Tình dân tộc - nghĩa đồng bào- Bài I: Người kết nối trái tim nhân ái

Hơn chục tỷ đồng Vi Văn Tú, dân tộc Tày, sinh năm 1989 ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình thông qua kênh Youtube 'Gái bản' và 'Tiếng gọi vùng cao' huy động được trong 4 năm qua từ bà con trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài để xây nên những cây cầu, con đường bê tông ở vùng cao, làm nhà, chữa bệnh, tạo sinh kế cho nhiều người có hoàn cảnh éo le. Đó là những kết quả, việc làm hết sức trân quý, đầy tính nhân văn được xây nên bằng 'tình dân tộc - nghĩa đồng bào'.

Vi Văn Tú bên “Cầu huyền thoại Chống Chơ” đã chấm dứt sự cô lập của một bộ phận người dân thôn Háng Đay, thôn Chống Tàu với bên ngoài trong mùa mưa lũ.

Vi Văn Tú bên “Cầu huyền thoại Chống Chơ” đã chấm dứt sự cô lập của một bộ phận người dân thôn Háng Đay, thôn Chống Tàu với bên ngoài trong mùa mưa lũ.

Năm 2011, tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản, Vi Văn Tú về công tác tại Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ. Là người có phẩm chất, đạo đức tốt, năng nổ, nhiệt huyết, nhiều sáng tạo trong công việc, năm 2016 anh được kết nạp Đảng.

Qua gần chục năm gắn bó với miền Tây Yên Bái, Tú nhận thấy có rất nhiều mặt hàng đặc sản địa phương: mật ong rừng, thịt trâu, thịt lợn sấy, măng ớt, chuối hột khô, nấm tỏa dương, măng khô, chè Shan tuyết, khoai sọ nương Trạm Tấu… sẽ tiêu thụ tốt nếu được quảng bá rộng rãi. Vậy là, anh xin nghỉ việc Nhà nước về kinh doanh những mặt hàng này.

Để thuận lợi cho kinh doanh, cuối năm 2019, Tú đã tận dụng ưu thế của nền tảng Youtube và lập cho mình kênh "Gái bản” nhằm giới thiệu nét đẹp cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống các dân tộc Yên Bái gắn với giới thiệu các mặt hàng đặc sản. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi lập kênh "Gái bản” cũng là lúc Tú "bén duyên” với những việc làm thiện nguyện.

Đó là, sau những lần lên Trạm Tấu tìm nguồn hàng cũng như ghi lại những nét đẹp vùng cao - nơi đồng bào Mông sinh sống, anh gặp nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhà ở do các nguyên nhân: thiếu sức lao động, tư liệu sản xuất, bệnh tật, nhà đông con nghèo khó nên bố mẹ không thể làm nhà cho con sau kết hôn… và họ rất cần được cộng đồng giúp đỡ. Vậy là, Tú mạnh dạn kêu gọi cộng đồng mạng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho em Giàng Thị Dủa ở thôn Làng Tống, xã Túc Đán là con dâu của một gia đình bố mẹ chồng có tới 8 người con, bố mẹ không có tiền và cũng không có đất cho vợ chồng em làm nhà.

Hoàn thiện ngôi nhà cho em Dủa, Tú chuyển sang huy động quyên góp để xây một cây cầu nhỏ qua suối và làm khoảng 1 cây số đường bê tông ở thôn Làng Tống.

Tuy nhiên, do kênh "Gái bản” lúc này lượng người theo dõi chưa nhiều nên việc huy động nguồn lực chưa mấy thuận lợi. Sau đó, từ sự lăn lộn với các công trình thiện nguyện, kênh "Gái bản” dần chiếm lĩnh lượng người theo dõi và điểm đột phá của kênh là khi Tú bắt tay vào hỗ trợ chòm Cống Dua, thôn Làng Linh cùng xã Túc Đán làm con đường bê tông khoảng 2 km.

Tú đã đặt tên con đường này là "Con đường huyền thoại”. Bởi lẽ, để hoàn thiện con đường, Tú đã cùng bà con ròng rã hơn 7 tháng trời vượt nắng, thắng mưa bạt núi san đường, tời từng bao xi măng, cát sỏi mới hoàn thành con đường bê tông rộng hơn 1 m vòng vèo bên sườn núi cao dốc tộc. Có đường bê tông, dân chòm Cống Dua trước đây đi bộ đến trung tâm xã mất cả tiếng đồng hồ, nay đi xe máy chỉ còn chục phút.

Hơn thế, Tú còn kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng và liên hệ với một nhà máy thủy điện gần đó để kéo đường điện gần 3 km, trị giá trên 200 triệu đồng giúp 22 hộ dân chòm Cống Dua có điện. Quý trọng tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm với đồng bào, người Mông ở Túc Đán đã đặt cho anh cái tên A Tú, coi anh như người con của dân bản.

Cũng trong thời gian xây dựng "Con đường huyền thoại Cống Dua”, A Tú nhận thấy, nếu chỉ tập trung vào một công trình và thời gian kéo dài sẽ rất hạn chế thu hút nguồn lực cũng như năng lực thi công thêm các công trình khác. Vậy là, A Tú thành lập thêm kênh "Tiếng gọi vùng cao” để mấy người họ hàng cùng tham gia thút hút nguồn tài trợ và làm các công trình thiện nguyện khác. Cầu sắt thôn Làng Tống, xã Túc Đán là công trình đầu tiên của kênh "Tiếng gọi vùng cao” thi công song song với công trình đường lên chòm Cống Dua.

Kết thúc công trình ở Cống Dua, kênh "Gái bản” đã trở thành địa chỉ tin cậy để những bản làng khác khó khăn về đường sá hay những hoàn cảnh éo le tìm đến nhờ được cộng đồng giúp đỡ. Điển hình là thôn Tà Chơ, xã Làng Nhì cùng ở huyện Trạm Tấu xin được kênh kêu gọi hỗ trợ xây một cây cầu và làm tuyến đường bê tông chừng hơn 2 km từ giáp ranh xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ lên Tà Chơ.

Bởi vì, bà con Tà Chơ bao đời phải đi trên một con đường vô cùng gian nan do dốc núi, xói lở, trơn lầy men theo những bờ vực thẳm. Đã vậy, trên tuyến lại có một đoạn hơn hai chục mét, bà con phải làm sàn gỗ bám vào vách đá nên đi lại rất nguy hiểm, trên tuyến đường này đã có 2 người thiệt mạng bởi ngã xe máy.

Thấy Tà Chơ đã có con đường đẹp, bên chòm Chống Chơ ở thôn Háng Đay, thôn Chống Tàu cùng xã Làng Nhì lại càng khao khát một cây cầu qua suối.

Ông Hờ Bua Tồng - trưởng dòng họ Hờ ở Háng Đay đã đến nhà A Tú xin giúp đỡ. A Tú nhận lời lên xem mặt bằng nơi bà con muốn được xây cầu. Nhìn thực địa, A Tú cảm nhận, nếu nhận lời giúp bà con thì đây thực sự là công trình có độ phức tạp ngoài sức tưởng tượng của anh, bởi lòng suối rộng chừng hơn ba chục mét, lưu lượng nước lớn, địa hình khó thi công…

Nhưng không quản ngại, A Tú gặp lãnh đạo huyện nhờ hỗ trợ các thủ tục thuộc về quản lý nhà nước để A Tú đứng ra vận động tài chính. Do quy mô cây cầu khá lớn, phức tạp nên khi thi công, A Tú cũng đặt tên công trình là "Cầu huyền thoại Chống Chơ” như để xác định quyết tâm hành động.

Và cũng giống như "Con đường huyền thoại Cống Dua”, cầu Chống Chơ cũng trải qua hơn 8 tháng vừa phối hợp với một công ty xây dựng vừa huy động sức dân thì hoàn thành.

Cầu thôn Khe Ba, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên cũng có quy lớn, kỹ thuật thi công phức tạp và nó là sự mong ước bao đời của bà con, nên A Tú cùng người Dao nơi đây đặt tên công trình là cầu "Hạnh Phúc”.

A Tú cho biết, các công trình thiện nguyện, các hoàn cảnh khó khăn được 2 kênh của anh giúp đỡ trải rộng khắp nhiều địa phương trong tỉnh như Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và đến nay 2 kênh đã kêu gọi ủng hộ, tài trợ kinh phí để hoàn thiện được 6 tuyến đường bê tông thôn, bản có chiều dài từ 1 đến trên 2 km/tuyến.

Người dân thôn Tà Chơ sẽ không lo nguy hiểm khi đi trên cây cầu bê tông bên vách đá cheo leo.

Người dân thôn Tà Chơ sẽ không lo nguy hiểm khi đi trên cây cầu bê tông bên vách đá cheo leo.

9 cây cầu đã xây xong; trong đó, cây cầu có giá trị đầu tư thấp nhất khoảng trên 250 triệu đồng, cao nhất là trên 1 tỷ đồng. Đã có 41 hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà, mỗi nhà bình quân trị giá 100 triệu đồng, chưa kể tiền còn dư để mỗi hộ chuyển sang mua sắm vật dụng hoặc mua trâu, bò, dê, lợn giống, cây giống, mua xe máy đi làm phụ hồ, hỗ trợ 4 hộ đào ao nuôi cá và có hộ sau khi làm nhà còn dư tiền gửi tiết kiệm khoảng 150 triệu đồng.

Có trên 20 người được hỗ trợ chữa bệnh và số tiền ủng hộ cho mỗi người cũng tương đương với người được hỗ trợ làm nhà. Kênh "Gái bản” còn hỗ trợ tu sửa Điểm trường Mầm non Tà Chơ và hiện đang xây dựng Điểm trường Mầm non Háng Đay, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với dự toán trên 360 triệu đồng; kênh "Tiếng gọi vùng cao” đang hỗ trợ thi công cầu Nậm Biếu ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

Ngoài trách nhiệm với công việc, A Tú còn là người có kỹ năng dân vận khéo thông qua việc tuyên truyền, vận động để cộng đồng chung tay tạo nên nguồn lực cho các chương trình thiện nguyện; tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ thời gian, công sức ròng rã trong nhiều tháng để xây dựng các công trình...

Thật đáng mừng, mỗi công trình, mỗi hoàn cảnh được cộng đồng giúp đỡ đều mang lại sự đổi thay tích cực về kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống.

Điển hình như 2 trường hợp ở xã Túc Đán là A Chư bị mù, sau khi được hỗ trợ xây nhà, mua trâu giống, đào ao thả cá, cuộc sống của anh đang ngày một khá lên; A Lù có vợ mắc bệnh mạn tính có nhà mới, có trâu sinh sản và trồng đồi quế rộng cả héc - ta... Niềm vui trên mỗi công trình, mỗi người được giúp đỡ thật khó diễn tả.

Ông Đặng Văn Chung, thôn Khe Ba, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên bày tỏ: "Đời con, đời cháu, chắt chúng tôi sau này, mỗi khi đi qua cầu Hạnh Phúc sẽ mãi không quên công lao của cháu Tú và các nhà hảo tâm”.

Ông Cầm Văn Viên, 74 tuổi ở thôn Bản Viềng, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ có vợ và 2 con mắc bệnh tâm thần, xúc động tâm sự với A Tú trong ngày khánh thành ngôi nhà thiện nguyện: "Đời bố có hai lần vui thôi. Đó là vui khi lấy vợ và bây giờ vui vì được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây cho ngôi nhà kiên cố”. Nhưng giờ thì ông lại thêm niềm vui hơn nữa, A Tú đã đưa vợ con ông đi chữa bệnh và bệnh tình đã thuyên giảm hẳn…

Hoàng Nhâm - Mạnh Cường

Bài 2 : Chung nhịp trái tim

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/299001/tinh-dan-toc---nghia-dong-bao--bai-i-nguoi-ket-noi-trai-tim-nhan-ai.aspx