Tín hiệu vui trong gỡ khó nguồn đất san lấp

Thời gian qua, nguồn vật liệu san lấp khan hiếm, kéo theo tiến độ thực hiện nhiều dự án ở các địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 1), còn thiếu hơn 600.000m3 đất san lấp.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 1), còn thiếu hơn 600.000m3 đất san lấp.

Thời gian qua, không riêng Thái Nguyên mà hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước gặp khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư xây lắp do thiếu nguồn vật liệu san lấp (đất san lấp).

Nguyên nhân được xác định là do số lượng mỏ khai thác đất san lấp được cấp phép ít, công suất khai thác thấp, số lượng mỏ chưa đồng đều giữa các địa phương. Cùng với đó, việc cấp phép mỏ khai thác đất san lấp mất nhiều thời gian, thủ tục pháp lý phức tạp, vì đất, đá, cát sỏi thuộc danh mục khoáng sản.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, khoảng từ năm 2015 trở lại đây, tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng diễn ra nhanh chóng, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp tăng mạnh. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc quản lý đất đai tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo nên có tình trạng trà trộn, sử dụng đất san lấp không rõ ràng về nguồn gốc.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý tình trạng khai thác đất trái phép. Cộng với việc triển khai nhiều dự án cần khối lượng vật liệu san lấp lớn, nên có thời điểm giá đất san lấp mua tại chân công trình tăng 35-40% so với giá được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm (TP. Thái Nguyên), cho biết: Chúng tôi đang thi công Khu tái định cư Huống Thượng (TP. Thái Nguyên). Nếu mua đất san lấp từ mỏ đất Quang Sơn (Đồng Hỷ), giá về đến chân công trình sẽ là 130 nghìn đồng/m3, tăng thêm gần 50 nghìn đồng/m3 so với định mức của Dự án được phê duyệt, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Còn bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Dũng, chia sẻ: Trong năm 2022, có những thời điểm đơn vị không thể mua được đất san lấp do trên địa bàn có ít mỏ, công suất khai thác hàng năm hạn chế. Vì vậy, một số dự án đơn vị đang thực hiện bị ảnh hưởng về tiến độ.

Mỏ đất La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) là một trong 5 mỏ đất san lấp đang được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Mỏ đất La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) là một trong 5 mỏ đất san lấp đang được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, việc coi đất san lấp là khoáng sản khiến nhiều trường hợp khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, hoặc hộ gia đình cần san gạt hạ độ cao để xây dựng nhà ở, chống sạt trượt cũng gặp khó khăn. Trong trường hợp này, nếu muốn vận chuyển đất dư thừa ra ngoài diện tích đất của gia đình, hộ dân cần được cấp phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thẩm quyền cấp phép hoạt động của mỏ đất thuộc UBND cấp tỉnh, thủ tục cấp phép giống như các mỏ khoáng sản khác. Việc cấp phép hoạt động của mỏ đất phải đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản, như: Đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường, xin quyết định chủ trương đầu tư...

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại, chủ mỏ đất Núi Đậu, ở xã Minh Đức (TP. Phổ Yên): Mặc dù việc cấp phép mỏ có rất nhiều thủ tục hành chính nhưng đất san lấp có giá trị thấp, thời hạn khai thác ngắn, chỉ khoảng 3-5 năm. Thêm nữa, khai thác mỏ đất lại thuộc danh mục dự án doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nên việc giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào mỏ đất.

Ông Cường nhận định: Khi vật liệu san lấp được bỏ ra khỏi danh mục khoáng sản sẽ rất thuận tiện cho các dự án xây dựng. Đây được coi là giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn hiện nay trong vấn đề đất san lấp. Tuy nhiên, cần có cơ chế quản lý thích hợp của Nhà nước để tránh thất thu thuế.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, trước những bất cập, không hợp lý trong vấn đề cấp phép mỏ đất san lấp, tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành chức năng xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng: Bỏ đất san lấp ra ngoài danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc sửa đổi, bổ sung, có hướng dẫn riêng, đơn giản hóa về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép khai thác đất san lấp.

Cụ thể, đối với trường hợp đề nghị khai thác đất làm vật liệu san lấp với diện tích, quy mô nhỏ (dưới 1ha; trữ lượng ≤ 30.000m3), thời gian khai thác ngắn (dưới 1 năm), chỉ cung cấp cho các công trình, dự án có địa chỉ cụ thể, thì không phải tiến hành đấu giá; không phải thăm dò, cấp phép cho chủ đầu tư hoặc đơn vị trúng thầu thi công.

Đối với trường hợp đề nghị khai thác đất làm vật liệu san lấp trong các dự án đầu tư xây dựng công trình phải san gạt mặt bằng, hạ thấp độ cao; các hộ gia đình san gạt tạo mặt bằng có lượng đất dư thừa: Cho phép chủ đầu tư hoặc các hộ gia đình thực hiện việc đăng ký khu vực, công suất, khối lượng đất với UBND cấp tỉnh (tương tự các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản). Giao cho chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình các chủ đầu tư hoặc hộ gia đình tổ chức thực hiện khai thác.

Nếu các phương án tháo gỡ khó khăn được thông qua thì một loạt công trình, dự án có ý nghĩa tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, liên kết và nội vùng trên địa bàn tỉnh sẽ được cung cấp đầy đủ nguồn vật liệu san lấp, góp phần đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202308/tin-hieu-vui-trong-go-kho-nguon-dat-san-lap-30225b6/