Tin tức sẽ không tìm thấy bạn trên TikTok

Như hầu hết các mạng xã hội khác, gồm cả Facebook, TikTok không phải là nơi mà mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tin tức báo chí. Thuật toán của TikTok cũng không khuyến khích việc các tòa báo đăng tin bài, đặc biệt dưới dạng đường link liên kết.

TikTok không khuyến khích tin tức báo chí

Với sự phát triển thần tốc và đặc biệt là nơi quy tụ đông đảo người dùng trẻ, TikTok từng được giới báo chí kỳ vọng sẽ trở thành nơi thu hút độc giả mới, có được nhiều lượng truy cập hơn và tăng doanh thu.

Tuy nhiên, thực tế là TikTok đã cho thấy nó không phải là nền tảng thân thiện với tin tức: Nó loại bỏ các liên kết mà nhà xuất bản tin tức có thể sử dụng để kéo người dùng ra khỏi ứng dụng.

Ngoài ra, TikTok cũng không gắn nhãn tin tức hoặc giúp người dùng đánh giá độ tin cậy của tin tức báo chí và nó cung cấp rất ít ưu đãi tài chính cho các hãng tìn, dù cũng có một vài trường hợp ngoại lệ.

 TikTok không phải nơi để người đọc tìm kiếm tin tức báo chí, cũng như để các tòa soạn tăng doanh thu hay lượng truy cập.

TikTok không phải nơi để người đọc tìm kiếm tin tức báo chí, cũng như để các tòa soạn tăng doanh thu hay lượng truy cập.

Như các mạng xã hội khác, việc TikTok có thái độ thù địch với tin tức không phải quá ngạc nhiên. Đơn giản vì việc độc giả truy cập vào các trang báo cũng có nghĩa thời gian mà họ dành cho các mạng xã hội giảm đi. Đúng là một số tòa soạn gần đây được ca ngợi trong việc thu hút độc giả trẻ trên TikTok, song chỉ là khi họ tự sản xuất hoặc sao chép trực tiếp tin bài lên nền tảng này, chứ không phải bằng cách đưa link liên kết tới bài báo.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hệ thống thuật toán đề xuất như TikTok có thể ngăn chặn mọi người khỏi nội dung tin tức một cách triệt để.

Vậy thuật toán của TikTok có tác dụng như thế nào? Và tin tức đang tồn tại như thế nào giữa biển nội dung trên TikTok? Thật khó để trả lời những câu hỏi đó một cách rõ ràng vì TikTok không cung cấp API cho các nhà nghiên cứu và các trải nghiệm thuật toán rất khác nhau giữa những người dùng.

Vùng đất hoang của tin tức

Nhưng trong một nghiên cứu mới trên tạp chí New Media & Society, các nhà nghiên cứu Nick Hagar (hiện là nhà khoa học dữ liệu của New York Times) và Nicholas Diakopoulos của Đại học Northwestern đã tiến hành một số giải pháp sáng tạo để tìm hiểu vai trò của tin tức trong thuật toán của TikTok.

Và sau rất nhiều nghiên cứu phức tạp và tỉ mỉ, họ nhận ra TikTok là một vùng đất hoang tin tức! Một trong những kết quả nghiên cứu là trong số 6.568 video tin tức mà họ dùng bot để cố gắng lan truyền, chỉ có 6 video có thể được phân loại là tin tức. Các tác giả kết luận: “Thuật toán For You Page hầu như không có nội dung tin tức nào, ngay cả khi các tài khoản đã được chuẩn bị sẵn các tín hiệu tương tác tích cực với tin tức”.

Đáng chú ý nữa, trong số hơn 700 thẻ bắt đầu bằng # thịnh hành trên TikTok trong thời gian nghiên cứu, chỉ có một - #breaknews - liên quan đến tin tức, vừa không nổi bật vừa chứa một lượng lớn thông tin sai lệch và video hài. Hashtag nặng về giải trí và văn hóa đại chúng chứa rất nhiều nội dung có vẻ giống tin tức, nhưng thực tế không phải vậy.

Nói cách khác, nếu bạn muốn xem tin tức trên TikTok, bạn phải cố gắng hết sức để chống lại tác động của thuật toán, tức phải chủ động tìm kiếm chứ không phải để nó đề xuất nội dung. “Trải nghiệm tránh tin tức trên TikTok xảy ra gần như mặc định như một vấn đề về thiết kế”, Hagar và Diakopoulos đánh giá.

Các tác giả đã đối chiếu kết quả của mình với nghiên cứu gần đây của Pew rằng 1/3 người dùng TikTok trưởng thành nói rằng họ thường xuyên nhận được tin tức ở đó. Tuy nhiên, sự đối lập có thể là do người dùng đang chủ động tìm kiếm tin tức, hoặc vì họ định nghĩa tin tức là mọi thứ họ đọc và xem được (kể cả tin đồn, tin sai lệch, video hài...), chứ không phải chỉ là tin tức từ các tòa báo, các nhà báo.

Dù bằng cách nào, nghiên cứu kết luận rằng nhiều người dùng TikTok dường như đang sử dụng nó cho các sự kiện đang diễn ra bên ngoài xã hội, tuy nhiên các ưu tiên của TikTok lại đang tránh xa tin tức báo chí và chỉ tập trung vào các chiêu trò giải trí hoặc giật gân, thậm chí "vô bổ" và "độc hại".

Hoàng Hải (theo Niemanlab)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tin-tuc-se-khong-tim-thay-ban-tren-tiktok-post269616.html