Tính cầu toàn khiến nhiều người trì hoãn những việc họ muốn làm

Khi muốn làm một việc gì đó, nhưng lại lo ngại bản thân không hoàn thành được những mục tiêu đã đặt ra, nhiều người chọn trì hoãn việc đó, để lảng tránh nỗi sợ thất bại.

 Vì sợ thất bại, nên một số người trì hoãn những việc mà họ muốn làm. Ảnh: C.F.

Vì sợ thất bại, nên một số người trì hoãn những việc mà họ muốn làm. Ảnh: C.F.

Tôi đã từng nhận được một email thú vị và chứa đầy tâm tư của một độc giả sau khi đọc bài viết về trì hoãn có tổ chức của tôi. Người phụ nữ này, mà tôi tạm gọi là cô Imelda, là chủ của một công ty may trang phục bằng da cho người lớn và còn đang viết một cuốn tiểu thuyết. Cô ấy viết cho tôi như sau:

"Tôi muốn cảm ơn vì bài viết của ông. Tôi và chồng chưa cưới đều là những người có tính trì hoãn. Anh ấy đã gửi cho tôi bài viết của ông và tôi không thể tin được rằng những điều trong bài viết như thể nói về chính tôi vậy.

Tôi đã trải qua cảm giác tội lỗi và dằn vặt biết bao nhiêu lần bởi vì tôi không thể hoàn thành những dự định của mình hay tệ hơn, tôi đã cố tình không thực hiện. Tôi biết là tôi hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện và hoàn thành tất cả những dự định của mình, nhưng vì một lý do gì đó, tôi lại cố ý không làm.

Tôi nghĩ điều này có liên quan đến nỗi sợ thất bại, bởi tôi biết rằng mình sẽ không bị đánh giá và thất bại chừng nào những dự án của tôi chưa hoàn thành. Suy nghĩ này rõ ràng là kết quả của việc tôi quá khắt khe với bản thân. Là một người cầu toàn, điều khó khăn nhất tôi phải đối điện là vượt qua những yêu cầu chặt chẽ đối với chính bản thân mình.

Tôi còn một bộ tiểu thuyết ba tập đang viết dở, một đống đơn đặt hàng chưa may xong ở công ty, một bản thu âm thử chưa được bắt đầu, một bộ truyện tranh, vài bức tranh và rất nhiều ký họa chưa vẽ xong.

Tôi cố làm những việc như rửa cọ vẽ, sắp xếp ổ cứng máy tính để dành chỗ cho các dự án âm nhạc chưa cả được bắt đầu, sắp xếp thứ tự các chương sách và viết thật nhiều thật nhiều phác thảo về các nhân vật và các tình tiết; bởi vì làm tất cả những việc này cho tôi cảm giác như thể tôi sắp thật sự bắt tay vào thực hiện các dự án.

Tôi thậm chí còn cố gắng viết thư cho một vài ban nhạc và tuyên bố rằng tôi chuẩn bị cho ra một bản thu thử, coi như là để tự đặt cho mình một mục tiêu cần phải hoàn thành trong một thời hạn cụ thể. Họ trả lời rằng thấy rất thú vị và mong chờ được nghe bản ghi thử, điều đó chỉ làm lớn thêm trong tôi nỗi sợ phải bắt đầu để rồi lại bị từ chối.

Trong thâm tâm, tôi biết rõ mình là một người có tính trì hoãn đến mức mà tôi không dám hứa hẹn bất kỳ dự định nào với người khác vì tôi biết rằng thế nào rồi tôi cũng thất hứa. Việc này làm cho tôi chỉ luẩn quẩn trong sự thất vọng với bản thân vì liên tục không đạt được mục tiêu và loanh quanh với những công việc không mấy quan trọng.

Bài viết của ông khá trùng hợp với cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên, thậm chí là chết lặng khi biết rằng ai cũng có thể ở vào tình trạng đó. Nó đã làm cho tôi hiểu chính bản thân mình, đem lại cho tôi sự động viên to lớn mà trước nay chưa một ai làm được.

Cảm ơn ông rất nhiều! Imelda."

Cô Imelda là một người trì hoãn thông thái vì cô nhận thức được mình là một người cầu toàn. Nhưng cái nào có trước - tính trì hoãn hay tính cầu toàn? Theo tôi, tính cầu toàn dẫn đến tính trì hoãn. Phải mất một thời gian tôi mới nhìn thấy mối liên hệ giữa hai tính cách này bởi vì tôi không nghĩ mình là người cầu toàn. Rất nhiều người có tính trì hoãn không nhận ra rằng họ là người cầu toàn, đơn giản là bởi vì chúng ta không bao giờ làm được việc gì hoàn hảo hay gần như thế.

Chưa có ai dùng từ hoàn hảo để nhận xét về những việc chúng ta đã làm và chính chúng ta cũng chưa bao giờ tự cảm thấy mình làm được việc gì một cách hoàn hảo. Chúng ta cho rằng, một cách sai lầm, là người cầu toàn thì, thường xuyên hay thi thoảng, hay chí ít cũng một lần, làm được cái gì đó hoàn hảo. Nhưng suy nghĩ này đã khiến chúng ta hiểu sai về cách hoạt động của tính cầu toàn.

Tính cầu toàn tôi đang nói đến ở đây là một loại ảo tưởng, chứ không phải là thực tế. Đây là cách nó hoạt động trong trường hợp của tôi. Ai đó muốn tôi làm gì đó - chẳng hạn như nhà xuất bản muốn tôi viết bài phản biện cho bản thảo của một cuốn sách mới nhận được, bao gồm việc cho ý kiến cuốn sách đó có đạt yêu cầu để xuất bản hay không, và nếu đạt thì nội dung có cần sửa đổi gì hay không. Tôi nhận công việc đó, có thể là bởi vì người ta hứa sẽ trả công bằng cách tặng tôi một vài cuốn sách, mà tôi nghĩ rằng nếu mua được thì tôi sẽ đọc.

Ngay lập tức, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện một ảo tưởng. Tôi hình dung ra mình viết một bài phản biện tuyệt vời nhất. Tôi hình dung mình sẽ đọc bản thảo thật kỹ lưỡng và phần đánh giá của tôi sẽ giúp cho tác giả có thể viết lại hay hơn nhiều lần. Tôi hình dung biên tập viên nhận bài viết của tôi và phải thốt lên, “Chà, chưa bao giờ trong đời mình lại đọc được một bài phản biện xuất sắc đến thế”.

Tôi hình dung bài phản biện của tôi hoàn toàn chính xác, hoàn toàn công tâm và hữu ích không ngờ đối với cả tác giả lẫn nhà xuất bản.

Chỉ có trời mới biết vì sao tôi hình dung ra cái viễn cảnh đó. Hoặc, may ra thì bác sỹ tâm lý của tôi mới biết. Có thể, khi còn nhỏ tôi không được bố khen ngợi đủ nhiều. Hoặc có thể ông đã khen tôi quá lời trong một lần tôi ăn may rồi làm nên việc gì đó cực kỳ tốt.

Có thể cái tính ảo tưởng này là do di truyền. Nhưng thôi, không lan man nữa, những gì tôi đang viết ở đây là một bộ giải pháp thiết thực gồm nhiều bước chứ không phải là một cuốn sách về tâm lý học.

Vậy nên chúng ta khỏi cần quan tâm đến lý do tại sao tôi, hay bạn, lại có cái ảo tưởng kiểu đó. Trọng tâm ở đây là nếu bạn là người trì hoãn, theo kiểu thường gặp nhất, thì có khả năng là mấy thứ giống như trên thường xuất hiện trong đầu bạn.

John Perry/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-cau-toan-khien-nhieu-nguoi-tri-hoan-nhung-viec-ho-muon-lam-post1474852.html