Tinh giản theo hướng tinh gọn bộ máy

Góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế và tờ trình giảm 100.000 biên chế trong thời gian từ 2014-2020 của Bộ Nội vụ, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, Ủy viên Hội đồng khoa học thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đề xuất: Phải tinh giản theo hướng Nhà nước nhỏ-xã hội lớn. Nghĩa là, bộ máy hành chính Nhà nước phải thu gọn lại, những việc mà các tổ chức xã hội làm được thì Nhà nước nên xã hội hóa, đừng ôm đồm.

Tinh giản biên chế giúp bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả công việc cao hơn

Ảnh: Hoàng Long

Ông Nguyễn Hữu Khiển

Ông Khiển cho biết, ông rất đồng tình ý tưởng tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ đề xuất. Tuy nhiên ông Khiển tỏ ra phân vân vào sự thành công của chủ trương tinh giản biên chế này. Băn khoăn vì trong chính những giải pháp được nói trong Dự thảo Nghị định rất "có vấn đề”. Bộ Nội vụ cho rằng sẽ dùng giải pháp kinh tế để tinh giản biên chế, đây là giải pháp không ổn, không khoa học. Tại sao phải dùng tiền để khuyến khích công chức ra khỏi nền công vụ nếu trong tuyển dụng hoàn toàn công khai, minh bạch! Dự thảo Nghị định có nói sẽ tinh giản 80% cán bộ sắp đến tuổi hưu bằng một khoản tiền cụ thể cũng không ổn. Hà cớ gì phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn như vậy để "mời” họ về hưu trước tuổi trong khi họ vẫn đủ sức khỏe, trí tuệ để cống hiến! Tinh giản nếu không khéo sẽ trở thành cuộc "đấu tố” nội bộ bởi khi tuyển vào không ai tự nhận mình là người thừa. Họ thừa ra ở đơn vị không phải lỗi của họ mà của người tuyển dụng. Một giải pháp nữa Bộ Nội vụ đưa ra, đó là 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu sẽ bị loại. Giải pháp này quá cũ đã không có tác dụng giúp tìm những người yếu kém thực sự trong nền công vụ, bởi chưa có bảng mô tả công việc, chưa xác định được vị trí việc làm, đánh giá vẫn nghiêng về cảm tính thì có thể giữ lại ai, loại ai?

Muốn biết đơn vị thừa, hay thiếu người qua đó tinh giản biên chế thì từng cơ quan, đơn vị phải xác định rõ từng vị trí việc làm trong đơn vị qua đó trình các cấp có thẩm quyền duyệt. Tất nhiên tâm lý chung thì đơn vị nào cũng muốn thêm nhiều biên chế, nhưng ở đây phải qua sự giám sát của Quốc hội, của dư luận và của ngành nội vụ. Bộ Nội vụ với chức năng của mình cần tham mưu, đề xuất Chính phủ trong vấn đề này, không để cho các bộ ngành và địa phương tăng biên chế không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước.

Sau khi đơn vị xác định vị trí việc làm thì sẽ rõ những việc công chức hàng ngày phải làm. Theo đó sẽ chấm dứt tình trạng đánh giá công chức một cách chung chung vì chưa rõ việc. Vì thế, chỉ có thể dựa trên danh mục vị trí việc làm, dựa trên phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức một cách khoa học, chính xác và minh bạch mới triển khai được việc tinh giản biên chế một cách thuyết phục, đồng thời tránh được những tiêu cực có thể phát sinh từ tình trạng nể nang, phe cánh, "con ông cháu cha” khi xác định ai trong diện phải sắp xếp giảm biên chế, ai là người sẽ giữ lại trong cơ cấu của đơn vị.

Về lâu dài, chìa khóa của tinh giản biên chế là thiết lập một bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ và có chất lượng, theo hướng "Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” theo đó, Nhà nước không làm thay những việc mà xã hội, người dân có thể làm được. Nhà nước chỉ làm những việc dân không muốn, không thể làm còn lại nên xã hội hóa. Vì vậy một mặt cần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước nói chung thật sự tinh gọn, hiệu quả. Mặt khác cần đẩy mạnh xã hội hóa, tránh tình trạng cái gì Nhà nước cũng ôm đồm. Đây mới chính là nguyên nhân bộ máy nhà nước cứ phình ra mà chưa chắc đã hiệu quả và minh bạch.

Lục Bình (ghi)

Với Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế đưa ra lấy ý kiên nhân dân, thời gian qua, Tòa soạn Báo ĐĐK đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trao đổi, góp ý. Chúng tôi xin trích nêu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc: Thiết lập một công cụ đánh giá chuẩn

Về con số giảm 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ đề xuất, theo tôi không nên quy định cứng một con số cụ thể, số lượng người tinh giản chưa quan trọng bằng việc sắp xếp và phân cấp lại tổ chức cho mạch lạc, rõ ràng, hợp lý, định rõ vị trí việc làm của các công chức trong các cơ quan. Muốn tinh giản biên chế thành công cần khắc phục những hạn chế cốt lõi mà chúng ta đã mắc phải trước đây. Bài học của thế giới cho thấy không ai có thể tự cắt tay, cắt chân mình. Rất hiếm lãnh đạo nào có thể tự giảm biên chế tại chính cơ quan của mình. Đặc biệt người phương Đông lại duy tình hơn duy lý, bỏ ai, giảm ai là chuyện rất đau đầu. Vì thế nói tinh giản biên chế trên tinh thần tự chủ, trách nhiệm là chưa thực tế và khó có thể thành công. Vì vậy để thực thi tinh giản biên chế phải có phương pháp và cách thức phù hợp. Trong đó việc đánh giá công chức là khâu rất quan trọng. Cần phải kết hợp giữa tự đánh giá (bên trong) với việc đánh giá bên ngoài. Do đó cần tổ chức độc lập đánh giá về vị trí việc làm, xác định số lượng công chức cần trong một cơ quan.

Ông Nguyễn Văn Tám (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc): Cần phải xem xét ở nhiều yếu tố

Việc tinh giản biên chế là rất cần thiết, vừa góp phần giảm gánh nặng về ngân sách cho Nhà nước, mặt khác số lao động dôi dư từ tinh giản sẽ cung cấp cho thị trường lao động hiện đang rất "khát” lao động có trình độ. Tuy nhiên việc tinh giản cần phải thận trọng và xem xét ở nhiều yếu tố nếu không sẽ tạo "cửa” cho cơ chế " xin – cho” vốn đang rất phức tạp ở những cấp địa phương.

Đơn cử như mặc dù mới chỉ là dự thảo nhưng mấy ngày nay nhiều cán bộ, công chức như ngồi trên "đống lửa”. Lý do không phải họ không có năng lực mà vì họ không có mối quan hệ. Trong khi đó có không ít người khấp khởi mừng sắp có cơ hội " loại người này, giữ người kia”.

Thực tế cho thấy, hiện bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị theo hướng hiện đại, hiệu quả. Thực trạng này không chỉ là gánh nặng về ngân sách mà còn tạo tâm lý đố kỵ giữa các cán bộ dẫn tới hiệu quả làm việc không cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Cao Bằng): Làm mạnh, giám sát chặt, sẽ bớt tiêu cực

Tiêu cực là việc không tránh khỏi khi thực hiện tinh giản biên chế nhưng nếu làm mạnh tay thì tiêu cực sẽ được hạn chế. Mạnh tay ở đây không phải mạnh về hô hào mà mạnh về giám sát. Không phải bây giờ mới có chủ trương tinh giản bộ máy mà trước đó đã có nhưng không hiệu quả. Lý do thì ai cũng nhìn thấy nhưng vì ngại nên ai cũng né tránh.

Thực chất để việc tinh giản hiệu quả thì cần có những tiêu chí rõ ràng trong đó không thể lấy bằng cấp làm tiêu chí hàng đầu để xét, bởi thực tế hiện có không ít cán bộ là "con cháu” sở hữu bằng đại học rồi nhưng chất lượng làm việc thì không bằng công nhân.

Lê Bảo (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76138&menu=1366&style=1