đó, tổ chức nào đó, thấy có thể bị thiệt thòi đôi chút, nhưng khi họ có chung nhận thức, vì lợi ích chung, vì tương lai của đất nước, của con cháu mình, họ sẽ ủng hộ"

Lương Kết (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/lam-cong-tam-dung-cai-loi-ich-moi-duoc-xa-hoi-ung-ho-813651.html