Tín hiệu tích cực trong thu hút vốn FDI

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 7 tháng đầu năm đã có cú lội ngược dòng sau nhiều tháng giảm liên tục. Việt Nam vẫn được các DN nước ngoài hướng đến như là một trong những cứ điểm đầu tư.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Gần 16,24 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Con số này theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 8,8% so với 6 tháng đầu năm nay. Trong khi 6 tháng giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, giữa lúc dòng vốn đầu tư suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, trong đó có những dự án với quy mô “khủng”, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Số dự án đầu tư mới tăng mạnh so với cùng kỳ. Thậm chí, tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư.

Đáng chú ý, không chỉ vốn đăng ký, mà vốn giải ngân trong 7 tháng cũng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 11,58 tỷ USD). Điều này cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Hoạt động sản xuất cánh tà máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài chỉ rõ, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Trong đó, 7 tháng 2023, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương…

Sau đợt tham vấn định kỳ tình hình kinh tế Việt Nam vào tháng 6, trưởng đoàn công tác Điều khoản 4 của IMF - ông Paulo Medas nhận định, giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với các điều kiện bên ngoài khó khăn và phức tạp như tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược.

Ngân hàng DBS đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6 - 7% và hệ sinh thái điện tử đang phát triển.

Cùng chung quan điểm này, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings tin rằng, lực lượng lao động trẻ ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao là sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và Việt Nam dần giải quyết những thách thức trong nước.

Kỳ vọng vốn FDI cuối năm

Các tổ chức và chuyên gia dự báo trong những tháng cuối năm, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ còn có những tín hiệu tích cực hơn nữa nhờ khả năng hiện thực hóa cơ hội đầu tư của các DN thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao diễn ra trong nửa đầu năm.

Sau khi cùng phái đoàn Mỹ sang Việt Nam tầm 2 tháng, vào trung tuần tháng 5/2023, Boeing đã chính thức khai trương văn phòng mới tại Hà Nội.

Tương tự, Intel sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, sau khi đã thành công với dự án 1,5 tỷ USD ở TP Hồ Chí Minh. Intel đang trong quá trình đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các cơ chế, chính sách cho dự án này. Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN Vũ Tú Thành cho hay, các DN Mỹ nhìn vào Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực. Thời gian tới cũng có nhiều DN khác có kế hoạch sang Việt Nam tìm hiểu do xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục.

Lũy kế, đến tháng 6/2023, cả nước có 37.541 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 449,48 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt hơn 284 tỷ USD, bằng 63,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế.
Nguồn: Bộ KH&ĐT

Thông tin tích cực gần đây là việc Tập đoàn Procter & Gamble - P&G dự kiến mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Đại diện P&G Việt Nam cho biết, DN hiện có 2 nhà máy tại Bình Dương, với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (Bình Dương).

Trong khi đó, cuối năm nay, Amkor - “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ) sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD.

Tập đoàn Quanta Computer (Đài Loan - Trung Quốc) đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn.

Với vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, Quanta Computer dự kiến xây dựng nhà máy chuyên sản xuất và gia công máy tính xách tay, máy tính để bàn. Đây là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn cầu, nhưng là nhà máy đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam. Điều quan trọng, Quanta chính là đối tác sản xuất MacBook của Apple. Bởi thế, sự xuất hiện của tập đoàn này đồng nghĩa với việc “ông lớn” Apple đang tiếp tục xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Trong khuôn khổ "Diễn đàn DN khu vực Singapore" lần đầu tổ chức tại Hà Nội, Ngân hàng UOB lên kế hoạch thúc đẩy thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT).

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 60% số DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN. Khi các kế hoạch này được hiện thực hóa, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc cuối tháng 6/2023 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam, hơn 100 bản ghi nhớ hợp tác đã được các DN hai bên ký, trao đổi.
Nhiều DN Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với

Việt Nam, coi Việt Nam là địa bàn chiến lược, cứ điểm đầu tư quan trọng trên toàn cầu với các dự án đầu tư cụ thể, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Theo đó, sẽ có nhiều công ty Hàn Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh.

Các hoạt động này mở ra kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao trong chiến lược “xây tổ đón đại bàng” ở các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư như năng lượng xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn… cho thấy,

Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn ưa chuộng của các tập đoàn đa quốc gia. Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 từ Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE), vốn FDI dự báo đạt 19 - 21 tỷ USD năm 2023. Cũng đánh giá cao về triển vọng thu hút FDI trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử cho rằng: thu hút FDI năm 2023 sẽ không thấp, thậm chí cao hơn kết quả của năm 2023, trong đó, vốn giải ngân đạt khoảng 22 - 23 tỷ USD.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-hieu-tich-cuc-trong-thu-hut-von-fdi.html