Tin Thị trường: IEA cảnh báo giá năng lượng có thể tăng đột biến

IEA cảnh báo giá năng lượng có thể tăng đột biến trong mùa đông; Xuất khẩu hàng hóa của Australia sẽ giảm từ mức cao kỷ lục...

IEA cảnh báo giá năng lượng tăng đột biến trong mùa đông

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo giá năng lượng có thể tăng trở lại vào mùa đông này.

Phát biểu với BBC, ông Fatih Birol nói rằng nếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch tăng tốc vào cuối năm nay và mùa đông ở bắc bán cầu khắc nghiệt hơn năm ngoái, thì giá cả sẽ tăng. Nếu điều đó xảy ra, các chính phủ sẽ cần phải vào cuộc một lần nữa và trợ cấp cho việc tiêu thụ năng lượng, người đứng đầu IEA nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Birol cũng không loại trừ khả năng mất điện vào mùa đông, đó có thể là "một phần của cuộc chơi".

Tháng trước, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức cũng đưa ra cảnh báo tương tự cho mùa đông 2023-2024. Phát biểu trước truyền thông địa phương, ông Klaus Mueller cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc và nếu mùa đông lạnh giá, nguồn cung có thể thiếu.

"Khi đề cập tới việc làm đầy kho chứa, chúng ta hiện đang ở một mức độ khác so với năm ngoái... Nhưng yếu tố lớn nhất vẫn là thời tiết. Khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc", Reuters dẫn lời ông Mueller vào đầu tháng 6 vừa qua.

Trung Quốc luôn là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giá năng lượng trong thời gian còn lại của năm. Cho đến nay, sự phục hồi kinh tế của quốc gia châu Á này gập ghềnh hơn so với dự kiến ban đầu, và điều này đã dẫn đến giá năng lượng thấp hơn trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu hàng hóa của Australia sẽ giảm từ mức cao kỷ lục

Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia đã báo cáo rằng xuất khẩu hàng hóa của nước này đã tăng mạnh trong năm tài chính vừa qua do giá năng lượng tăng nhưng sẽ giảm khi giá giảm trở lại.

Dữ liệu cho thấy, xuất khẩu năng lượng và tài nguyên khác trong năm tài chính 2022 -2023 đã tăng 9%, đạt giá trị cao kỷ lục khoảng 300 tỷ USD, tương đương 460 tỷ AUD. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm 15% trong năm tài chính tiếp theo xuống còn khoảng 260 tỷ USD, tương đương 390 tỷ AUD, giảm hơn nữa trong năm sau, xuống còn khoảng 290 tỷ USD, tương đương 344 tỷ AUD.

Xuất khẩu LNG của Australia đạt kỷ lục vào năm 2022, đạt 81,4 triệu tấn, cao hơn 0,5% so với xuất khẩu của năm trước. Hầu hết xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai, theo dữ liệu từ EnergyQuest công bố đầu năm nay.

Trong năm tài chính hiện tại, xuất khẩu LNG dự kiến sẽ giảm đáng kể 27% về giá trị do giá quốc tế giảm. Xuất khẩu than cũng dự kiến sẽ giảm khoảng 40%.

Điều thú vị là, xuất khẩu kim loại và khoáng chất quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng được cho là hầu như không thay đổi trong năm tài chính hiện tại, ở mức khoảng 27 tỷ USD, tương đương 40 tỷ AUD, là mức đạt được trong năm tài chính 2022-2023. Bộ này cho biết đây là con số gấp đôi mức xuất khẩu kim loại quan trọng của năm 2021-2022.

Iraq xuất khẩu hơn 100 triệu thùng dầu thô vào tháng 6

Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết ngành này đã thu về 7,1 tỷ USD cho đất nước từ xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 6 vừa qua.

Cụ thể, Iraq đã xuất khẩu 100,59 triệu thùng dầu thô trong tháng 6. Theo số liệu từ Tổ chức Tiếp thị Dầu mỏ nhà nước Iraq, giá dầu thô trung bình của Iraq giai đoạn này là 71,1 USD/thùng.

Trong số này, 98,72 triệu thùng dầu đã được xuất khẩu từ các mỏ ở miền Trung và miền Nam Iraq qua cảng Basra. Ngoài ra, gần 1 triệu thùng từ mỏ dầu Qayyara ở tỉnh Nineveh phía Bắc, cùng 299.445 thùng dầu đã được cung cấp cho nước láng giềng Jordan trong tháng 6.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Iraq đã dừng xuất khẩu 450.000 thùng/ngày từ các cảng miền Bắc tới cảng Ceyhan trên Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Baghdad đã thắng trong một vụ kiện kéo dài với Ankara liên quan đến cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận khi cho phép chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) xuất khẩu dầu thô thông qua một đường ống dẫn đến cảng Ceyhan.

Nhiều nguồn tin nói về việc chính phủ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán về thỏa thuận nối lại xuất khẩu dầu mỏ từ khu vực KRG, song trên thực tế, cho tới nay, dầu vẫn chưa thể thông dòng.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-iea-canh-bao-gia-nang-luong-co-the-tang-dot-bien-688614.html