Tỉnh Đắk Lắk cần hỗ trợ để cán đích nông thôn mới nâng cao

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, diện tích lớn thứ 4 cả nước, dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp... nên việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 đối với tỉnh Đắk Lắk là cả một sự nỗ lực lớn. Với những khó khăn từ thực tế, Đắk Lắk rất cần hỗ trợ để cán đích NTM nâng cao...

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (sau đây gọi tắt là Văn phòng Điều phối NTM) tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 151 xã thực hiện chương trình. Trong đó, có đến 54 xã thuộc khu vực III; khu vực nông thôn có hơn 16.000km đường giao thông các loại (chỉ có khoảng 50% đạt chuẩn theo quy định), diện tích bình quân 8.300ha/xã nên việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn, như: Giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa... rất khó khăn. Chưa kể, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn thứ 4 cả nước, với 49 dân tộc cùng chung sống, đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn. Dù được định hướng phát triển trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên nhưng hằng năm, Trung ương vẫn phải bổ sung kinh phí cho tỉnh Đắk Lắk nên việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM rất hạn chế. Năm 2011, khi tham gia chương trình xây dựng NTM, xuất phát điểm của Đắk Lắk rất thấp với chỉ 3 xã đạt 10-12 tiêu chí NTM; 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào DTTS ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí. Đến hết tháng 6-2023, tỉnh Đắk Lắk có 74 xã đạt 19/19 tiêu chí (70 xã đã có quyết định công nhận NTM), một xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1/15 đơn vị cấp huyện (TP Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của tỉnh đều thấp hơn bình quân chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Đường liên thôn ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã được cứng hóa.

Đồng chí Lê Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Ea Dăh, huyện Krông Năng cho biết: “Với xuất phát điểm là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn nên Ea Dăh khá chậm trong “cuộc đua” về đích NTM. Thời điểm này, địa phương vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có hơn 2.000 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu, trong đó hơn 55% là người DTTS. Những tiêu chí khó hoàn thành nhất đều đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn như giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, chợ... Nếu có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, xã sẽ huy động sức dân đóng góp theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cán đích NTM vào cuối năm 2018, cả 10 thôn, buôn của xã Cư Suê, huyện Cư M'gar như khoác lên mình chiếc áo mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Bà con phấn khởi, cùng nhau đẩy mạnh sản xuất, tích cực vươn lên làm giàu. Tuy vậy, bước vào xây dựng NTM nâng cao, đồng chí Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cũng không khỏi lo lắng: “Các tiêu chí NTM đã hoàn thành cũng chỉ được đánh giá đạt chuẩn ở mức cơ bản chứ không phải thang điểm 10/10. Do đó, với bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, địa phương còn phải phấn đấu rất nhiều cũng như cần sự hỗ trợ của trên. Cụ thể, xã cần hỗ trợ khoảng 50-60 tỷ đồng để tập trung đầu tư hệ thống giao thông ở vùng đồng bào DTTS. Về phía địa phương, trước mắt năm nay sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11% xuống 8%; tăng thu nhập bình quân đạt 55-60 triệu đồng/người/năm...”.

Theo đồng chí Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 là cả một thách thức lớn, trong đó có nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Như tiêu chí về giao thông quy định 100% đường xã, đường thôn/buôn phải được cứng hóa là rất khó thực hiện, vì tỉnh có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, kinh phí đầu tư rất lớn trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước có hạn. Đây cũng là những lý do khiến Đắk Lắk khó đáp ứng yêu cầu tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt hơn 10%. Tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều (tính cả hộ nghèo và cận nghèo), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử, tỷ lệ hộ phân loại chất thải rắn tại nguồn... cũng chưa phù hợp với thực tế và khả năng thực hiện của người dân nông thôn tỉnh Đắk Lắk. “Đắk Lắk đề nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương; điều chỉnh tăng hệ số phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh dựa trên các yếu tố ưu tiên như diện tích rừng, tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn cần đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo, tổng số hộ nghèo, tỷ lệ hộ DTTS, thu nhập bình quân đầu người...”, đồng chí Dương Tín Đức kiến nghị.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tinh-dak-lak-can-ho-tro-de-can-dich-nong-thon-moi-nang-cao-742605