Tín hiệu tích cực từ các HTX mới thành lập

Tại những HTX mới thành lập, thành viên chuyên sản xuất hợp tác với thành viên làm kinh doanh, dịch vụ để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh giúp liên kết các khâu trong hoạt động kinh tế. Điều này phù hợp với yêu cầu sản xuất bền vững, đẩy mạnh tiêu thụ đối với các sản phẩm, dịch vụ của HTX. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của những HTX ra đời theo mô hình HTX kiểu mới.

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch trầm hương Phú Long ra đời mở ra sân chơi trầm hương đầu tiên cho các thành viên HTX. Ảnh: MINH DUYÊN

Hỗ trợ nhau cùng phát triển

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch trầm hương Phú Long (TP Tuy Hòa) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2023. Kết quả này là quá trình sau gần 1 năm cân nhắc và chuẩn bị những điều kiện cần thiết của các thành viên sáng lập.

Ông Hoàng Phú Long, Giám đốc HTX, tâm sự: Tôi có thể chế tác và tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trầm hương nhưng bị phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu… Trong khi đó những nguồn này do hộ cá thể khác nắm giữ. Họ lại phụ thuộc đầu ra từ phía những người thu mua, chế tác như tôi.

Để giải quyết khó khăn cho nhau, tạo ra một sân chơi trầm hương phát triển bền vững, chúng tôi liên kết nhau cùng hoạt động trong HTX. Khi ấy, tôi có nguồn nguyên liệu ổn định và những thành viên khác cũng có đối tác thu mua tin cậy. Hơn nữa, khi chuỗi trồng, chế tác, tiêu thụ trầm ổn định, HTX còn phát triển được mảng du lịch trải nghiệm, vừa thu hút khách du lịch vừa tăng nguồn thu cho thành viên.

Cũng ra đời khoảng tháng 8/2023, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp vận tải Tây Hòa (huyện Tây Hòa) tạo ra sự tương hỗ giữa những thành viên sản xuất nông nghiệp với các thành viên làm dịch vụ vận tải. Giống như hầu hết đơn vị kinh tế tập thể, HTX này ra đời cũng vì mục tiêu hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm để nâng cao đời sống hộ gia đình. Tuy nhiên, sự hỗ trợ ở đây là hỗ trợ nhau những khâu còn thiếu.

Theo ông Nguyễn Thành Sang, Giám đốc HTX này, HTX có 7 thành viên với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ vận tải; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây dược liệu, hương liệu... Nếu sản xuất ra nông sản mà chỉ biết ngồi chờ thương lái tới thu mua thì chắc chắn không bán được giá cao, còn khi chủ động được khâu vận chuyển, thành viên có thể chủ động tiêu thụ.

Đặc biệt khi đàm phán ký hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp, việc chủ động được khâu vận chuyển cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của hợp đồng.

“Giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy vai trò của vận chuyển trong phát triển sản xuất nông nghiệp, vì vậy những người làm dịch vụ vận tải liên kết với người sản xuất cùng thành lập HTX để hỗ trợ nhau làm kinh tế”, ông Sang chia sẻ.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trước kia những hộ sản xuất nông nghiệp tập hợp nhau lại cùng vào HTX. Khi ấy họ chia sẻ với nhau được kinh nghiệm sản xuất nhưng lại gặp khó ở khâu chế biến, vận chuyển và đặc biệt là khâu tiêu thụ. Nay các HTX mới ra đời có sự khác biệt, đó là có cả thành viên sản xuất, thành viên chế biến, tiêu thụ trong cùng HTX.

Từ đây chính thành viên đã là khách hàng của nhau, hỗ trợ nhau nâng cao dịch vụ và tạo ra sản phẩm chung dưới sự điều tiết của HTX. Điều này phù hợp với yêu cầu thị trường và đúng với bản chất hợp tác của HTX kiểu mới.

Hướng tới lợi ích cộng đồng

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tại huyện Sông Hinh, 3 HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng được thành lập. Cùng với chủ trương đẩy mạnh kết nối với vùng Tây Nguyên thông qua du lịch, các HTX không chỉ muốn khai thác để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn tạo liên kết thành tour du lịch độc đáo gồm núi rừng, đồng bằng với biển cả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), cho biết: Những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Lê Diêm là mảng sáng độc đáo thu hút khách du lịch khi tới Phú Yên. Nếu để bà con trong buôn tự làm thì rất khó thu hút khách bởi khoảng cách khá xa với trung tâm TP Tuy Hòa, khiến cho kết nối tour không liền mạch. Tôi muốn khắc phục hạn chế này bằng cách thành lập HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng buôn Lê Diêm.

“HTX này cùng với mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden (huyện Tuy An) tạo thành tour du lịch với đầy đủ trải nghiệm. Để tiếp tục quảng bá du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh, ngoài các nền tảng số như Facebook, Fanpage, website, HTX còn tổ chức nhiều hoạt động có sự tham gia của các khách mời nổi tiếng. Cụ thể, trong tháng 3 này, tôi sẽ mời hai nghệ sĩ Xuân Hương và Quốc Thuận tham gia trải nghiệm trực tiếp các hoạt động văn hóa tại buôn”, bà Thủy cho biết thêm.

Theo UBND huyện Sông Hinh, là một trong những cửa ngõ kết nối trực tiếp với vùng Tây Nguyên, địa phương tập trung phát triển cây ăn trái và hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa. Địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư để góp phần giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư.

“Chính sự thay đổi thành phần thành viên trong các HTX mới đã giúp HTX có phạm vi hoạt động lớn hơn, không còn bị bó hẹp trong làng xã mà mở rộng theo năng lực hoạt động. HTX gắn mình chặt hơn với hoạt động phát triển KT-XH trong cộng đồng dân cư, vươn lên làm đại diện cho nông sản địa phương, làm quản trị cho các hoạt động văn hóa bản địa, từ đây giúp gắn kết cộng đồng, tăng hiệu quả kinh tế hộ”, ông Lê Thanh Lam nhấn mạnh.

Theo Liên minh HTX tỉnh, hơn 1 năm qua, toàn tỉnh có 16 HTX mới thành lập, với 13 HTX nông nghiệp và 3 HTX phi nông nghiệp. Trong 13 HTX nông nghiệp có 2 HTX hoạt động chuyên về thủy sản, 2 HTX lâm nghiệp, 7 HTX tổng hợp, còn lại là HTX chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Các HTX phi nông nghiệp mới ra đời ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An. Các HTX này chuyên về máy móc, thương mại dịch vụ và xây dựng.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/314413/tin-hieu-tich-cuc-tu-cac-htx-moi-thanh-lap.html