Tin thế giới 21/10: Nga nêu quan điểm về Thủ tướng Anh, bà Meloni sẽ lập chính phủ Italy

Nga phản đối bắt giữ công dân theo ý Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói 'không' với ghế Thủ tướng, Phần Lan cảnh báo về Trung Quốc… là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Lãnh đạo EU và các nước thành viên trao đổi bên lề cuộc họp ngày 21/10 tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: AP/Getty Images)

Lãnh đạo EU và các nước thành viên trao đổi bên lề cuộc họp ngày 21/10 tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: AP/Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Âu

* Điện Kremlin phản đối bắt giữ công dân Nga theo yêu cầu của Mỹ: Ngày 21/10, Điện Kremlin đã lên án vụ bắt giữ 2 người Nga, trong đó có con trai của một quan chức cấp cao, ở châu Âu theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc trốn tránh trừng phạt và bán trái phép pháp công nghệ của Mỹ cho các công ty vũ khí Nga. Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và chúng tôi lên án việc thực hiện những vụ bắt giữ công dân Nga kiểu này”. Moscow nhấn mạnh sẽ làm “mọi thứ có thể” để bảo vệ các công dân Nga.

Hôm 20/10, Nga xác nhận Artyom Uss, con trai Thống đốc vùng Krasnoyarsk thuộc Siberia, đã bị bắt tại sân bay Malpensa, Milan, Italy trước đó theo yêu cầu của Mỹ. Trước đó, ngày 17/10, một công dân Nga khác cũng bị bắt tại Đức theo yêu cầu của Mỹ. (Sputnik)

* Điện Kremlin bình luận về cuộc bầu chọn Thủ tướng mới của Anh: Ngày 21/10, Điện Kremlin cho biết Nga không chắc Anh sẽ thể hiện “sự khôn khéo về chính trị” trong lựa chọn vị lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Liz Truss, đồng thời chỉ trích “quy trình nội bộ đảng” mà đảng Bảo thủ thiết lập để lựa chọn Thủ tướng tiếp theo. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng ông Boris Johnson quay trở lại làm Thủ tướng Anh, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Nga không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. (TASS)

* Thêm một Bộ trưởng của Anh tuyên bố không tranh cử để trở thành Thủ tướng: Ngày 21/10, phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông sẽ không tham gia cuộc tranh cử để thay thế bà Liz Truss làm Thủ tướng và đang nghiêng về việc ủng hộ cựu Thủ tướng Boris Johnson. Ông nhấn mạnh mình có thể mang lại giá trị tốt nhất cho người dân ở mảng quốc phòng và muốn tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Anh. Trước đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã bày tỏ mong muốn tiếp tục đảm nhiệm cương vị hiện tại và sẽ không tham gia cuộc đua trở thành Thủ tướng mới của nước Anh.

Các ứng cử viên Thủ tướng Anh cần ít nhất 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện đề cử. Nếu có 2 ứng cử viên, những người này sẽ cạnh tranh trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến ngày 24/10 với sự tham gia của các đảng viên Bảo thủ trên cả nước. Người chiến thắng sẽ được công bố ngày 28/10. (The Guardian)

* Italy: Bà Giorgia Meloni được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới: Tối ngày 21/10, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã triệu nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni tới thảo luận. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến việc bà Meloni được giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới. Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Italy, Chủ tịch đảng Anh em Italy (FdI) sẽ có mặt tại Cung điện Quirinale lúc 14h30 (giờ địa phương), tức khoảng 21h30' (theo giờ Hà Nội).

Trong cuộc tổng tuyển cử hôm 25/9, đảng FdI của bà Meloni đã giành được nhiều ghế nhất. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để thành lập một nội các mới diễn ra khó khăn hơn so với dự kiến khi đảng Tiến lên Italy (Forza Italia) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi phản ứng tiêu cực với việc bà Meloni từ chối các đề xuất về những vị trí then chốt mà ông đưa ra. (Reuters)

* Hungary sa thải Đại sứ ngay giữa Thượng đỉnh EU: Ngày 21/10, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã sa thải Đại sứ Gabor Baranyai, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Hungary tại Liên minh châu Âu (EU). Ông Baranyai bị yêu cầu phải thu dọn đồ đạc và rời vị trí của mình trong vòng 1 tiếng rưỡi.

Đáng chú ý, quyết định trên được ra trong lúc Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở trụ sở EU tại Brussels (Bỉ). Đặc biệt nữa, đây là hội nghị bàn về chủ đề năng lượng và ông Baranyai chuyên xử lý các vấn đề về năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua Định dạng Coreper I (Ủy ban thường trực đại diện Chính phủ các quốc gia EU). Các báo Hungary như Telex, HVG... nhận định việc ông Baranyai bị sa thải có thể liên quan đến vai trò của ông trong công tácchuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này.

Trước khi công tác tại Phái đoàn Hungary tại EU, ông Gabor Baranyai, 49 tuổi, từng công tác tại Đại sứ quán Hungary tại Brussels (1999-2003), đảm nhiệm vị trí Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và các cương vị công tác tại các Bộ Môi trường, Công nghệ và Tư pháp Hungary. (Politico)

* Phần Lan cảnh báo EU về sự phụ thuộc vào Trung Quốc: Ngày 21/10, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày thứ 2 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin khẳng định EU không nên có các sự phụ thuộc chiến lược và quan trọng vào Trung Quốc, dù điều đó không có nghĩa là gạt bỏ các liên kết kinh tế với Bắc Kinh. Bà nói: “Tôi nghĩ công nghệ là chìa khóa ở đây. Chúng ta phải nhìn vào tương lai. Đây có thể không phải là vấn đề ngày hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ là vấn đề tương lai.” (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ: Dỡ bỏ trừng phạt Iran, Venezuela sẽ làm dịu khủng hoảng năng lượng: Ngày 21/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu cho rằng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây với Iran và Venezuela sẽ làm dịu bớt khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay. Ông nêu rõ: “Cả thế giới cần dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Venezuela... Mặt khác, đã có lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Iran. Hãy gỡ bỏ những lệnh cấm vận này… nếu bạn muốn giá giảm, hãy gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với các quốc gia sẽ cung cấp sản phẩm của họ... Bạn không thể giải quyết vấn đề bằng cách đe dọa một quốc gia”.

Venezuela đã bị ảnh hưởng bởi trừng phạt dầu mỏ của Mỹ từ năm 2019, còn Tehran đang chịu trừng phạt của Washington khi đàm phán tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bị đình trệ. Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới, sau Nga, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng để tăng xuất khẩu. (AFP)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc nỗ lực tìm giải phóng công dân Hàn Quốc đang bị giam giữ ở Triều Tiên: Ngày 21/10, phát biểu tại cuộc gặp với gia đình của 2 trong số 6 người Hàn Quốc bị giam giữ ở Triều Tiên từ năm 2013, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se cho biết Chính phủ nước này sẽ tìm mọi giải pháp để giải phóng người Hàn Quốc bị giam giữ ở Triều Tiên. Cuộc gặp hiếm hoi được sắp xếp để giải thích các cam kết của Chính phủ Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề kéo dài này.

Theo quan chức này, quan hệ liên Triều băng giá sẽ là trở ngại lớn trong việc giải quyết vấn đề trên, song Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực tối đa để bảo vệ công dân của mình. Hiện tại, 6 người Hàn Quốc này, trong đó có 3 mục sư - Kim Jung Wook, Kim Kuk Gi và Choe Chun Gil - đã bị kết án lao động khổ sai chung thân vì tội làm gián điệp cho cơ quan tình báo Hàn Quốc. 3 người còn lại được biết là những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và đã có quốc tịch Hàn Quốc. (Yonhap)

Đông Nam Á

* Indonesia: Thiên tai không ảnh hưởng đến việc tổ chức Hội nghị G20: Ngày 21/10, Thống đốc Bali Wayan Koster cho rằng một số thảm họa thiên nhiên xảy ra tại Bali sẽ không ảnh hưởng đến việc tổ chức Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới ở đây: “Vấn đề lũ lụt đã được giải quyết và hiện tại đã an toàn. Chính quyền trung ương và các đại biểu tham dự G20 không phải lo ngại. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai do thời tiết khắc nghiệt đã được đảm bảo”.

Việc đối phó với ảnh hưởng của thiên tai ở một số quận đã được triển khai kịp thời, chính quyền địa phương đã xây dựng khu vực sơ tán an toàn cho người dân, các gia đình bị thiệt hại do lũ quét đã được bố trí nơi ở, sinh hoạt phù hợp. (Reuters)

Nam Á

* Pakistan cấm cựu Thủ tướng Imran Khan tranh cử trong 5 năm: Ngày 21/10, các hãng truyền thông địa phương đưa tin Ủy ban Bầu cử của Pakistan (ECP) đã quyết định tước quyền tranh cử của cựu Thủ tướng Imran Khan trong vòng 5 năm, vì tội bán bất hợp pháp quà tặng nhận được từ những người đứng đầu các quốc gia khác và các chức sắc nước ngoài.

Tuy nhiên, một vị Cố vấn của ông Khan cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa quyết định này của Ủy ban Bầu cử lên Tòa án Thượng thẩm Islamabad”.

Ông Imran Khan, 69 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2018, song liên minh của ông đã đánh mất đa số tại Quốc hội đầu năm 2022 sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi Chính phủ liên minh vì cho rằng ông đã không khôi phục được kinh tế sau đại dịch Covid-19 và không thực hiện được các cam kết khi tranh cử. Ông đã từ chức sau khi thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm và ngày 11/4, Quốc hội Pakistan đã bầu ông Shehbaz Sharif làm Thủ tướng Pakistan kế nhiệm. (AFP/Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2110-nga-neu-quan-diem-ve-thu-tuong-anh-ba-meloni-se-lap-chinh-phu-italy-202871.html