Tin thế giới 27/9: Chỉ huy Hạm đội Biển đen bất ngờ xuất hiện, Triều Tiên trục xuất binh sĩ Mỹ vượt biên

Ukraine tấn công mạnh ở Zaporizhzhia, Trung Quốc chỉ trích biện pháp hạn chế của Mỹ, Đại sứ Pháp rời Niger… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Tướng Viktor Sokolov, người được cho là đã bị Ukraine 'tiêu diệt', bất ngờ xuất hiện trong một đoạn video trên kênh truyền hình thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ngày 27/9. (Nguồn: TASS)

Chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Tướng Viktor Sokolov, người được cho là đã bị Ukraine 'tiêu diệt', bất ngờ xuất hiện trong một đoạn video trên kênh truyền hình thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ngày 27/9. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Chỉ huy Hạm đội Biển Đen Nga bất ngờ xuất hiện trong video: Ngày 27/9, một đài truyền hình do Bộ Quốc phòng Nga điều hành đã chiếu đoạn video phỏng vấn Chỉ huy Hạm đội Biển Đen Viktor Sokolov, vài ngày sau khi Ukraine tuyên bố ông này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa vào trụ sở hải quân Nga ở bán đảo Crimea. Trong video, vị chỉ huy cho biết Hạm đội Biển Đen Nga đang hoạt động thành công. Hiện chưa rõ liệu phát biểu trong đoạn clip này có được quay sau cuộc tấn công tên lửa của Ukraine vào ngày 22/9 hay không.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: “Rõ ràng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước và sử dụng thông tin tình báo của phương Tây, thiết bị vệ tinh của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và máy bay trinh sát”. Theo bà, cuộc tấn công tên lửa này được thực hiện “trong sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tình báo Mỹ và Anh”.

Hôm 25/9, Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga trong cuộc tấn công bằng tên lửa hồi tuần trước vào căn cứ hải quân Nga ở bán đảo Crimea. Viết trên mạng xã hội, Lực lượng đặc nhiệm của Ukraine cho hay: “34 sĩ quan đã thiệt mạng, trong đó có Chỉ huy hạm đội Biển Đen. 105 người khác bị thương. Trụ sở chính của hải quân Nga không thể sửa chữa được nữa”. (AFP/Reuters)

* Ukraine tấn công mạnh ở Zaporizhzhia: Tối 26/9, chỉ huy nhóm quân Tavria của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) Alexander Tarnavsky thông báo sẽ sớm có những thông tin “tốt lành” từ hướng mặt trận Zaporizhzhia, nơi đang diễn ra cuộc phản công của VSU ở Rabotino-Verbovoe thuộc hướng Orekhovsky.

Tối cùng ngày, trên Internet bắt đầu xuất hiện thông tin về một cuộc tấn công đáng kể của VSU ở hướng làng Verbovoye. Sau đó, phía Nga cho biết cuộc tấn công đã bị đẩy lùi. Theo các nguồn tin Ukraine, giao tranh đang diễn ra ở phía Đông và Đông Nam Verbovoye. Mặt khác, các nguồn tin của Ukraine cho biết, các đơn vị dự bị của Nga được cho là đang di chuyển đến khu vực này.

Trong khi đó, thông tin từ đại diện hội đồng chính quyền thân Nga của tỉnh Zaporizhzhia, ông Vladimir Rogov cho biết rạng sáng 27/9, VSU đã bắt đầu một cuộc tấn công chủ động với số lượng lớn xe bọc thép cùng 4 đại đội.

Trước đó, hôm 26/9, trang Telegram “WarGonzo” dẫn nguồn các phóng viên chiến trường cho biết, sau các cuộc pháo kích dữ dội, VSU đã tiến tới ngoại ô phía Bắc Novoprokopovka. Các phân đội cũng đang di chuyển từ phía Đông Bắc, cố chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga qua các vành đai rừng. (TASS)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc chỉ trích hạn chế kinh tế của Mỹ: Ngày 27/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc Washington gần đây bổ sung một số thực thể Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, vì cái gọi là liên quan đến các hoạt động quân sự hoặc quan hệ với Iran hoặc Nga. Theo người phát ngôn này, Mỹ đã quá phóng đại khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sử dụng quyền lực nhà nước để hạn chế các doanh nghiệp và cá nhân không phải của Mỹ, tất cả đều là những hành động hạn chế kinh tế và đơn phương bắt nạt điển hình.

Quan chức này cũng nhận định Mỹ nên sửa chữa ngay lập tức hành vi sai trái và ngừng “đàn áp vô căn cứ” các công ty và cá nhân Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. (Tân Hoa xã)

Nam Á

* New Delhi nhấn mạnh lập trường về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 26/9, phát biểu khai mạc Hội nghị Tư lệnh quân đội khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPACC) lần thứ 13 ở New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã nhắc lại sự phản đối hành vi bá quyền, đồng thời nói rằng “Ấn Độ ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ”. Ông cũng kêu gọi phối hợp các nỗ lực và trí tuệ tập thể để giải quyết những vấn đề phức tạp ở đây, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của khu vực để bảo đảm một tương lai thịnh vượng, an ninh và bao trùm.

Theo Bộ trưởng Rajnath, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một mạng lưới phức tạp các thách thức an ninh, bao gồm tranh chấp biên giới và nạn cướp biển. Ấn Độ ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ trong khi theo đuổi an ninh và thịnh vượng chung.

Đồng thời, ông xác định “Láng giềng trên hết” là nền tảng của văn hóa Ấn Độ. Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với khu vực được xác định bởi “Chính sách hành động hướng Đông”. Bộ trưởng Rajnath nhắc lại tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi về việc tham gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên 5 nguyên tắc: Tôn trọng, Đối thoại, Hợp tác, Hòa bình và Thịnh vượng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Rajnath nói thêm rằng, việc chính phủ Ấn Độ nỗ lực hướng tới xây dựng quan hệ đối tác quân sự mạnh mẽ với các nước thân thiện nhấn mạnh cam kết của nước này, không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn giải quyết các thách thức toàn cầu mà tất cả các bên phải đối mặt. Ông coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là ví dụ điển hình về thỏa thuận quốc tế nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hàng hải và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ “quan ngại” chồng chéo của các quốc gia. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Triều Tiên trục xuất binh sĩ Mỹ vượt biên trái phép: Ngày 27/9, KCNA (Triều Tiên) đưa tin Bình Nhưỡng đã quyết định trục xuất binh sĩ Mỹ Travis King, người đã thú nhận rằng, anh ta xâm nhập trái phép vào quốc gia Đông Bắc Á này.

Trước đó, công bố kết quả cuối cùng trong cuộc điều tra Travis King vượt biên vào tháng 7, KCNA cho hay nhân vật này đã có cảm xúc tiêu cực về cách đối xử vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, KCNA không nêu rõ Travis King sẽ bị trục xuất ra sao. Trước đó, Bình Nhưỡng từng nói rằng, Travis King muốn tị nạn ở Triều Tiên hoặc nơi khác vì lý do tương tự. (KCNA)

Trung Á

* Azerbaijan bắt cựu quan chức hàng đầu của Karabakh: Ngày 27/9, đài RBC (Nga) cho biết lực lượng an ninh Azerbaijan đã bắt giữ ông Ruben Vardanyan, cựu quan chức hàng đầu trong chính quyền Armenia ly khai ở Nagorno-Karabakh, khi ông này cố gắng rời khỏi đây. Thông tin này do vợ ông cung cấp. Ông Vardanyan từng là người đứng đầu chính quyền ly khai Karabakh từ tháng 11/2022 - 2/2023. Hiện ông Vardanyan chưa phản hồi về thông tin này. (Reuters)

* Hơn 400 người thiệt mạng trong cuộc tấn công của Azerbaijan: Ngày 27/9, Azerbaijan thông báo 192 binh sĩ và một dân thường của nước này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công chớp nhoáng tuần trước nhằm vào lực lượng ly khai người Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, Bộ Y tế Azerbaijan cho biết, hơn 500 binh sĩ nước này cũng bị thương trong chiến dịch kéo dài một ngày. Hiện tổng số người thiệt mạng do cuộc tấn công hiện lên tới hơn 400 người, sau khi các lực lượng ly khai Armenia đã cập nhật số người thiệt mạng lên thành 213.

Cùng ngày, Armenia cho hay 42.500 người tị nạn từ Nagorno-Karabakh đã đến nước này kể từ sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan, chiếm một phần ba dân số của vùng lãnh thổ ly khai có đa số người Armenia sinh sống. (AFP)

* Đức kêu gọi Azerbaijan cho phép quan sát viên quốc tế tới Karabakh: Ngày 27/9, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã kêu gọi Baku cho phép quan sát viên quốc tế tiếp cận Nagorno-Karabakh. Bà cũng cho biết: “Tôi đã quyết định tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo một lần nữa và tăng nguồn tài trợ bổ sung cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế từ 2 lên 5 triệu Euro (5,28 triệu USD)”. (Reuters)

Châu Âu

* Nga: OSCE đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng nhất: Ngày 27/9, phát biểu với hãng tin RIA Novosti (Nga), Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich nói: “OSCE phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập. Các trụ cột hoạt động cơ bản của tổ chức này đang bị phá hủy một cách có hệ thống. Trong tình thế này, Nga đang cố gắng cứu OSCE mà không phá hủy tổ chức này”. (Sputnik)

* Ba Lan cảnh báo tình trạng biên giới với Đức: Ngày 26/9, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết nước này “đang xem xét một số biện pháp kiểm soát đối với biên giới Ba Lan-Đức” do dòng người di cư từ Italy.

Động thái của Ba Lan được đưa ra sau khi ngày 23/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Warsaw làm rõ các cáo buộc về bê bối cấp thị thực tại Bộ Ngoại giao Ba Lan. Đức cũng tuyên bố sẽ thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ hơn với Ba Lan và Czech nhằm chống lại nạn buôn người.

Trước đó cùng ngày, Ba Lan đã tiến hành kiểm tra một số phương tiện nhập cảnh từ Slovakia. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski, lực lượng biên phòng nước này nghi ngờ các phương tiện có thể chở người di cư bất hợp pháp.

Hiện Slovakia cũng đang phải đối mặt với tình trạng di cư bất hợp pháp gia tăng. Theo Bộ Nội vụ của quốc gia này, chỉ riêng trong năm nay, nước này đã bắt giữ hơn 27.000 người di cư bất hợp pháp, tăng gấp 9 lần so với năm 2022. (TTXVN)

Châu Mỹ

* Mỹ, Chile tăng cường quan hệ: Ngày 26/9, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ sau Đối thoại chính trị-quân sự 2023 giữa quan chức hai nước nêu rõ: “Cuộc đối thoại tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ chính trị-quân sự song phương chặt chẽ với Chile, xác định các lĩnh vực an ninh cùng quan tâm và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác của chúng tôi trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hòa bình, quốc phòng và thương mại chiến lược cũng như chia sẻ thông tin”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự Jessica Lewis, cùng các quan chức khác của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã tham dự sự kiện này. Trong khi đó, Tổng Thư ký phụ trách Đối ngoại Bộ Ngoại giao Chile Alex Wetzig và Giám đốc An ninh quốc tế và Con người Ignacio Llanos đã góp mặt tại cuộc đối thoại.

Cuộc đối thoại diễn ra sau thông báo tháng 11 năm ngoái, trong đó Bộ Ngoại giao hai nước tuyên bố ý định khởi động lại Đối thoại chính trị-quân sự năm 2023 và tổ chức Đối thoại An ninh Không gian để giải quyết thách thức quốc phòng an ninh. (Sputnik)

Trung Đông-Châu Phi

* Đụng độ tiếp diễn giữa binh sỹ Israel và Lebanon: Ngày 27/9, Quân đội Lebanon thông báo binh sỹ nước này đã tiếp tục đụng độ với lực lượng vũ trang Israel (IDF) tại khu vực biên giới chung. Theo đó, thông báo cho biết phía Israel đã bắn đạn khói vào một đội tuần tra Lebanon đang hộ tống các công nhân dỡ bỏ các công trình “vi phạm”, do Israel dựng lên ở phía bắc Đường Xanh, ranh giới phân chia lãnh thổ giữa hai nước. Đáp lại, phía Lebanon đã bắn trả bằng đạn khói.

Vài tháng qua, căng thẳng đã bùng phát dọc theo biên giới Israel-Lebanon, nơi có lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) đang giám sát, không chỉ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Các nhóm chiến binh, bao gồm cả Hezbollah, đã nhiều lần bắn tên lửa sang Israel để phản đối về vấn đề của người Palestine.

Hiện IDF và đại diện LHQ hiện chưa đưa ra bình luận về vụ xung đột trên.

Trước đó ngày 23/9, xung đột cũng đã xảy ra giữa IDF và quân đội Lebanon gần biên giới chung khi một số phương tiện của phía Beirut được cho là xâm nhập vào lãnh thổ nhà nước Do Thái. (Times of Israel)

* Đại sứ Pháp rời Niger: Hai nguồn tin an ninh cho biết sớm ngày 27/9, Đại sứ Pháp tại Niger đã rời khỏi quốc gia Tây Phi này, một tháng sau khi chính quyền quân sự sở tại ra lệnh trục xuất ông. Trước đó, ngày 31/8, chính quyền quân sự Niger đã lệnh cho Đại sứ Sylvain Itte phải rời khỏi quốc gia Tây Phi này trong vòng 48 giờ để đáp trả hành động của Chính phủ Pháp mà họ cho là “đi ngược lại lợi ích của Niger”. Theo chính quyền quân sự Niger, cảnh sát đã được chỉ thị trục xuất Đại sứ Sylvain Itte. Trước đó, chính quyền quân sự Niger đã tuyên bố rằng Đại sứ Sylvain Itte không còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-279-chi-huy-ham-doi-bien-den-bat-ngo-xuat-hien-trieu-tien-truc-xuat-binh-si-my-vuot-bien-243899.html