Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Điểm tựa tinh thần, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc, nơi khởi nguồn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng ấy đã được các thế hệ người Việt sáng tạo, gìn giữ bao đời nay, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Du khách thập phương về Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng.

Ảnh: Trọng Bằng

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, có gốc rễ từ lòng biết ơn, sự trân trọng quá khứ, nguồn cội. Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, cộng đồng cư dân ở vùng trung tâm tụ cư và phát triển của người Việt Cổ - nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Hồng, sông Lô và sông Đà, trung tâm là khu vực Đền Hùng ngày nay đã chọn núi Nghĩa Lĩnh - Đền Hùng làm nơi thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ thần tự nhiên (thờ Trời, Đất).

Tại vùng đất cội nguồn này (Phú Thọ ngày nay) là nơi ra đời truyền thuyết về “Cha Rồng, Mẹ Tiên”, “Bọc trăm trứng” để nói về nguồn gốc của cộng đồng dân tộc Việt. 18 đời Hùng Vương được truyền nối đã dựng lên nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc. Truyền thuyết Hùng Vương đã xây dựng hình ảnh các Vua Hùng là hình tượng văn hóa, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Là cội nguồn sức mạnh tạo nên điểm tựa tinh thần bất tử trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, từ đời Lý, Trần, Lê đến thời đại Hồ Chí Minh, Đền Hùng luôn được nhân dân ngày đêm hương khói, thờ phụng và tôn tạo.

Trong văn hóa của người Việt, xu hướng “lịch sử hóa” các nhân vật huyền thoại và truyền thuyết đã giúp cho vị anh hùng văn hóa Hùng Vương từng bước trở thành thành hoàng làng được thờ cúng ở các đình, đền tại các làng xã của tỉnh Phú Thọ và trở thành tổ tiên của cả dân tộc được thờ tự với tư cách là vị Vua Tổ của người Việt. Trải qua thời gian, việc thờ cúng Hùng Vương được cộng đồng người Việt duy trì thờ tự và vun đắp. Xuất phát từ nhu cầu quy tụ lòng người, cố kết cộng đồng quốc gia dân tộc, các triều đại Lý, Trần, đặc biệt thời hậu Lê và Nguyễn đã sắc phong cho các đình, đền thờ Hùng Vương, ban ân điển và quy định các nghi lễ thờ cúng, cấp ruộng cho dân các làng xã xung quanh Đền Hùng canh tác lấy hoa lợi để coi sóc đền thờ, thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với các thể chế chính trị thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương từ quy mô làng xã của một tỉnh thành ngày Quốc lễ với nghi thức quốc gia bởi tín ngưỡng này phù hợp với lòng dân, đáp ứng đúng nhu cầu lịch sử đặt ra nên có được sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Từ đó, Hùng Vương trở thành vị Vua Tổ của dân tộc và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng văn hóa được người dân ở khắp mọi miền đất nước hướng tới, được cộng đồng người Việt tự nguyện tôn thờ từ đức tin và sự ngưỡng vọng của họ, điều này cũng là sự lý giải vì sao ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội của dân tộc, hàng triệu người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hành hương về vùng Đất Tổ linh thiêng để dâng nén tâm hương lên Tổ tiên của mình.

Với chủ trương, chính sách của nhà nước ta hiện nay, người dân được tự do tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật. Người Việt tin theo nhiều tôn giáo, nhưng dù theo Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, đạo Cao Đài hay Hòa Hảo..., trong mỗi gia đình, nơi trang trọng nhất bao giờ cũng có ban thờ tổ tiên. Cũng như vậy, Hùng Vương từ người anh hùng văn hóa trong truyền thuyết đã bước vào cuộc đời thực của cuộc sống người Việt với tư cách là một biểu tượng tối linh được ngưỡng mộ, thờ cúng, tôn vinh. Đó là hiện tượng văn hóa độc đáo của người Việt, là tiêu chí cơ bản để tổ chức UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt được lan tỏa và mang theo trong tâm thức trái tim và trong hành trang mở nước về phương Nam. Với ý thức hướng về cội nguồn, những lưu dân ở Trung bộ, Nam bộ đã xây dựng nên những ngôi đền thờ Hùng Vương, họ coi đó là điểm tựa tinh thần vững chắc để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống trên vùng đất mới.

Tín ngưỡng Hùng Vương là sự kết hợp của hội tụ và lan tỏa (từ trung tâm thực hành Tín ngưỡng - Đền Hùng - Phú Thọ đến các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước), lan tỏa và hội tụ (tất cả các di tích thờ Hùng Vương đều thống nhất tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính), trở thành tín ngưỡng của cả cộng đồng người dân Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức UNESCO vinh danh, mang tầm quốc tế nhưng nội hàm của di sản này không mang tính bác học, khó hiểu mà mang tính bình dị, dễ hiểu, đời thường như hơi thở, bữa ăn trong cuộc sống người dân Việt vậy. Không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, giới tính, độ tuổi,... hễ là người dân đất Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều tự nguyện tin theo, trân trọng tuyệt đối, tự nguyện thờ cúng Hùng Vương.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong dòng chảy văn hóa truyền thống, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa được triển khai sâu rộng, thu hút nhiều nguồn lực xã hội, khẳng định di sản do cộng đồng sáng tạo và nắm giữ, trao truyền, lan tỏa, cộng đồng thực sự là chủ nhân của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là nhu cầu văn hóa tâm linh, có sức sống lâu bền trong đời sống của người dân Việt, là điểm tựa tinh thần, là sợi dây gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lê Trường Giang

Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-diem-tua-tinh-than-gan-ket-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc/209996.htm