Tính cách người Nam bộ trong truyện ngắn của Thảo Bích

Tôi biết đến tác giả Thảo Bích (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) qua những truyện ngắn, tùy bút của anh trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang. Ở thể loại nào anh cũng thành công, để lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng ngôn từ chân phương, đậm tính Nam bộ.

Nhà văn Thảo Bích.

Bằng giọng văn sáng sủa với cốt truyện tương đối nhẹ nhàng tập truyện và tùy bút “Ước mơ trong mỗi cuộc đời” khắc họa hình ảnh người dân Nam bộ trọng tình, trọng nghĩa lúc còn ở quê, và khi lên đô thị kiếm sống cũng mang theo nét chân chất, thật thà thông qua những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống những năm tháng trước và sau năm 1975.

Sống trong những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân Nam bộ đã tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa huynh đệ làm trọng, nhưng cũng rõ tính ngay thẳng, gan góc đến mức đôi lúc lỳ lợm nhưng rất cởi mở, bao dung. Trong suốt 18 truyện ngắn, tùy bút, đa phần Thảo Bích viết về người nông dân nghèo Nam bộ trước năm 1975.

Đó là những con người yêu quê hương, ghét chiến tranh được thể hiện qua sự kể lại của những nhân vật thứ ba. Vì ghét chiến tranh, không muốn con mình cầm súng bắn lại đồng bào mình, người cha cho con đi theo gánh cải lương Sóng Vang để trốn quân dịch (trong Ước mơ trong mỗi cuộc đời). Họ là những con người tuy thật thà, chất phác nhưng giữ được truyền thống bất khuất, ngoan cường trước kẻ thù ngay từ nhỏ “…

Căm thù lan tỏa trong lòng đã khiến Nam như một con chuột cùng đường, phải xù lông lên chống lại. Nam bặm chặt môi hình như có cả vị mặn của máu để không khóc trước kẻ thù, và dù chỉ là một đứa bé không được đi học, Nam cũng hiểu được rằng, sự an toàn của các chú giải phóng trong căn cứ đang được mặc cả bằng chính mạng sống của mình” (trong Đất và tràm).

Bên cạnh tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, truyện ngắn của Thảo Bích đều chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc đời, mỗi câu chuyện đều thể hiện một triết lý cuộc sống. Đó có thể là ước mơ khá đơn giản như có ngôi nhà ba gian lợp lá cạnh bờ sông… Trong Chiếc bình bông bằng vỏ đạn đồng người cha mơ màng cái nhà ba gian lợp lá dừa nước, có cái tủ thờ bằng thao lao đỏ au chễm chệ giữa nhà, rồi để cái bình bông ấy kề bên bộ lư đồng cỡ đại…

Truyện ngắn Ước mơ trong mỗi cuộc đời, tác giả kể về gia đình ba cha con với ước mơ đơn giản của người cha là “một cái nhà lợp lá rộng ba gian”. Cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng người cha vẫn cố gắng đi tìm niềm vui ở phía trước. Một ước mơ phù hợp với câu nói của ông bà để lại “Sống cái nhà, thác cái mồ”, vậy mà đến cuối cuộc đời họ vẫn không có được.

Dù con cái sau này đã làm được căn nhà như ước mơ của cha nhưng rõ ràng niềm vui không trọn vẹn “Phải chi ba còn sống để nhìn thấy ngôi nhà này”. Từ đây, tác giả kết thúc bằng giọng văn bùi ngùi “Phải chi, muôn ngàn lần phải chi ấy chính là cái tâm cảm của những người nông dân nghèo bất hạnh, chấp nhận một cuộc đời thua thiệt trong chiến tranh”…

Đó còn là luật nhân quả, là đạo lý “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” trong “Tám thợ hồ”. Đến với hoàn cảnh khó khăn mà Tám “thợ hồ” không xót thương mà lạnh lùng lấy những đồng tiền lẻ mang đẫm mồ hôi, nước mắt của chàng thanh niên bán vé số đang cố van nài gia giảm. Cuối cùng ông ta nhận cái chết thật đau đớn khi xe đâm xuống hầm cá vồ của bà Nam Lai. Để từ đó, tác giả đã kết thúc chuyện bằng một câu mang đầy tính triết lý: “Đúng hơn cái lòng ganh tị, hèn hạ trong trái tim ích kỷ của hắn đã giết hắn”.

Đặc biệt viết về tính cách của người Nam bộ, tác giả không quên hình ảnh đoàn gánh hát Sóng Vang và những người thích vọng cổ,“mê cải lương từ trong bụng mẹ”. Mỗi người biểu hiện bằng những hành động khác nhau như có những cô gái, chàng trai quê muốn đổi đời “trốn nhà theo gánh hát” để thành đào kép nổi tiếng.

Đó còn là anh chiến sĩ giải phóng quý cái “Ra-dô” vì “những giây phút nghỉ quân, toòng teng trên cái võng giữa rừng tràm mà nghe Thanh Nhanh ca vọng cổ thì còn hạnh phúc nào hơn” (trong Cái “Ra-dô” cũ); người cha thuộc bài ca vọng cổ bằng việc nghe “cọp” từ cái dĩa hát bự bằng cái mâm trà của ủy viên cảnh sát nhà kế bên (trong Ước mơ trong mỗi cuộc đời).

Có lẽ theo tác giả Thảo Bích “văn hóa vọng cổ cải lương” mang tính dân tộc và là tính đặc thù của người dân miền Nam. Bối cảnh anh tạo nên trong những truyện ngắn ấy phù hợp gắn với vọng cổ, cải lương với những con người vốn có tính thật thà hay xúc động, thương người cô thế, ghét kẻ gian tà, dễ tin, dễ khóc, dễ cười...

Tính cách Nam bộ trong truyện ngắn của Thảo Bích còn biểu hiện ở ngôn ngữ mộc mạc, dân dã pha chút hóm hỉnh trong câu văn, lời thoại và cả tên của nhân vật. Điều đó được thể hiện rõ rệt nhất khi tác giả miêu tả nhân vật Cai tổng Bộ trong truyện ngắn “Chiếc bình bông bằng vỏ đạn đồng”: Đọc qua, độc giả cảm thấy có cái gì đó gần gũi với ngôn ngữ nói hằng ngày của người miền Nam cho dù đây không phải là văn nói..

Ngoài ra, một điều dễ thấy nhất trong truyện ngắn của Thảo Bích là cách gọi tên người trong quá trình giao tiếp rất đặc trưng của người miền Tây Nam bộ thứ tự sinh ra trong gia đình như: “Ông Hai”, “Dì Tám”, “Anh Ba”, “thằng út”…

Trong xưng hô với nhau, anh thường thường hay sử dụng lớp từ “mầy”, “tao”, “mấy cha”, “tía”… một giọng văn đặc sệt Nam bộ hồn nhiên, dân dã: “Thôi đi mấy cha, muốn đi du lịch thì góp vốn lại đi, bày đặt nói đi thực tế, đi du lịch đã đời mà khi về không có một chữ hổng sợ người ta nói sao?”(Câu lạc bộ văn nghệ “Mồng tơi”).

Có thể thấy, lớp từ xưng hô này ít nhiều thể hiện được nét cởi mở, phóng khoáng của người Nam bộ trong giao tiếp dù là với người quen hay lạ. Người đọc cũng thấy thú vị khi thấy nhà văn đặt tên cho đoàn cải lương mang tên Sóng Vang, Câu lạc bộ văn nghệ “Mồng tơi”, nhân vật Tám “thợ mả”, Tư Xóm Chùa, Năm Cóc… góp phần làm cho ngôn ngữ truyện ngắn của Thảo Bích “thuần chất Nam bộ”.

Con người và văn hóa Nam bộ trong truyện ngắn của Thảo Bích đã chứng minh cho mối quan hệ nội tại của văn học và văn hóa. Văn học vừa là một thành tố quan trọng của văn hóa vừa tác động đến sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Với tư cách chủ thể tiếp nhận văn hóa, đồng thời là chủ thể sáng tạo, nhà văn chính là người lưu giữ qua văn chương mình những đặc trưng của văn hóa dân tộc, đối với Thảo Bích còn là văn hóa vùng miền. Qua tác phẩm của mình, nhà văn Thảo Bích đã gửi gắm được ý muốn đặt ra khi viết nên một câu chuyện trong đó chứa đựng cả tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nghèo Nam bộ…

LÊ QUANG HUY

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202403/tinh-cach-nguoi-nam-bo-trong-truyen-ngan-cua-thao-bich-1004820/