Tín hiệu vui từ các doanh nghiệp dệt may

Năm 2024, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối diện nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các thị trường nhập khẩu đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế... Do đó, để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành dệt may đang chủ động thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

May quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Yakjin Việt Nam (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng sản xuất và cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Đây là những tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Ông Baek Jung Hyun -Tổng giám đốc Công ty TNHH Seshin Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì cho biết: “Năm 2023, trong khi toàn ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, chủ động chọn việc khó để làm, giúp đơn vị giữ vững được các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Các đơn hàng của Công ty tăng lên từ quý IV năm 2023. Cùng với đó, theo nhận định thị trường của các chuyên gia đầu ngành, năm 2024 sẽ là năm phục hồi trở lại của ngành dệt may Việt Nam. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 2.200 lao động của Công ty đã đồng loạt ra quân sản xuất với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu theo kế hoạch. Hiện tại, Công ty đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo”.

Tương tự, ông Jeon Kyu HWan- Giám đốc Công ty TNHH Shillim Việt Nam ở phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu khẳng định: “Trước những thách thức của thị trường xuất hiện trong năm 2023, quan điểm điều hành của Công ty là giữ ổn định việc làm dù không có tăng trưởng, mặc dù một số đơn vị bị giảm doanh thu nhưng thu nhập của 500 người lao động vẫn được duy trì ở mức 7-8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, năng suất lao động được tăng lên nhờ vào chiến lược đầu tư chiều sâu nhằm bù đắp cho đơn giá gia công giảm, thực hành tiết kiệm tối ưu hóa lợi nhuận. Năm 2024, thị trường còn nhiều biến động khó lường, Công ty sẵn sàng đón nhận cả những thách thức và tín hiệu tốt, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị rủi ro khi thị trường đảo chiều, sẵn sàng vượt khó để hoàn thành các mục tiêu trên 3,5 triệu sản phẩm”.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện với những khó khăn chưa từng có khi bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giảm... khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam bị giảm.

Các đơn hàng mới trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi, hướng đến năm 2024 khởi sắc, ấm dần của thị trường. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Trong đó, giải pháp chính sẽ tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; đặc biệt, thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may,... Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; ứng dụng công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao... đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tin-hieu-vui-tu-cac-doanh-nghiep-det-may/208630.htm