Tín hiệu phục hồi xuất khẩu cuối năm

Mặc dù xuất khẩu 9 tháng qua vẫn tăng trưởng âm, song cũng có những dấu hiệu cho thấy một số ngành hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày... có tín hiệu phục hồi.

Xuất khẩu thủy sản vui trở lại

Xuất khẩu thủy sản tháng 8 của Việt Nam tăng trưởng dương lần đầu tiên sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, trong đó xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 11%.

Hối hả chuẩn bị lô hàng hải sản xuất khẩu đi Mỹ sau nhiều tháng "chơi dài" do đối tác ngừng mua hàng, ông Nguyễn Xuân Hoạt, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Sóc Trăng vui mừng khi các lao động đã quay lại nhà máy làm việc để kịp giao hàng trong tháng 10.

Nhận được vài đơn hàng, nhưng ông Hoạt ví như "vớ được vàng". Ông cho biết, từ đầu năm lao động không có việc, nên được đi làm trở lại, ai nấy đều phấn chấn. Không chỉ xuất khẩu, một số đơn hàng trong nước cũng đã được các siêu thị đặt hàng.

Chung niềm vui, Công ty TNHH Thương mại thủy sản Thịnh Phú cho biết, sau 6 tháng gần như "đóng băng", trong tuần trước, công ty vừa xuất khẩu được 5 container hàng thủy sản gồm: Tôm sú tẩm bột, bạch tuộc nguyên con, phi lê cá chẽm…

Hiện, nhà máy chuẩn bị cho lô hàng tiếp theo xuất đi EU trong tháng 9. Công ty cũng đã ký một số hợp đồng cho quý IV năm nay. Với tốc độ đơn hiện tại, Thịnh Phú dự kiến doanh thu có thể đạt ngưỡng 13 triệu USD của năm ngoái.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 8 của Việt Nam tăng trưởng dương lần đầu tiên sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Mỹ đứng đầu về thị trường nhập khẩu khi đạt giá trị 165 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24% so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng 8.

Đơn cử, tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may, da giày vẫn èo uột

Cùng với thủy sản, dệt may và da giày là hai mặt hàng chủ lực xuất khẩu - cũng được kỳ vọng khởi sắc vào những tháng cuối năm, dù bức tranh thị trường chung chưa mấy khả quan.

Sáu tháng đầu năm, đơn hàng giảm tới 40-70%, tuy nhiên từ tháng 7, rồi tháng 8 đơn hàng tăng dần lên, đến nay Tổng công ty Đức Giang đã có đơn hàng cho các tháng còn lại của năm từ thị trường Hoa Kỳ, và đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024.

Dù vậy, đơn hàng vẫn lác đác so với mọi năm, doanh thu năm nay sẽ khó bằng năm ngoái.

Đại diện Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho biết, doanh thu vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024.

Đơn hàng giảm khiến cho thu nhập bình quân của người lao động chỉ còn 8,86 triệu/người/tháng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận 8 tháng ước đạt 155 tỷ đồng, chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, công ty không mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai dở dang và tập trung vào nghiên cứu sản phẩm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM nêu thực tế: Những năm trước doanh nghiệp có thể nhận những đơn hàng có số lượng vài trăm nghìn sản phẩm, nhưng giờ chỉ dừng lại ở mức vài nghìn.

Giá đơn hàng cũng giảm mạnh, mức giảm trung bình khoảng 20%. Với mức giá này, doanh nghiệp không có lời, thậm chí lỗ.

Nhận định thị trường những tháng cuối năm đã qua "đáy xuất khẩu", tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex cho rằng, tình hình trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ chỉ tương đương 6 tháng đầu năm. Số đơn hàng quay lại chỉ đủ duy trì hoạt động của nhà máy và giữ chân người lao động.

Thực tế trên khiến ông Nguyễn Thái Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam không kỳ vọng vào kết quả kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2023. Ông ước tính, chỉ đạt khoảng 39,5-40 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với năm ngoái (44 tỷ USD).

Về đơn hàng của ngành da giày, bà Phan Thị, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách VN (LEFASO) cũng cho biết, đơn hàng quý III, IV chỉ đủ để sản xuất tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Theo bà, phần lớn là đơn nhỏ lẻ, còn đơn từ các đối tác lớn vẫn ăn đong.

Doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ

Dẫn số liệu xuất khẩu dệt may Việt Nam 8 tháng 2023 giảm 15% so với cùng kỳ, trong các quốc gia xuất khẩu lớn, chỉ có Bangladesh tăng 5,7%, Trung Quốc giảm 10%, ông Trường chỉ ra các số liệu minh chứng cho nguyên nhân sụt giảm.

Ông cho biết, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu dệt may Hoa Kỳ đưa ra 12 tiêu chí đánh giá, lựa chọn các quốc gia để nhập khẩu hàng hóa dệt may gồm: Chất lượng, năng lực quản trị, độ ổn định chính trị, có khả năng sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, có thuế quan...

Dựa trên các tiêu chí này, với điểm tối đa là 60, thì Việt Nam có điểm cao nhất là 47,5/60, Trung Quốc 42/60 (lý do sụt giảm liên quan đến câu chuyện trách nhiệm xã hội và lao động), còn Bangladesh chỉ được 39/60.

"Rõ ràng, Việt Nam được đánh giá đạt nhiều tiêu chí về phát triển bền vững hơn Trung Quốc và Bangladesh", ông Trường nói và cho biết, Bangladesh có hai điểm hơn Việt Nam và Trung Quốc, đó là giá thấp nhất thế giới và được hưởng chính sách miễn thuế khi xuất khẩu vào Châu Âu.

Bangladesh duy trì tăng trưởng bằng lợi thế giá rẻ nhất thị trường khi cầu thấp. Do đó, nguyên nhân sụt giảm của dệt may Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2023 nằm ở hai vấn đề là giá và thuế quan chứ không liên quan đến phát triển bền vững.

Bởi vậy, theo ông, để vượt qua giai đoạn ngắn hạn về sụt giảm cầu hàng dệt may, doanh nghiệp cần nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm ra phương thức sản xuất hợp lý nhất để có thể tiếp cận được thị trường, khách hàng.

Nhưng về mặt vĩ mô, rất cần cân đối giữa lãi suất, tỷ giá, tiếp cận vốn để duy trì được sản xuất. Khi nhận định rõ vấn đề sụt giảm của năm 2023 là ngắn hạn, phải tìm giải pháp ngắn hạn, tháo gỡ ngay cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm. Như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%.

"Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ, bù đắp cho suy giảm của 8 tháng", ông Hải nói và cho rằng, trong bối cảnh tổng cầu giảm, thời gian tới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vẫn là vấn đề then chốt.

Trong đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tháng 9 và lũy kế 9 tháng, Việt Nam ước xuất siêu lần lượt 2,29 tỷ USD và 21,68 tỷ USD.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tin-hieu-phuc-hoi-xuat-khau-cuoi-nam-192231002214323639.htm