“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”: Độc đáo, kết nối và lan tỏa

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được UNESCO đánh giá cao bởi tín ngưỡng không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học”, là một “cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.

Không phải năm chẵn, nhưng với sự kiện “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm nay vẫn thu hút sự quan tâm của đồng bào người Việt ở cả trong và ngoài nước, cũng như bạn bè quốc tế.

Sau buổi lễ đón Bằng di sản có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ tiếp tục được tổ chức với các nghi thức trang trọng, với sự có mặt của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại diện ngoại giao nhiều nước tại Hà Nội cũng đến thắp hương ở đền Hùng, bày tỏ niềm thành kính trước Di sản văn hóa đã thuộc về nhân loại.

Các nghi lễ và sự kiện văn hóa quan trọng đang diễn ra càng thêm tôn vinh những giá trị đặc sắc của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức sống mãnh liệt và lâu bền của văn hóa Việt, cũng thêm một lần, để các thế hệ nhìn nhận lại và tự hào về truyền thống 4.000 năm.

Biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được UNESCO đánh giá cao bởi tín ngưỡng không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học”, là một “cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.

Bao đời nay, các vương triều, các làng xã thờ cúng Hùng Vương như một Thánh vương thiêng liêng. Theo GS Ngô Đức Thịnh, từ một niềm tin tín ngưỡng, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt, thể hiện tinh thần tôn trọng, biết ơn quá khứ, điều mà thế giới đang cần.

Vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.

Trước đây, một số người nhầm lẫn khi nghĩ rằng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chỉ gắn với Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), nhưng thực tế, phong tục thờ các vua Hùng, biểu tượng Quốc tổ - chính là sự chắt lọc, kết tinh và thăng hoa theo thời gian của tâm thức về nguồn cội, tâm thức gắn kết cộng đồng mà dân tộc ta luôn mang theo. Bởi vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trường hợp rất độc đáo trong văn hóa thế giới.

Theo PGS. Bùi Quang Thanh thì điểm độc đáo ở đây là việc Quốc tổ Hùng Vương được nhân dân Việt Nam tôn vinh, nhưng lại không chiếm thế độc tôn tại bất kì sinh hoạt tín ngưỡng nào. Sử sách ghi lại rằng tục thờ cúng Hùng Vương đã phát triển rất mạnh từ thế kỷ XII - trước khi chính thức được vinh danh vào thời Lê Thánh Tông (1470). Từ thời điểm đó, việc tham gia tôn vinh Quốc tổ của dân tộc Việt được duy trì khá đều đặn trong toàn cộng đồng và liên tục phát triển mở rộng theo tiến trình lịch sử.

Điều thú vị, không chỉ “mở cửa” cho cộng đồng tham gia tiến hành tôn vinh các triều đại Hùng Vương, các triều đại phong kiến cũ đều rất chú trọng tìm mọi cách để “khuyến khích” người dân duy trì tín ngưỡng này. Thậm chí, tại nhiều nơi, các vua Hùng còn được “bình dân hóa”, với việc bài vị của ngài được người dân đưa về nhà, phối thờ tại bàn thờ dòng họ.

Tiếp tục phát huy sức mạnh kết nối và lan tỏa

Theo GS. Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, kể từ khi bắt tay vào xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO vinh danh cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mới nhận biết là từ thời nhà Nguyễn, trọng tâm của nghi thức thờ cúng đã dồn hết về núi Nghĩa Lĩnh với 3 ngôi đền Hạ, Trung và Thượng.

Trong số di tích thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ đã có tới 20% công trình đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến nhiều tục lệ thờ cúng Vua Hùng có ý nghĩa bị bỏ qua, lãng quên: Ở làng He, có tục sau khi tiễn ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp, thì ngày 24 là lễ rước Vua Hùng về ăn Tết, mùng 8 tháng Giêng có lễ tiễn công chúa đi lấy chồng. Thế nhưng những tập tục này hầu như bị bỏ qua, mà chỉ tập trung vào nghi thức thờ cúng ở đền Hùng.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, ông Bền cho rằng nên khôi phục lại những tục lệ đó tại 120 làng ở Phú Thọ cũng như trên cả nước.

Cũng theo ông Bền, cùng với việc được vinh danh, thì yêu cầu về việc bảo tồn với di sản cũng đòi hỏi gay gắt và nghiêm cẩn hơn trước. Đơn cử như việc gìn giữ các nghi thức thờ cúng Hùng Vương có những bí quyết như bí quyết chọn hạt gạo nếp thế nào để gói bánh chưng cho ngon, làm thế nào giã bánh giày cho dẻo, dần dần mất đi. Việc ghi chép lại, văn bản hóa những tập tục, nghi lễ thờ cúng để trao truyền cho các thế hệ kế tiếp đang gặp nhiều khó khăn.

Một khó khăn khác nữa là việc giáo dục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất khó đưa vào trường học, chúng ta không thể bắt buộc thế hệ trẻ phải học, bởi vì đã có Pháp lệnh Tôn giáo và tín ngưỡng rồi, trong đó quy định người dân hoàn toàn được tự do tín ngưỡng. Hơn nữa, bản chất của tín ngưỡng là câu chuyện của niềm tin, xúc cảm, không thể giải thích bằng khoa học lý tính.

Song dù có khó nhưng ông cũng như những người đồng sự đều tin rằng với sức sống hàng ngàn năm của một truyền thống tốt đẹp, với dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ mãi trường tồn và lan tỏa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2013/4/196659.cand