Tín hiệu vui từ môn nhảy cầu

Đội tuyển nhảy cầu Việt Nam với nòng cốt là lực lượng Hà Nội đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Điều đáng nói, đó là việc gương mặt trọng điểm Ngô Phương Mai đã có thể 'đổi màu' huy chương, còn các gương mặt mới 'trình làng' cũng có những màn thể hiện đầy ấn tượng, hứa hẹn bước phát triển mới, nếu được đầu tư bài bản, khoa học.

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31, đội nhảy cầu có 13 thành viên, gồm 9 thành viên của Hà Nội, 2 của Hải Phòng, 2 của Quảng Ninh. Ban huấn luyện gồm các huấn luyện viên Trương Anh Tài, Hoàng Thanh Trà (Hà Nội), Đào Quốc Bình (Hải Phòng). Như vậy, có thể khẳng định Hà Nội thực sự là nòng cốt của đội.

Tranh tài cùng các đội Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines… từ ngày 8 đến 11-5 tại Cung thể thao dưới nước (Mỹ Đình, Hà Nội), đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đã giành được 2 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng, xếp thứ ba toàn đoàn, sau Malaysia (8 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng) và Singapore (3 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng).

Đánh giá về kết quả thi đấu của đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Trương Ngọc Lan, người đã gắn bó với việc gây dựng lực lượng đội nhảy cầu từ buổi khởi đầu hơn 20 năm về trước, chia sẻ: “Các vận động viên đã thi đấu vô cùng nỗ lực và quyết tâm. Vận động viên Ngô Phương Mai với hơn 10 năm gắn bó với nhảy cầu đã thi đấu rất thành công. Còn các gương mặt trẻ của Hà Nội đều mới 15 tuổi, nhưng đã rất chững chạc ở lần đầu tiên thi đấu tại SEA Games. Tiêu biểu là Nguyễn Quang Đạt, Đặng Hoàng Tú với màn thể hiện ấn tượng ở nội dung đôi nam cầu cứng 10m, giành được tấm Huy chương đồng giá trị”.

Tấm Huy chương bạc còn lại của đội Việt Nam thuộc về Nguyễn Tùng Dương (Hải Phòng) - Phương Thế Anh (Quảng Ninh) ở nội dung đôi nam cầu mềm 3m. Nội dung này ban đầu có 4 quốc gia đăng ký tham dự, nhưng 2 vận động viên của Thái Lan và Singapore rút lui, nên dù thua Malaysia, đôi vận động viên Việt Nam vẫn được trao Huy chương bạc.

“Tuy nhiên, xem vận động viên thi đấu, có thể khẳng định, chúng ta không thua kém nhiều so với đội bạn. Các em đã thể hiện được kỹ năng, độ khó trong bài thi đấu, giành huy chương rất xứng đáng”, huấn luyện viên Hoàng Thanh Trà, trọng tài môn nhảy cầu tại SEA Games 31 khẳng định.

Bản lĩnh vượt khó

Dù là chủ nhà, nhưng đội nhảy cầu của Việt Nam lại thiệt thòi hơn nhiều so với đội bạn trong hành trình chuẩn bị SEA Games 31. Nhiều năm nay, đội không có chuyên gia nước ngoài huấn luyện. Trong khi đó, tại SEA Games 31, Singapore có chuyên gia Trung Quốc và Australia, Thái Lan có chuyên gia người Mỹ, còn Malaysia thậm chí có đến gần chục chuyên gia Trung Quốc hỗ trợ.

Huấn luyện viên Trương Anh Tài chia sẻ: “Malaysia có lực lượng đồng đều, mạnh, đẳng cấp thế giới, được tập luyện và thi đấu quanh năm, hầu như chỉ nghỉ Tết. Singapore không mạnh hơn Việt Nam nhiều, nhưng họ có điều kiện tập luyện tốt hơn. Philippines chỉ cử 1 vận động nữ thi đấu nhảy cầu, nhưng có tới 5 người hỗ trợ…”.

Hai năm qua, đội nhảy cầu Việt Nam không được tập huấn, thi đấu nước ngoài. Ở trong nước, việc tập luyện rất khó liền mạch, do hệ thống tập luyện ở Cung thể thao dưới nước, hay bể nhảy cầu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội đều thiếu hệ thống sưởi ấm không khí, vận động viên rất khó tập luyện vào mùa đông. Trong quá trình chuẩn bị SEA Games 31, các công trình này được nâng cấp, cũng đồng nghĩa với việc vận động viên phải chuyển địa điểm tập luyện xuống bể nhảy cầu ở Quảng Ninh - một công trình mới được xây dựng, thiếu nhiều thiết bị luyện tập, nhất là không có nhà lưới tập khởi động. “Đội chỉ được làm quen với địa điểm thi đấu trước các đội bạn một thời gian ngắn, còn các vận động viên phải “tập cạn” rất nhiều trong hành trình chuẩn bị”, huấn luyện viên Trương Anh Tài chia sẻ.

Trong bối cảnh ấy, kết quả thi đấu của các vận động viên chủ nhà thực sự rất đáng ghi nhận. Đó là nhờ sự linh hoạt của các thầy trong việc chủ động tìm kiếm các bài tập trên mạng, cài app quay chậm giúp vận động viên rèn, sửa động tác, nghiên cứu, vận dụng các mối quan hệ để tìm tài liệu mới nhất.

Nhảy cầu có trong chương trình thi đấu của tất cả các kỳ đại hội thể thao trên toàn thế giới, bao gồm cả Thế vận hội. Việt Nam đã có được những thành quả trong đầu tư, tiêu biểu là 2 tấm huy chương ở Giải trẻ vô địch châu Á năm 2005 của Hoàng Thanh Trà. Chính vì vậy, với việc các công trình tập luyện, thi đấu của nhảy cầu được nâng cấp, sửa chữa dịp SEA Games 31, nếu được đầu tư tập luyện liên tục, thường xuyên, bố trí tập huấn, thi đấu nước ngoài khi tiết trời lạnh, các gương mặt trẻ của nhảy cầu Việt Nam vừa “trình làng” tại SEA Games 31, chắc chắn có thể chinh phục những đỉnh cao hơn.

Minh Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1031868/tin-hieu-vui-tu-mon-nhay-cau