Tin Thị trường: Sản lượng dầu sẽ tiếp tục giảm trong Quý II

Sản lượng dầu sẽ tiếp tục giảm trong Quý II; Nga giảm mạnh lượng xăng xuất khẩu qua đường sắt;...

Sản lượng dầu sẽ tiếp tục giảm trong Quý II

Giá dầu hạ nhiệt trong phiên giao dịch đầu tuần (8/4) nhiều khả năng là do thị trường tiếp nhận thông tin Israel đã rút bớt một số binh sĩ ở miền Nam dải Gaza khi Tel Aviv và Hamas cử các phái đoàn đến Ai Cập để khởi động lại đàm phán về một lệnh ngừng bắn.

Tính đến đầu giờ chiều nay 8/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 85,56 USD/thùng - giảm 1,55%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 89,71 USD/thùng - giảm 1,6%.

Trước đó, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) trong tuần vừa qua đã giữ nguyên chính sách khai thác dầu và thúc đẩy một số thành viên tăng cường tuân thủ cắt giảm sản lượng.

Các nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ngân hàng ANZ viết trong một ghi chú: "Việc thắt chặt hơn nữa tuân thủ hạn ngạch sẽ khiến sản lượng tiếp tục giảm trong Quý II. Triển vọng về một thị trường thắt chặt hơn sẽ khiến lượng hàng tồn kho giảm trong quý này".

Trong khi đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ có bước nhảy vọt trong tháng 3. Thêm 303.000 việc làm trong tháng trước cho thấy nhu cầu dầu có thể tăng mạnh nhưng có khả năng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm nay.

Về phần mình, các nhà phân tích của JPMorgan thì nhận định rằng nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,4 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động tuần thứ ba liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 10, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong báo cáo được công bố hồi cuối tuần qua.

Số giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã giảm 1 giàn xuống 620 trong tuần tính tới ngày 5 tháng 4, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vẫn chưa kết thúc

Châu Âu từng đi qua mùa Đông với lượng dự trữ khí đốt ở mức cao nhất mọi thời đại. Lượng khí đốt dồi dào này khiến giá khí đốt bán buôn sụt giảm và hóa đơn năng lượng tại nhà giảm xuống mức từng thấy trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vẫn chưa kết thúc. Họ cảnh báo rằng, thị trường điện, khí đốt suy yếu và hóa đơn giảm cho thấy tình trạng trì trệ kinh tế sâu sắc hơn có thể kéo dài sang thập kỷ tới.

Tomas Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí tại nhà cung cấp dữ liệu ICIS nói: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đã kết thúc chưa? Chưa. Chúng ta vẫn đang giải quyết cuộc khủng hoảng và ứng phó với bức tranh kinh tế tồi tệ hơn".

Trước xung đột Nga-Ukraine, các đường ống dẫn khí từ Nga là nguồn cung khí đốt lớn nhất của châu Âu. Sau khi xung đột bùng phát, lượng khí đốt này đã giảm 2/3 so với mức đỉnh điểm năm 2019, gây ra cú sốc thị trường khiến giá bán buôn tăng gần 10 lần so với mức trước khủng hoảng.

Hiện tại có những dấu hiệu rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt đã bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt.

Theo cơ quan Công nghiệp cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, "lục địa già" đã vượt qua mùa Đông thứ hai không có khí đốt Nga và dự trữ khí đốt vẫn còn tới 59%, nhờ nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và bằng đường biển từ Mỹ.

Theo ICIS, các kho dự trữ khí đốt sẽ lấp đầy 95% vào đầu tháng 9 năm nay - vượt xa mục tiêu của EU là 90% vào tháng 11. Lượng khí đốt dồi dào này có nghĩa là giá thị trường sẽ tiếp tục giảm.

Dự báo ban đầu cho thấy, giá khí đốt chuẩn của châu Âu có thể giảm xuống mức trung bình 28,32 Euro/MWh trong những tháng mùa hè - giảm hơn 17% so với mức trung bình vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù vậy, mức giá trên vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình 11,58 Euro/MWh vào mùa hè năm 2019.

Theo ông Marzec-Manser: "Chỉ giảm giá thôi thì không đủ để kết thúc cuộc khủng hoảng năng lượng, mà phải xem xét bức tranh kinh tế ở phạm vi rộng hơn". Vị chuyên gia này cho rằng, giá khí đốt giảm gần đây một phần là vì nền kinh tế ảm đạm do chính cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra.

Nga giảm mạnh lượng xăng xuất khẩu qua đường sắt

Nga đã cắt giảm một nửa lượng xăng xuất khẩu qua đường sắt sau khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu trong 6 tháng kể từ ngày 1/3 để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước trong mùa nhu cầu cao điểm, trong khi một số nhà máy lọc dầu đang được bảo trì và sửa chữa khẩn cấp sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ các nguồn tin thị trường, xuất khẩu xăng của Nga từ các nhà máy lọc dầu qua đường sắt là khoảng 323.000 tấn trong tháng 3. Hầu hết trong số này đến các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu và các quốc gia mà Nga có thỏa thuận liên chính phủ để cung cấp nhiên liệu.

Nga tạm dừng xuất khẩu xăng nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trong mùa nhu cầu cao điểm. Vào mùa thu năm 2023, Nga đã cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm nỗ lực bình ổn giá nhiên liệu trong nước trước tình trạng giá cả tăng cao và thiếu hụt nguồn cung do dầu thô tăng giá và đồng Rúp của Nga suy yếu.

Lệnh cấm xuất khẩu xăng hiện tại nhằm đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt khi nhu cầu tăng vào mùa xuân và mùa hè, trong khi công suất lọc dầu thấp hơn dự kiến do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Nga đã chứng kiến công suất lọc dầu giảm đi trong những tuần gần đây do bảo trì theo mùa, nhưng phần lớn là do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine làm hư hại các cơ sở lọc dầu của Nga.

Theo ước tính của Reuters, lượng công suất lọc dầu của Nga đã ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine chiếm 14% tổng công suất lọc dầu của Nga. Các tính toán cho thấy công suất lọc dầu 900.000 thùng/ngày đã bị đóng cửa do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, Reuters đưa tin vào tháng trước.

Vào cuối tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết chính phủ không có kế hoạch cấm xuất khẩu dầu diesel một lần nữa.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-san-luong-dau-se-tiep-tuc-giam-trong-quy-ii-708968.html